Sáng 12/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp sử dụng lao động yếu thế
Phát biểu ý kiến, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đề nghị xem xét bổ sung các lĩnh vực được áp dụng chính sách ưu đãi thuế như phát triển xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bà Tú Anh cho biết, dự thảo Luật đang quy định những trường hợp miễn, giảm thuế khác khi doanh nghiệp sử dụng nhiều với 2 nhóm lao động yếu thế là lao động nữ và người dân tộc thiểu số.
Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung với doanh nghiệp sử dụng nhiều đối tượng lao động khác cũng được xem xét chính sách ưu đãi thuế như lao động là người khuyết tật, người nghỉ hưu sớm, người thôi việc (cán bộ, công chức, viên chức) do sắp xếp tinh gọn bộ máy cơ quan hành chính.
"Việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp sử dụng người thôi việc cho sắp xếp bộ máy cũng phù hợp chính sách về việc làm với đối tượng tinh giản biên chế", bà nói.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Ảnh: Media Quốc hội).
Thảo luận về nghĩa vụ nộp thuế, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu rõ, các quy định về nước ngoài kinh doanh số thường gặp khó khăn trong tuân thủ quy định thuế tại Việt Nam do thiếu cơ sở thường trú.
Vì vậy, đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn cơ chế kê khai đơn giản hóa thông qua cổng thông tin điện tử tăng cường tính khả thi, giảm chi phí tuân thủ và đảm bảo thu ngân sách lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định "bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số" và đề nghị sửa lại "doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế với thu nhập phát sinh thuế tại Việt Nam.
Về thu nhập chịu thuế, theo đại biểu, việc liệt kê các khoản thu nhập làm cho việc này trở nên phức tạp, khó hiểu. Vì vậy, nên rút gọn lại bằng cách sử dụng các nhóm thu nhập có đặc thù chung, đồng thời tham chiếu các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Cần mở rộng đối tượng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Cũng liên quan đến vấn đề miễn giảm thuế, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) cho biếtm dự thảo Luật đã có quy định thu nhập miễn thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đại biểu đánh giá đây là một bước tiến tích cực trong việc khuyến khích hoạt động đầu tư.
Song, thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm. Đại biểu cho rằng thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển của công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
"Thực tế nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cần từ 5 đến 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa. Vì vậy, tôi đề xuất vào dự thảo thu nhập tài khoản này được miễn thuế tối đa không quá 5 năm", đại biểu Minh đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Ảnh: Media Quốc hội).
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế kịp thời chủ trương về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đại biểu Minh đề nghị mở rộng đối tượng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ chuyển nhượng, phần góp vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các dự án tự nghiên cứu triển khai của doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Binh Thuận) đánh giá cao khi dự thảo Luật đã xây dựng một cơ chế miễn thuế, giảm thuế một cách khá chi tiết gắn với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn và từng lĩnh vực cụ thể.
Đặc biệt việc gắn miễn thuế, giảm thuế với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ dược, đầu tư vào trung tâm đổi mới sáng tạo là rất phù hợp với chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước đất nước.
Song, ông Thông cho rằng, thời gian miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% thuế trong tối đa là 9 năm tiếp là chưa thật sự phù hợp với các dự án có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và rủi ro cao.
"Chính sách này có thể chưa đủ hấp dẫn để thu hút dòng vốn chất lượng cao", ông Thông nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Ảnh: Media Quốc hội).
Đại biểu đề nghị nâng thời gian miễn thuế tối đa lên 6 hoặc 8 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa là 12 năm đến 15 năm đối với các dự án đầu tư mới có vốn trên 30.000 tỷ đồng hoặc có ảnh hưởng lan tỏa về công nghệ đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trên 1.000 lao động nhằm khuyến khích các tập đoàn đầu tư dài hạn vào Việt Nam.
Cũng theo đại biểu đoàn Bình Thuận, chính sách miễn giảm thuế hiện hành chưa gắn với các chỉ tiêu đầu ra cụ thể như: số lượng việc làm tạo ra, mức đầu tư vào nghiên cứu phát triển hoặc mức độ lan tỏa của công nghệ. Điều này khiến hiệu quả của ưu đãi chưa được lượng hóa, khó kiểm soát.