Đề xuất thêm phương án thí điểm quy định chuyển đổi sử dụng đất

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 10/01/2022 13:45

Chuyển đổi đất đai là vấn đề khó, nếu không xử lý thì sẽ ách tắc, không khơi thông được nguồn lực, nhưng nếu làm không chặt chẽ, thận trọng thì sẽ gây hậu quả.

Sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Một trong những sửa đổi nhận được nhiều ý kiến liên quan là đề xuất của Chính phủ sửa đổi quy định về chuyển đổi đất đai.

Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa theo hướng, ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác để đầu tư xây dự án nhà ở thương mại. Điều kiện là các dự án đất này đã được quy hoạch, có trong kế hoạch sử dụng đất của cơ quan chức năng theo luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...

Tại phiên thảo luận trực tuyến, một số đại biểu tiếp tục bày tỏ lo ngại hệ lụy từ quy định này, nhưng có đại biểu khẳng định để xuất sửa đổi là hợp lý, hợp tình, hợp thực tiễn.

Giải trình, làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi quy định về chuyển đổi đất đai.

Theo Bộ trưởng, quy định hình thức sử dụng đất để làm dự án nhà ở thương mại theo Luật Nhà ở đã phát sinh vướng mắc trong thời gian dài, từ năm 2014. Sau đó, vướng mắc này đã sửa đổi tại điều 75, Luật Đầu tư 2020.

“Nhưng thực trên thực tế, vẫn chưa xử lí được bất cập tạo ra sự phân biệt đối xử đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở, hoặc không có phần đất ở thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư. Điều này gây lãng phí nguồn lực, thiếu hụt nguồn cung, khiến giá nhà ở tăng lên”, Bộ trưởng nói.

Bất động sản - Đề xuất thêm phương án thí điểm quy định chuyển đổi sử dụng đất

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên họp (Ảnh: TTXVN).

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, các quy định nêu trên không thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư khi họ đã có quyền sử dụng đất theo khoản 4, điều 29, Luật Đầu tư. Và quy định người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất theo điều 52,57, 58 Luật Đầu tư.

Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội, nhiều dự án thương mại kiểu này bị ách tắc. Dẫn con số để chứng minh, Bộ trưởng cho biết tại Hà Nội có 102 dự án, Tp.HCM có 150 dự án, Bình Dương 40 dự án…

Về phương án sửa đổi, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đề xuất sửa điều 75 Luật Đầu tư cho phép nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất đối với 3 loại đất phù hợp kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp nhận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không cần thông qua đấu giá, đấu thầu.

Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, tránh lợi dụng chính sách, chuyển đổi tràn lan, nội dung đề xuất sửa đổi của Chính phủ đã quy định loại trừ các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định, bao gồm: Thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu; bán tài sản công theo luật tài sản công…

Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Xác định nghĩa vụ tài chính theo sát giá thị trường, đúng quy định Luật đất đai.

Bất động sản - Đề xuất thêm phương án thí điểm quy định chuyển đổi sử dụng đất (Hình 2).

Việc chuyển đổi đất đai phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh lợi dụng chính sách, chuyển đổi tràn lan (Ảnh: Hữu Thắng).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã gửi lấy ý kiến địa phương, 21/24 địa phương đồng ý. Một số địa phương đề nghị sửa đổi mạnh mẽ hơn đối với các quy định tại khoản 4, điều 23, Luật Nhà ở.

Nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, khó, nếu không xử lý thì sẽ ách tắc, không khơi thông được nguồn lực cho phát triển, nhưng nếu làm không chặt chẽ, thận trọng thì sẽ gây hậu quả.

"Vấn đề này liên quan đến rất nhiều luật, chính sách về đất đai, xây dựng, đầu tư… cần được nghiên cứu và đánh giá thật thận trọng và đầy đủ hơn, đảm bảo chặt chẽ và hài hòa với nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình.

Qua ý kiến đại biểu và cơ quan thẩm tra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 2 phương án. Phương án thứ nhất như Chính phủ trình, có rà soát lại chặt chẽ quy định chuyển đổi sử dụng đất.

Phương án 2 là theo đề xuất của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đó là đề nghị xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng hình thức xử lý đối với loại đất khác không phải đất ở để trình kỳ họp thứ 3 tháng 5/2022 của Quốc hội đối với những người đang có quyền sử dụng đất phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.