Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Ukraine, mở đầu bằng các cuộc tấn công bằng không quân và tên lửa vào các cơ sở quân sự của Ukraine trước khi quân đội và xe tăng Nga tràn qua biên giới từ phía Bắc, Đông và Nam.
Quân đội Ukraine đã chống trả trên nhiều mặt trận. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một bài phát biểu qua video vào rạng sáng ngày 25/2 rằng, 137 người, cả quân nhân và thường dân, đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Al Jazeera dẫn nguồn một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, Nga có thể đang có ý định chiếm Thủ đô Kyiv và các thành phố quan trọng khác, và cuối cùng là thành lập một chính phủ “thân thiện” hơn.
Trong khi các lực lượng Ukraine chống trả và dân thường tìm cách bỏ chạy bằng đường sắt và đường bộ, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã nhanh chóng áp các biện pháp trừng phạt tài chính mạnh mẽ lên Nga, còn NATO tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông.
Tổng thống Zelenskyy: “Ukraine bị bỏ lại một mình”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 24/2 đã ký sắc lệnh “tổng động viên” trong bối cảnh cuộc tấn công dồn dập của Nga.
Theo đó, lính nghĩa vụ và lực lượng dự bị sẽ được triệu tập trong 90 ngày tới để "đảm bảo quốc phòng, duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu" cho Ukraine, trang DW dẫn nguồn một mục trên trang web của Tổng thống Ukraine cho biết.
"Chúng ta đã bị bỏ lại một mình để tự mình bảo vệ mình", Tổng thống Zelenskyy nói trong một bài phát biểu toàn quốc lúc rạng sáng ngày 25/2.
"Ai sẵn sàng chiến đấu bên cạnh chúng ta? Tôi không thấy ai cả. Ai sẵn sàng giúp Ukraine đảm bảo tư cách thành viên NATO? Mọi người đều lo sợ", ông cho biết thêm.
Lực lượng biên phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Facebook, nam giới từ 18-60 tuổi không được phép rời khỏi đất nước.
Hạn chế trên sẽ kéo dài trong suốt thời gian thiết quân luật ở Ukraine, lực lượng này cho biết.
Tổng thống Zelenskyy đã tuyên bố thiết quân luật ngay sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công tổng lực.
Một đêm không bình yên ở Kyiv
Đến tối 24/2, nhiều người dân thủ đô đã trú ẩn sâu dưới lòng đất trong các ga tàu điện ngầm. Mọi người mang theo đồ dùng cần thiết để vượt qua một đêm không bình yên trong hầm trú bom tạm bợ.
Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko đã kêu gọi 3 triệu người dân của thành phố ở trong nhà trừ khi họ làm việc trong các lĩnh vực quan trọng và cảnh báo rằng mọi người nên chuẩn bị hành lý với những thứ cần thiết như thuốc men và giấy tờ.
Chernobyl rơi vào tay Nga
Ukraine cho biết họ đã mất quyền kiểm soát địa điểm hạt nhân Chernobyl sau khi lực lượng Ukraine tiến hành một trận chiến ác liệt với quân đội Nga.
Alyona Shevtsova, cố vấn của Chỉ huy Lực lượng Mặt đất của Ukraine, đã viết trên Facebook rằng các nhân viên đã bị "bắt làm con tin" khi quân đội Nga chiếm giữ cơ sở này.
Thư ký báo chí Nhà Trắng bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể cản trở nỗ lực duy trì cơ sở hạt nhân.
Phương Tây lên án cuộc tấn công
Các nhà lãnh đạo thế giới chỉ trích cuộc tấn công của Nga có thể gây ra thương vong lớn, lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của Ukraine và đe dọa sự cân bằng sau Chiến tranh Lạnh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi cuộc tấn công của Nga là “một hành động chiến tranh tàn bạo” và nói rằng Moscow đã phá vỡ hòa bình trên lục địa châu Âu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Tổng thống Nga Putin “đã chọn một cuộc chiến được lường trước sẽ mang lại thiệt hại thảm khốc về người và của”.
Các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 kêu gọi cộng đồng quốc tế “lên án cuộc tấn công này bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất có thể, sát cánh cùng Ukraine và lên tiếng phản đối hành động vi phạm trắng trợn các nguyên tắc cơ bản của hòa bình và an ninh quốc tế”.
Người đứng đầu cơ quan tị nạn của LHQ kêu gọi các nước láng giềng giữ cho biên giới của họ rộng mở cho những người Ukraine chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh. Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi cho biết, cơ quan của ông đã tăng cường hoạt động và năng lực của mình ở cả Ukraine và các nước láng giềng.
Thị trường thế giới biến động
Thị trường chứng khoán thế giới lao dốc và giá dầu tăng vọt trước lo ngại rằng hóa đơn năng lượng cho sưởi ấm và giá lương thực sẽ tăng chóng mặt.
Thị trường Mỹ đã tăng đáng kể vào cuối phiên giao dịch.
Ngoài thiệt hại về người và của, cuộc xung đột có khả năng sẽ khiến giá cả tại các trạm bơm xăng và cửa hàng tạp hóa trên toàn thế giới tăng chóng mặt.
Nga và Ukraine là những nhà sản xuất lớn không chỉ các sản phẩm năng lượng mà còn cả ngũ cốc và nhiều mặt hàng khác. Chiến tranh, cũng như các lệnh trừng phạt do Mỹ và các nước khác đưa ra, có thể làm rối loạn nguồn cung toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga
Khi công bố một vòng trừng phạt mới hôm 24/2, Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ và các Đồng minh sẽ phong tỏa tài sản của 4 ngân hàng lớn của Nga, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt các nhà tài phiệt.
Các biện pháp trừng phạt, theo Nhà Trắng, sẽ đánh vào hệ thống tài chính của Nga và các cá nhân thân cận với Tổng thống Putin, đồng thời áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm mục đích ngăn các ngành công nghiệp và quân sự của Nga tiếp cận chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác của Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ cũng tập trung vào các tổ chức quân sự và tài chính của Belarus, nơi mà Nga đang sử dụng làm cơ sở cho quân đội của họ tiến vào Ukraine từ phía Bắc.
Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson cho biết, ông sẽ nhắm tới việc tách Nga ra khỏi thị trường tài chính của Vương quốc Anh.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc đóng băng tài sản của tất cả các ngân hàng lớn, bao gồm cả Ngân hàng VTB, ngân hàng lớn thứ hai của Nga. Vương quốc Anh cũng có kế hoạch cấm các công ty Nga và chính phủ Nga huy động tiền trên thị trường của họ.
Vương quốc Anh cũng sẽ cấm xuất khẩu một loạt các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm chất bán dẫn, sang Nga và cấm hãng hàng không hàng đầu của họ, Aeroflot, hạ cánh tại các sân bay của Vương quốc Anh.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp đêm qua đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới lên Nga. EU sẽ cùng với Mỹ và các nước khác thực hiện các bước như hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Nga.
EU sẽ đóng băng tài sản của Nga trong khối và ngăn chặn khả năng tiếp cận của các ngân hàng với thị trường tài chính châu Âu như một phần của "gói trừng phạt khắc nghiệt nhất mà EU từng thực hiện".
Các nước như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng công bố các biện pháp trừng phạt tương tự.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, DW)