Thái Nguyên là nơi nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch, với các loại hình như du lịch về nguồn, du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc hay du lịch gắn với các vùng chè đặc sản.
Tuy nhiên, để định vị được thương hiệu, tạo sự khác biệt, ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho rằng thời gian tới tỉnh cần tiếp tục có những dự án lớn nhằm khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.
Để du lịch Thái Nguyên cất cánh
Người Đưa Tin (NĐT): Du lịch Thái Nguyên đang xây dựng cho mình một hình ảnh, một thương hiệu gì để khai thác, thu hút du khách tham quan trải nghiệm?
Ông Lê Ngọc Linh: Tỉnh Thái Nguyên đã xác định việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch thế mạnh gồm: du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà đã và đang góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đồng thời quảng bá thương hiệu trà Thái Nguyên đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Trà Thái Nguyên giờ đây không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch, quà tặng du lịch có giá trị, đặc trưng riêng có của tỉnh Thái Nguyên.
Tại các địa phương, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè đã chỉnh trang, chăm sóc những nương chè đẹp, xây dựng khu vực chế biến, khu vực trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm trà được chế biến tinh, sâu, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, xây dựng không gian thưởng trà rộng rãi, đảm bảo phục vụ các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm; đầu tư xây dựng homestay, phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống đáp ứng nhu cầu của du khách.
NĐT: Ngoài những thành tựu đạt được, tỉnh Thái Nguyên gặp những hạn chế trong phát triển du lịch hiện nay?
Ông Lê Ngọc Linh: Bên cạnh những thuận lợi, du lịch Thái Nguyên cũng còn những hạn chế cần khắc phục: sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, thiếu dịch vụ du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cao cấp. Nguồn nhân lực du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch còn chưa đáp ứng với xu thế phát triển chung.
Tỉnh chưa thu hút được những dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đầu tư khai thác tiềm năng khu du lịch Hồ Núi Cốc; chưa có nhà đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ cao cấp: khách sạn 5 sao, sân golf,… Các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch tiến độ triển khai chưa kịp thời, chưa thuận lợi phục vụ khách du lịch đến Thái Nguyên và thu hút các nhà đầu tư vào Thái Nguyên.
Công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đạt được kết quả nổi bật. Doanh nghiệp du lịch Thái Nguyên chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty lữ hành nội địa và quốc tế trên địa bàn thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên còn hạn chế.
NĐT: Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển du lịch, tuy nhiên để du lịch Thái Nguyên cất cánh rất cần có sự đầu tư cả về trí lực, nhân lực và vật lực. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này? Thái Nguyên đã và đang triển khai những giải pháp đồng bộ nào nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch?
Ông Lê Ngọc Linh: Để du lịch thực sự cất cánh, khai thác được những tiềm năng, lợi thế, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách rất cần có sự đầu tư cả về trí lực, nhân lực và vật lực bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao.
Trong đó, 9 nhóm giải pháp chủ yếu đang được các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện bao gồm: công tác tổ chức quản lý và thực hiện; tuyên truyền; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; hợp tác, liên kết và phát triển thị trường; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực; vốn đầu tư; cơ chế chính sách; ứng dụng khoa học và công nghệ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển du lịch
NĐT: đã hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong phát triển du lịchnhư thế nào?
Ông Lê Ngọc Linh: Nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong phát triển du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn; tích cực thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nhằm nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực du lịch; phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức và đón các đoàn Famtrip từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đến tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch qua đó xây dựng tour, tuyến và đưa khách đến Thái Nguyên.
Cùng với đó tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút đầu tư phát triển du lịch, thu hút du khách đến Thái Nguyên; tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá và truyền thông về du lịch.
NĐT: Có thể thấy việc phát triển du lịch của Thái Nguyên hiện nay đang gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, gắn kết các giá trị văn hóa đời sống, các giá trị văn hóa cộng đồng làm tăng giá trị của sản phẩm du lịch. Tại sao Thái Nguyên lại coi đây là một trong những định hướng phát triển của ngành du lịch? Cách làm cụ thể của địa phương nhằm khai thác tối đa lợi thế sẵn có?
Ông Lê Ngọc Linh: Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững bởi sở hữu nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, sản phẩm nông nghiệp phong phú.
Hoạt động du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thời gian qua đã từng bước được hình thành, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Mô hình du lịch cộng đồng đã sức lan tỏa, tạo được sức hút với chính người dân địa phương tham gia làm du lịch qua đó giúp cải thiện sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 05 của UBND tỉnh Thái Nguyên quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025.
Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 25.000 triệu đồng đối với 5 điểm du lịch cộng đồng. Cụ thể sẽ tập trung hỗ trợ kinh phí lập dự án, đầu tư hạ tầng; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch và hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.
NĐT: Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch, công tác quảng bá truyền thông tới người dân, du khách là một vấn đề rất cần được quan tâm. Thái Nguyên sẽ lựa chọn cách làm như thế nào,nhất là trong kỷ nguyên công nghệ số?
Ông Lê Ngọc Linh: Cùng với đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường quảng bá du lịch thông qua các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố; qua các hội nghị, hội thảo; tổ chức các gian hàng trưng bày quảng bá tại các hội chợ và sự kiện du lịch; tổ chức các đoàn famtrip khảo sát du lịch…
Thái Nguyên hiện nay đang rất chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Cụ thể trong thời gian qua đã đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên; thực hiện số hóa một số điểm di tích và danh thắng; triển khai hiệu quả công trình Điểm quét mã QR - code của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa, điểm du lịch tại một số địa phương; lắp đặt wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch, bến xe, bệnh viện; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các trang thông tin điện tử (website) và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,Youtube, Fanpage, Tiktok.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!