Đến Đài Loan (Trung Quốc) phải ăn ngay 15 món ăn vặt nổi tiếng này

Thứ 4, 15/03/2023 11:55

Đến thiên đường ẩm thực Đài Loan (Trung Quốc) thì nên ăn những món gì?

Nếu bạn đến Đài Loan (Trung Quốc) và muốn tìm hiểu ẩm thực của nơi đây, cách tốt nhất là hãy tới những chợ đêm và làm ngay một tour ẩm thực đường phố ngon tuyệt tại nơi này. Trải nghiệm này sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng. Trong bài viết này là 15 món ngọt nổi tiếng ở Đài Loan (Trung Quốc) mà bất cứ ai nếm thử một lần cũng phải ghiền.

Đậu hoa (Tào phớ)

Không có cách nào tốt hơn để bắt đầu danh sách các món ngọt ở Đài Loan (Trung Quốc) bằng đậu hoa. Đậu hoa là tên gọi tắt của đậu phụ hoa. Đây là một món ăn nhẹ phổ biến của Trung Quốc, được làm từ đậu tương, có thể ăn mặn hoặc ngọt. Nó cũng là một trong những món ăn vặt được ưa thích tại nhiều quốc gia châu Á như Hồng Kông, Philippines, Việt Nam, Singapore, …

img

Tùy theo mỗi vùng mà nó được chế biến theo cách khác nhau, nhưng ở Đài Loan (Trung Quốc), nó được làm từ đậu phụ non, chan với nước siro gừng. Người ta cũng thường ăn kèm nó với những viên khoai dẻo, đậu phộng, hạnh nhân, đậu đỏ, đậu xanh hay trái cây,… Bạn có thể tìm thấy đậu hoa ở bất cứ nơi đâu tại Đài Loan (Trung Quốc), vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Thạch aiyu

Thạch Aiyu là một loại thạch được làm từ một loại cây chỉ xuất hiện ở Đài Loan và một số vùng phía đông nam Trung Quốc. Khi người ta ngâm hạt của loại cây này trong nước và chà xát với nhau, hạt sẽ tiết ra một loại gel màu vàng và đặc lại, đóng thành thạch khi được làm lạnh.

img

Thạch aiyu thường được sử dụng như một thành phần trong trà sữa trân châu hoặc đá bào. Nó có hương vị thanh mát, mềm dẻo. Khi ăn riêng, nó được thêm đá viên, nước cốt chanh, mật ong,… để tăng thêm hương vị.

Bao bing (đá bào)

Khi đến thăm bất kỳ thành phố lớn nào ở Đài Loan (Trung Quốc), sẽ không khó để bạn bắt gặp những cửa hàng bán đá bào mà người dân địa phương gọi là bao bing. Bao bing của Đài Loan khá giống với bingsu của Hàn Quốc. Chúng thường được làm bằng đá bào mịn, có đường và sữa đặc. Bạn có thể thưởng thức nó với nhiều loại topping khác như trái cây theo mùa, kem, đậu azuki, miếng khoai dẻo, thạch aiyu, trận châu, … Kết cấu dai dai của những viên khoai dẻo hay trân châu, ăn kèm với kem và đá bào mịn chắc chắn sẽ khiến bạn phải mê mẩn.

img

Tang yuan

Tang yuan là một món ngọt truyền thống khác của Trung Quốc và cũng xuất hiện ở nhiều nơi như Nhật Bản, Indonesia,… Chúng được làm từ bột gạo nếp, nặn thành những viên tròn và ăn kèm với nước đường nóng. Người ta thường nặn tang yuan thành nhiều kích thước khác nhau, chúng có thể có kích thước bằng quả bóng bàn hoặc nhỏ như viên bi, có nhân hoặc không nhân.

img

Với một số loại tang yuan truyền thống, người ta sẽ cho thêm nhân đậu đỏ, bột đậu phộng, nhân hạt sen hoặc vừng ngọt vào bên trong. Trong những năm gần đây, các loại nhân của tang yuan đã được sáng tạo phong phú và thời thượng hơn như nhân đường nâu, bơ đậu phộng, trứng muối hoặc dâu tây, … Tang yuan vốn là một món ăn truyền thống quan trọng, thường có trong các lễ hội lớn như ngày tết Nguyên Tiêu hay Tết Nguyên Đán. Ở Đài Loan (Trung Quốc), đây là một trong những món ăn phải có trong ngày lễ Đông Chí.

img

Chè khoai dẻo

Đúng như tên gọi, chè khoai dẻo là món chè ngọt nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc), có những viên khoai dẻo đầy màu sắc được làm từ khoai môn hoặc khoai lang. Chè khoai dẻo có thể được ăn nóng hoặc lạnh. Chúng phổ biến trên khắp Đài Loan, nhưng nổi tiếng và đặc biệt nhất là tại thị trấn Cửu Phần. Tại Cửu Phần, bạn sẽ được phục vụ một bát chè khoai dẻo đầy màu sắc gồm những viên khoai môn, khoai lang, viên trà xanh kết hợp cùng các loại đậu, ăn kèm với nước đường.

img

Bánh castella mật ong

Bánh castella mật ong là một loại bánh bông lan mềm xốp. Có thể coi đây là phiên bản Đài Loan của bánh castella Nhật Bản, một đặc sản của Nagasaki được các thương nhân Bồ Đào Nha mang đến Nhật Bản vào thế kỷ 16. Nhìn chung, bánh castella của Nhật Bản và Đài Loan khá tương tự nhau, tuy nhiên bánh của Đài Loan được làm từ bột mì đa dụng và cho rất nhiều mật ong, khác hẳn với phiên bản Nhật Bản được làm theo cách truyền thống từ bột làm bánh mì và không cho thêm bất kỳ chất làm ngọt nào khác ngoại trừ đường. Điều này mang đến cho bánh castella mật ong Đài Loan một kết cấu nhẹ, xốp, ẩm và có vị ngọt nhẹ từ mật ong. Nếu là tín đồ của những loại bánh ngọt, bạn nhất định phải thử món tráng miệng này ở Đài Loan (Trung Quốc).

img

Di gua qiu (khoai viên chiên)

Khi ghé thăm bất kỳ khu chợ đêm nào ở Đài Loan (Trung Quốc), bạn sẽ thấy các quầy thức ăn đường phố thường có chữ QQ trên bảng hiệu của họ. Đây là một từ lóng để chỉ những món ăn vặt có kết cấu dai dai, mềm mềm. Nó bắt nguồn từ từ “khiu/qiu” trong tiếng Mân Nam có nghĩa là “mềm mại, dẻo và đàn hồi”. Từ này thường được dùng để mô tả những món ăn như viên khoai dẻo, trân châu hay khoai viên.

img

Về cơ bản, di gua qiu được làm bằng khoai lang hoặc khoai môn nghiền, đôi khi người ta sẽ kết hợp cả hai loại khoai này với nhau, sau đó nặn tròn rồi chiên lên. Đây là một món ăn đơn giản nhưng lại rất ngon và cuốn hút. Du khách thường sẽ mua một bịch to để nhâm nhi trong lúc khám phá khu chợ đêm náo nhiệt.

Che lun bing (bánh kẹp Đài Loan)

Che lun bing là một món tráng miệng phổ biến khác của Đài Loan (Trung Quốc), có nguồn gốc từ bánh Imagawayaki của Nhật Bản. Theo cách làm truyền thống, những chiếc bánh này chỉ có nhân đậu đỏ azuki, tuy nhiên giờ đây nó đã được biến tấu với nhiều loại nhân mặn, ngọt khác nhau như chocolate, trứng sữa vani, trái cây, ngô, trứng, cà ri, … Cách chế biến món bánh này thực ra khá đơn giản, người ta sẽ đổ bột vào trong những khuôn gang hình cái đĩa, đơi bột chín thì lấy ra, thêm các loại nhân vào giữa, sau đó, kẹp hai miếng bánh lại với nhau. Đây là món ăn phổ biến đến nỗi bạn có thể tìm thấy chúng dọc theo các quán vỉa hè hoặc các chợ đêm trên khắp Đài Loan (Trung Quốc).

img

Tanghulu (Kẹo hồ lô)

Kẹo hồ lô cũng là một trong những mặt hàng bán chạy nhất tại các chợ đêm Đài Loan (Trung Quốc). Được người dân địa phương gọi là “tanghulu”, món kẹo bóng bẩy này được làm bằng cách xiên trái cây tươi vào một que tre, sau đó nhúng vào trong xiro đường. Sau khi đường khô lại sẽ tạo thành một lớp kẹo ngọt dính, giòn tan.

img

Tanghulu có thể được làm bằng nhiều loại trái cây khác nhau nhưng ở Đài Loan (Trung Quốc), phổ biến nhất là làm bằng dâu tây hoặc cà chua bi được nhồi thêm những quả mận khô. Những loại trái cây chua này sẽ giúp làm trung hòa cái ngọt của lớp kẹo đường bên ngoài, tạo nên hương vị chua chua, ngọt ngọt vô cùng thú vị.

 Bánh mochi (bánh gạo dẻo)

img

Nếu là tín đồ của bánh mochi Nhật Bản, có thể bạn sẽ rất vui nếu biết rằng nó cũng là một món ăn vặt phổ biến ở Đài Loan (Trung Quốc). Đây là những chiếc bánh mềm, dai được làm từ bột gạo nếp, ở Đài Loan chúng thường được nhồi nhân đậu và phủ thêm một lớp bột đậu phộng ở bên ngoài cho khỏi dính.

img

Ngoài ra, còn có một phiên bản khác là bánh mochi nướng. Những chiếc bánh dẻo được cắt thành khối dài, làm nóng trên vỉ nướng rồi sau đó được phủ một lớp nước sốt ngọt và bột đậu phộng để ăn kèm.

Bánh dứa

Khi đến Đài Loan (Trung Quốc), những chiếc bánh dứa thơm ngon là món quà lưu niệm phổ biến nhất mà bạn có thể mua để đem về làm quà. Chúng là những chiếc bánh ngọt được làm từ trứng, bơ, bột mì, đường và mứt dứa. Ngoài việc có hương vị thơm ngon, món bánh ngọt này phổ biến ở Đài Loan là vì dứa được coi là biểu tượng của sự tốt lành. Trong tiếng Phúc Kiến, dứa được đọc là “ong lai”, đồng âm với cụm từ “tài lộc đến”.

img

Bánh thái dương

Giống như bánh dứa, bánh thái dương cũng là một món quà lưu niệm phổ biến mà bạn có thể đem về từ Đài Loan (Trung Quốc). Có nguồn gốc từ Đài Trung, những chiếc bánh ngọt tròn, dẹp và xốp này chứa đầy nhân mạch nha giòn tan ở bên trong. Đôi khi người ta cũng thích ăn bánh cùng với sốt khoai môn hay mật để tăng thêm vị ngọt đậm đà cho bánh. Bên cạnh đó, món bánh thái dương thường được nhâm nhi cùng với một ly trà nóng cho một bữa ăn xế nhẹ nhàng.

img

Kẹo nougat

Kẹo nougat là một loại kẹo dẻo dai, được làm từ lòng trắng trứng đánh bông, đường hoặc mặt ong và các loại hạt rang. Đây là một loại kẹo phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở mỗi nơi, nó lại có một tên gọi khác nhau như turron ở Tây Ban Nha, mandolato ở Hy Lạp, qubbajt ở Malta hay alvita ở Rumani, …

img

Phiên bản kẹo nougat ở Đài Loan (Trung Quốc) sẽ hơi khác so với những quốc gia khác bởi nó được bổ sung thêm các thành phần như sữa bột, trái cây khô. Ngoài ra, kẹo còn có 2 dạng cho bạn lựa chọn là dẻo dai hoặc giòn tan. Chỉ cần cắn một miếng, bạn sẽ đắm chìm trong hương vị ngọt ngào của sữa, vị bùi béo của các loại hạt và vị chua chua của các loại trái cây khô. Quá trình làm kẹo nougat tuy không lâu nhưng lại rất tốn thời gian và tâm huyết. Thời gian nấu kẹo phải được căn chỉnh vừa đủ, chính xác để miếng kẹo không quá cứng, cũng không quá mềm.

Trà sữa trân châu

Là quê hương của trà sữa trân châu, vậy nên sẽ quả là một thiếu xót lớn nếu đến Đài Loan (Trung Quốc) mà không thưởng thức món thức uống nổi tiếng này. Được phát minh ở Đài Loan vào khoảng đầu những năm 90, ngay nay, nó đã trở thành một trong những thức uống nổi tiếng nhất ở châu Á và được tiêu thụ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

img

Về cơ bản, trà sữa trân châu là một loại thức uống được làm từ trà đen, trà xanh hoặc trà ô long pha với sữa hoặc nước ép trái cây. Người ta thường thêm các loại topping như trân châu, pudding, viên khoai dẻo, thạch trái cây vào để uống kèm. Đặc biệt, nếu đến Đài Trung, các bạn nên ghé thử cửa hàng trà sữa Chun Shui Tang, đây được cho là nơi đã phát minh ra món thức uống nổi tiếng cả thế giới này.

Trà phomai

Trà phomai cũng là một thứ thức uống độc đáo và thú vị khác của Đài Loan (Trung Quốc). Tương tự như trà sữa, nó cũng được pha từ trà xanh hoặc trà đen, sau đó phủ một lớp bọt kem phomai mặn đánh bông. Dù uống trà với phomai nghe có vẻ kỳ lạ nhưng chỉ cần nhấp một ngụm, nó lập tức sẽ khiến bạn phải say mê. Sự kết hợp giữa trà hơi đắng cùng với lớp bọt phomai mằn mặn, ngọt ngọt thực sự vô cùng cuốn hút.

img

Không giống như trà sữa trân châu có thể uống nóng hoặc lạnh, trà phomai luôn được uống với đá và không bao giờ dùng ống hút. Bạn sẽ uống nó từ mép cốc để trà và phomai được hòa quyện vào nhau sau mỗi ngụm. Trà phomai được phát minh ở Đài Loan (Trung Quốc) vào khoảng năm 2010 và đã trở nên phổ biến ở nhiều nước châu Á, tuy nhiên, nó vẫn chưa phổ biến toàn cầu như người anh em trà sữa trân châu của mình.

L.A (Theo Willflyforfood)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.