Dệt may TNG: 9 tháng đạt 4.079 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 85% KH

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 04/10/2021 16:45

Địa bàn sản xuất chính ở Thái Nguyên, ít chịu tác động bởi dịch Covid-19, Dệt may TNG tiếp tục ghi nhận doanh thu tháng 9 tăng trưởng so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh tháng 9/2021, ghi nhận doanh thu tiêu thụ đạt 535 tỷ đồng, tương ứng tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 4% kế hoạch.

Trước đó, doanh thu trong tháng 7 và tháng 8 của Dệt may TNG đạt tổng cộng 1.172 tỷ đồng. Như vậy, tính trong quý 3/2021, doanh thu toàn công ty ghi nhận 1.707 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Dệt may TNG ghi nhận doanh thu 4.079 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu cả năm 2021 là 4.798 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành khoảng 85% mục tiêu cả năm.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã nhận định trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tương đương kết quả năm 2019. Tuy nhiên, giai đoạn này đang là thời điểm nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

TNG có lợi thế nhờ địa bàn sản xuất chính ở Thái Nguyên - địa phương ít chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, điều này giúp Công ty có điều kiện để sản xuất kinh doanh ổn định.

Thêm vào đó, các nhà máy dệt may tại phía Nam phần lớn đang phải giảm công suất hoặc đóng cửa, do đó các hãng đã chuyển đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may phía Bắc, trong đó có TNG.

Theo báo cáo của Vitas về ngành dệt may trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, nhưng giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019. Tuy vậy, Vitas dự báo 3 tháng cuối năm nay sẽ là khoảng thời gian cực kì khó khăn đối với ngành dệt may.

Thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc phải giảm tối thiểu từ 60-70% lao động do không đáp ứng được yêu cầu của “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” hay “4 xanh". Hoặc, do người lao động lo sợ lây nhiễm không đi làm, một số không nhỏ đã về quê... làm cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề lao động cả hiện tại và thời gian tới sau dịch.

Ước tính của Vitas cho hay, sẽ có khoảng gần 1 triệu lao động dệt may bị ảnh hưởng do phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm thu nhập.

Vitas nhận định, kịch bản trung bình nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 dự kiến sẽ đạt khoảng từ 36 - 36,5 tỷ USD. 

Tại phiên họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 1/10, đại diện Vitas kiến nghị Chính phủ cần giao chỉ tiêu kinh tế cho các địa phương, để đảm bảo mục tiêu kép; tiêm vắc-xin sớm cho lao động ngành để duy trì sản xuất. Đồng thời, kiến nghị người được tiêm vắc-xin có thể được lao động, sản xuất nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.