Huyền Chip: Đi bằng niềm tin

Huyền Chip: Đi bằng niềm tin

Thứ 4, 17/04/2013 | 13:46
0
Đây là bài viết đã giúp Huyền Chip giành giải nhất một cuộc thi viết đúng lúc cô “cháy túi”. Phần thưởng cuộc thi đã giúp Huyền "sống sót" thêm được mấy tháng để tiếp tục cuộc hành trình 'Xách ba lô lên và đi'.

Khi tôi nói với một trong những người bạn của tôi rằng tôi sẽ đi vòng quanh thế giới, bạn tôi chọc: "Không có tiền thế thì đi bằng niềm tin à?". Lúc đấy cả hai chúng tôi đều bật cười. Vậy mà sau 30 ngàn km, 510 ngày, bốn đôi giày, hai châu lục và một thân xác không mệt mỏi, câu nói đùa ngày nào của đứa bạn lại trở thành chân lý. Không một xu dính túi, không bằng cấp trong tay, sức khỏe thì chẳng bằng ai, còn kiến thức chỉ là kiến thức của một con bé mới chập chững vào đời, thứ duy nhất giúp tôi tiếp tục cất bước là một niềm tin sắt đá.

Tôi tin vào lòng tốt của con người. Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Ở đâu cũng có người tốt, người xấu. May mắn thay, phần lớn đều là người tốt, và ngay cả những người bị gán mác là "xấu" phần lớn thời gian vẫn là người tốt. Tôi cười mỗi khi ai đó khuyên: "Đừng tin người lạ". Người quen nào cũng từng là người lạ. Tôi không thể đến được nơi tôi đang ở ngày hôm nay, nếu như không có sự giúp đỡ của người xa lạ. Tôi đã ở nhờ nhà của không biết bao nhiêu người tôi chưa gặp bao giờ.

Tôi đã đi nhờ xe của không biết bao nhiêu người mà thậm chí tôi còn không nói chuyện được vì rào cản ngôn ngữ. Chú bảo vệ ở bến tàu Gwahati, Ấn Độ, khi biết tôi có ý định đi nhờ xe vì không đủ tiền mua vé tàu, đã mua vé cho tôi vì sợ tôi gặp chuyện không may.

Cậu bạn người dân tộc Hamer ở thung lũng South Omo - vùng sâu vùng xa nhất của Ethiopia - đã dựng lều cho tôi ngủ khi tôi không có chỗ ở. Một trong những người để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất lại chính là một cô bạn bị gắn mác "gái gọi" ở Kuching, Malaysia. Con người khiến cho những mảnh đất xa xôi nhất trở nên gần gũi.

Xã hội - Huyền Chip: Đi bằng niềm tin

Huyền Chip và những chuyến đi

Tôi tin rằng Trái đất hình tròn. Tôi tin là nếu tôi tiếp tục đi, từ thành phố này sang thành phố khác, từ đất nước này qua đất nước khác, từ châu lục này sang châu lục khác, sẽ có một ngày tôi quay trở lại được điểm xuất phát của mình. Và khi đó, tôi đã đi được một vòng. Chỉ cần tôi không bỏ cuộc, và không có lý do gì để tôi bỏ cuộc cả. Không có tiền đi máy bay, tôi đi xe buýt. Không có tiền đi xe buýt, tôi sẽ đi nhờ xe. Không có xe để đi nhờ, tôi sẽ đi bộ. Không có tiền ở khách sạn, tôi sẽ ngủ nhờ. Không có ai cho ngủ nhờ, tôi sẽ xin ngủ ở đồn cảnh sát. Nếu đồn cảnh sát cũng không có, tôi sẽ cắm trại ngủ ngoài trời. Tôi sẽ tiếp tục đi, và cứ đi là đến.

Đặt niềm tin vào bản thân mình đã khó. Đặt niềm tin vào người khác còn khó hơn nhiều. Tôi biết ơn lắm những người bạn đã luôn đặt niềm tin ở nơi tôi, và giúp tôi giữ vững niềm tin vào chính bản thân mình. Những lời động viên chân thành từ bạn bè là động lực mãnh liệt nhất để tôi tiếp tục bước đi khi đôi chân đã mỏi mệt. Đi một mình nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy đơn độc.

Tôi biết có những người bạn luôn theo sát hành trình của tôi, luôn hỏi han khi biết tôi ốm đau, luôn nhớ gọi điện chúc mừng tôi ngày sinh nhật, và luôn sẵn lòng giúp đỡ khi tôi cạn kiệt về mặt tài chính. Nói gì thì nói, đi như tôi dù không tốn nhiều như người ta vẫn tưởng, nhưng vẫn cần tiền: Viện phí, chi phí xin visa... Bạn bè tôi đã không ngần ngại cho tôi vay tiền ngay cả khi không biết khi nào tôi mới có thể trả được. Tôi biết, bạn bè tin tưởng ở tôi, và họ làm tất cả những gì có thể để giúp tôi đạt được ước mơ của mình.

Câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất trong cuộc hành trình của mình, không phải là tôi đi bằng cách nào, mà là "Làm sao để tôi thuyết phục được bố mẹ cho tôi đi?". Và câu trả lời của tôi luôn là: "Bởi vì bố mẹ tin tưởng ở tôi." Không ít bạn bè đồng trang lứa tâm sự với tôi rằng họ muốn đi như tôi lắm, nhưng bố mẹ không cho phép. Tôi may mắn có được một gia đình luôn ủng hộ tôi, ngay cả khi sự ủng hộ đòi hỏi sự tin tưởng sắt đá và sự hy sinh lớn lao.

Mỗi lần tôi gọi về nhà là một nơi xa xôi tôi đang ở. Có những nơi tôi đặt chân đến bố mẹ tôi chưa nghe nói đến bao giờ. Có những nơi tôi đặt chân đến chỉ tên thôi đã khiến cho bố mẹ tôi rùng mình: Vùng chiến sự Kashmir, trại tị nạn Palestine, biên giới Tây Tạng, và giờ đây là châu Phi xa xôi.

"Thôi con đi được thì cứ đi, bố mẹ tin là con biết mình làm gì," bố tôi luôn nói với tôi thế. Nhưng tôi biết, mỗi lần tôi gọi về nhà là một lần mẹ tôi khóc. Khóc vì nhớ con. Khóc vì thương con. Khóc vì những lo lắng kìm nén không muốn để tôi biết, sợ làm tôi nhụt chí. Dũng cảm là người dám phiêu lưu. Nhưng dũng cảm hơn cả là người dám để cho người mình yêu thương nhất ra đi đối mặt thử thách.

Nhiều người cười, nhiều người kêu tôi "nổ", nhiều người cáu bởi tôi "tuổi gì" mà đòi đi vòng quanh thế giới. Tôi không giận họ, bởi có một điều họ không biết: Tôi đi bằng niềm tin, mà niềm tin thì tôi không thiếu.                                

Huyền Chip

Huyền Chip: Nơi cuối cùng con quay về

Thứ 6, 22/03/2013 | 15:49
Khi tôi vẫn còn trong bụng mẹ, ai cũng nghĩ rằng tôi sẽ là con trai. "Nó đạp như một võ sĩ vậy", mẹ kể. Mặc dù bố thề rằng ông sẽ vẫn yêu tôi nếu chẳng may tôi là con trai thật, ông quá đỗi sung sướng khi tôi sinh ra là con gái. Trước tôi, bố mẹ đã có một đứa con trai, chính là ông anh trai quý hóa của tôi bây giờ.

Cuộc hành trình... vòng quanh thế giới của cô gái với 700 USD

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
– 15 tuổi một mình lên Hà Nội học chuyên Toán tại trường Đại học Tổng hợp, 20 tuổi, cô có một quyết định mạo hiểm hơn: Một mình đi vòng quanh thế giới.

Gặp cô gái 9X “chu du” thế giới không mất tiền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
– Đó là Tường Huyền Trâm, cô sinh viên năm thứ 4 ĐH Ngoại thương, Hà Nội. Bắt đầu từ tháng 8/2009, Huyền Trâm đã tìm kiếm cho mình những cơ hội du lịch kết hợp hội thảo hay các khóa học miễn phí ở nước ngoài.