Các triệu chứng Covid-19 thường gặp nhất
Những người có các triệu chứng này có thể nhiễm Covid-19:
Sốt hoặc ớn lạnh
Ho
Hụt hơi hoặc khó thở
Mệt mỏi
Đau cơ hoặc đau người
Đau đầu
Mất vị giác hoặc khứu giác
Đau họng
Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi
Buồn nôn hoặc nôn mửa
Tiêu chảy
Hãy đi khám ngay lập tức nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng. Luôn gọi điện trước khi gặp bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế.
Những người có triệu chứng nhẹ và không có biểu hiện bệnh nào khác nên điều trị triệu chứng tại nhà.
Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 5-6 ngày kể từ khi một người nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, thời gian này có thể lên tới 14 ngày.
Theo hướng dẫn có 5 mức độ phân loại bệnh Covid-19, gồm: Không có triệu chứng lâm sàng, nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch.
Người nhiễm không triệu chứng lâm sàng: F0 được xếp vào nhóm này nếu không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.
Mức độ nhẹ: F0 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy… Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời. Bên cạnh đó, người bệnh tỉnh táo, tự phục vụ được; X-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít.
Mức độ trung bình: Đánh giá toàn trạng, người bệnh có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ. Về hô hấp, bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi, khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. F0 có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang).
Mạch của người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường, ý thức tỉnh táo. Ngoài ra, chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương dưới 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 > 300.
Mức độ nặng: F0 được phân loại thuộc nhóm nặng nếu hô hấp có dấu hiệu viêm phổi kèm theo bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: nhịp thở > 25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 < 94% khi thở khí phòng.
Về tuần hoàn, nhịp tim người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, HA bình thường hay tăng. Về thần kinh, người bệnh có thể bứt rứt hoặc đừ, mệt. Chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực: có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 khoảng 200-300.
Mức độ nguy kịch: F0 thuộc nhóm nguy kịch có biểu hiện thở nhanh > 30 lần/phút hoặc < 10 lần/phút, có dấu hiệu suy hô hấp nặng, thở gắng sức nhiều, thở bất thường hoặc cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy. Ý thức người bệnh giảm hoặc hôn mê.
Nhịp tim bệnh nhân có thể nhanh hoặc chậm, huyết áp tụt, tiểu ít hoặc vô niệu. Kết quả X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 < 200, toan hô hấp, lactat máu > 2 mmol/L.
F0 điều trị tại nhà cần chuẩn bị những gì?
Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế Hà Nội về quản lý, điều trị và chăm sóc F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, khi điều trị tại nhà, các F0 cần chuẩn bị:
Lưu số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe.
Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.
Khẩu trang y tế dùng 1 lần;
Găng tay y tế sạch;
Dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng;
Dụng cụ cá nhân: Bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt) máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.
Phương tiện cần có:
Nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2);
Máy đo huyết áp;
Điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế;
Thùng rác thải y tế;
Túi thuốc điều trị tại nhà;
Có người thân chăm sóc.
Khi cách ly, điều trị tại nhà, F0 không được tự ý rời phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Đồng thời, họ không sử dụng chung vật dụng với người khác; không ăn uống cùng người khác; không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và khi chăm sóc.
Vì sao F0 bệnh nhẹ vẫn gặp di chứng nặng hậu Covid?
Theo Vietnamnet, quá trình khám bệnh, Ths.BS Kiều Xuân Thy từng gặp F0 triệu chứng rất nhẹ hoặc chỉ có biểu hiện sốt, ho thông thường. Tuy nhiên sau khi có kết quả âm tính, các di chứng hậu Covid xuất hiện nhiều và nặng nề.
Ths.BS Thy cho biết, điều này phù hợp với các nghiên cứu của y học thế giới. Đó là rối loạn cơ thể do Covid gây ra có khả năng ảnh hưởng toàn bộ hệ thống, không chỉ riêng hệ hô hấp. Trước đây, chúng ta cho rằng, Covid-19 chỉ gây ảnh hưởng đến phổi hoặc tình trạng đông máu nhưng nhiều nghiên cứu, thống kê cho thấy, Covid-19 có khả năng gây tổn thương lên cơ xương khớp, ảnh hưởng da, lông, tóc, thậm chí lên cơ quan tim, gan…
Đáp ứng của cơ thể mỗi người với Covid khác nhau nên triệu chứng hậu covid của mỗi người cũng rất phong phú, đa dạng. “Nên không chỉ người già, có triệu chứng Covid nặng mới bị hậu Covid, F0 có triệu chứng nhẹ cũng có thể mắc hậu Covid”, Ths.BS Thy nói thêm.
Cũng theo Ths.BS Thy, triệu chứng hậu Covid rất phong phú, đa dạng nhưng nó chỉ được khẳng định khi người bệnh có kết quả âm tính.
“Ai nhiễm Covid-19 cũng có khả năng xuất hiện di chứng của hậu Covid. Không thể nói F0 mức độ nặng, phải thở máy mới bị hậu covid và người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì không bị”, Ths.BS Thy nói.
Sau khi có kết quả âm tính, xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi… người bệnh phải làm các xét nghiệm để loại trừ bệnh lý thực thể trước. Khi nào thực thể không có bệnh, mới có thể chẩn đoán di chứng hậu Covid.
Bác sĩ đưa ra lời khuyên người dân hãy đi khám hậu Covid-19 khi đã khỏi bệnh và phải có triệu chứng. Người dân cũng nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần dù không bị hậu Covid-19.
Trúc Chi (t/h theo Vietnamnet, Tuổi Trẻ)