Các tỉnh xây dựng phương án đón người dân trở về
Dù đang gấp rút xây dựng các phương án kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhanh chóng quay lại sản xuất tại các trung tâm kinh tế lớn, tuy nhiên, điều này cũng không thể ngăn nổi những đoàn người nối đuôi nhau di chuyển về các địa phương.
Để đảm bảo an toàn, các tỉnh miền Tây đang triển khai tiếp nhận người lao động từ tỉnh khác trở về.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tỉnh đã triển khai nhiều đợt đón người dân, tuy nhiên do việc di chuyển trong tình hình dịch còn khó khăn, số lượng người dân có nhu cầu về quê lớn, dẫn đến tình trạng bà con di chuyển tự phát.
Trước tình hình đó, khi người lao động từ các địa phương khác trở về, tỉnh đã tổ chức phân luồng, có xe chỉ dẫn đón người dân về các huyện và thực hiện cách ly, tạo điều kiện cho người dân về nhà”.
Về kế hoạch dài hạn giúp đỡ người dân, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai các gói hỗ trợ an sinh, đào tạo nghề để người dân ổn định công việc, tạo cơ hội việc làm cho người dân ở tại địa phương.
Cũng trao đổi về vấn đề trên, bà Lê Thanh Giang Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn y tế, vấn đề việc làm sau này cho người dân, chúng tôi cố gắng động viên người lao động. Hiện nay các thành phố đang mở cửa trở lại, thị trường lao động sẽ tiếp nhận những lao động bị thất nghiệp. Ngoài ra, đối với những người dân ở Tp.HCM, khi ở lại người dân sẽ được hỗ trợ tiêm vắc-xin, và Thành phố vẫn có những gói hỗ trợ, miễn giảm tiền trọ cho người dân. Theo khảo sát, cũng có một số người dân sau khi vận động đã quyết định ở lại”.
“Nếu người dân vẫn có nhu cầu trở về địa phương, tỉnh vẫn sẽ tổ chức xe đón. Nhưng thực trạng hiện nay đã có khoảng 50% người dân đăng ký đã tự phát về quê. Đối với số lượng lớn như vậy tỉnh đã nhanh chóng tổ chức cách ly người dân ở các huyện để tránh lây lan trong cố đồng. Và tỉnh đang tiếp tục triển khai đón những người còn lại trở về quê”, bà Giang cho biết thêm.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đang điều trị cho 214 ca mắc Covid-19 và đang cách ly tập trung 11.205 trường hợp, trong đó có 10.958 trường hợp về từ vùng dịch.
Bến Tre cũng đang nhanh chóng có những phương án hỗ trợ người dân, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre cho biết: “Theo chủ trương, tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp với ỦBND, hội đồng hương ở các tỉnh thành phố có người lao động mong muốn trở về địa phương để thống kê danh sách.
Người dân có thể đăng ký qua trang web của UBND tỉnh, sau khi tập hợp số lượng chúng tôi sẽ gửi danh sách về các huyện kiểm tra địa chỉ của người dân đăng ký và tổ chức xe đón họ về. Khi về đến địa phương sẽ phải rà soát, tổ chức cách ly. Đặc biệt, nếu bà con chưa được tiêm thì sẽ được ưu tiên”.
Hiện nay tỉnh Bến Tre có 3 khu cách ly tập trung: Trung đoàn 895 (hiện đã lấp đầy), Khu trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi - khu Đồng Gò (vừa lắp đầy 632 người), đang chuẩn bị Trường THPT Nguyễn Thị Định với sức chứa trên 400 người và dự phòng thêm Trường Cao đẳng Bến Tre với sức chứa khoảng 300 người.
Cần tìm giải phải lâu dài thay vì về quê
Trao đổi với Người đưa tin dưới góc độ kinh tế về việc người lao động ngoại tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính chia sẻ: “Việc tuyên truyền để giữ người dân ở lại Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố lớn là việc làm hết sức cần thiết. Việc người dân ở lại không chỉ đảm bảo an toàn dịch bệnh mà còn tạo sự ổn định chính trị - xã hội.
Thời điểm này là lúc chúng ta phải hồi phục, nới lỏng giãn cách để ổn định kinh tế. Nếu kéo dài tinh trạng người dân về quê chúng ta khó có thể mở rộng sản xuất. Trước mắt các nhà máy có thể chỉ cần 30-50% lượng lao động nhưng về lâu dài sẽ phải hoạt động tối đa năng suất để đảm bảo lượng hàng hóa cho dịp lễ cuối năm”.
Ông Thịnh cũng đưa ra giải pháp: “Cần huy động mọi chủ đề cùng tham gia giúp đỡ người dân. Đặc biệt về phía doanh nghiệp cần có kế hoạch hồi phục sản xuất, kêu gọi người lao động quay trở lại, quan tâm hơn nữa đến đời sống người lao động. Ở đây, nên ưu tiên cho nhóm đối tượng này tiêm đủ 2 mũi vắc-xin để họ an tâm làm việc. Về mặt lâu dài cần đào tạo lại cho lao động để nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực làm việc cho người dân”.
Có thể thấy lượng người dân có nhu cầu về quê chủ yếu là nhóm lao động giản đơn. Họ tha thiết về quê bởi thời gian giãn cách quá lâu, không có tiền tích lũy, không còn đủ sức “đóng cửa ngồi nhà”, dù có rất nhiều gói hỗ trợ những cũng chưa đủ để trang trải cuộc sống. Vì vậy họ chỉ còn cách là quay trở về quê để tìm những cơ hội khác cho mình.
Người lao động đến những “vùng đất mới” để mong có được một cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, đây cũng chính là nhóm không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, trong quá trình tham gia lao động họ sẵn sàng chọn không đóng bảo hiểm để được nhận một mức lương cao hơn. Nên khi có những ảnh hưởng của xã hội sẽ là nhóm bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngày 3/10, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về việc người đân đi từ khu vực nguy cơ rất cao, khu vực nguy cơ cao đến vùng nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn:
Với người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; hoặc đã khỏi bệnh Covid-19: trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.
Khi đến nơi thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, thực hiện Thông điệp 5K và xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.
Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19: trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.