Theo báo cáo của sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 6/5 đến ngày 12/6, bệnh tả lợn châu Phi đã tái phát tại 33 hộ ở 17 thôn, khu thuộc 13 xã, phường trên địa bàn của 6 địa phương, gồm: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Uông Bí, Hạ Long. Số lợn bệnh phải tiêu hủy là 97 con với tổng trọng lượng gần 3.500kg.
Nguyên nhân xuất hiện trở lại bệnh dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương trên là do người chăn nuôi đã mua con giống không rõ nguồn gốc từ các thương lái bán rong nên khó kiểm soát được nguồn giống nhập về nuôi. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường chưa được thực hiện tốt tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; các hộ nuôi tái đàn, tăng đàn lợn đã không tự giác đăng ký kê khai với chính quyền cơ sở để được kiểm tra và hướng dẫn biện pháp phòng dịch.
Để kịp thời ngăn chặn, dập tắt ngay các ổ dịch mới phát sinh, ngăn chặn nguy cơ phát sinh thêm các ổ dịch mới trên địa bàn tỉnh, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 3783/UBND-NLNN1 về việc tập trung các giải pháp kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, chủ tịch UBND các địa phương chủ động tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm “dập dịch như chống giặc”, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Thành lập đoàn công tác do lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn, trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung nhân lực, vật lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khoanh vùng, xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới phát sinh; nắm chắc tình hình tái đàn lợn để có phương án phòng, chống dịch hiệu quả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhất là đối với lợn thịt, lợn giống…
Đối với sở NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và thành lập đoàn công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất.
Chỉ đạo chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch; phân công cán bộ phụ trách địa bàn hỗ trợ các địa phương xử lý dứt điểm ổ dịch phát sinh, không để dây dưa kéo dài; dự thảo Kế hoạch phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, báo cáo UBND tỉnh xem trước ngày 15/7/2020.