Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi đánh giá năng lực
Thông tin trên Công Dân & Khuyến học, Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức vào hai đợt cuối tháng 3 và tháng 5.
Đề thi năm 2023 được trường giữ nguyên hình thức, cấu trúc, cách đăng ký thi như năm 2022. Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan (150 phút làm bài) với 3 phần: 40 câu sử dụng ngôn ngữ, 30 câu toán học, tư duy logic và phân tích số liệu, 50 câu giải quyết vấn đề.
Kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với hai đợt thi vào tháng 4 và tháng 6.
Kỳ thi tổ chức 6 bài thi. Cụ thể, bài thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, thời gian làm bài 90 phút/môn với 35 câu trắc nghiệm, 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn. Bài thi Ngữ văn (90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội) và tiếng Anh (180 phút gồm 4 phần: nghe, nói, đọc, viết).
Ngoài các Kỳ thi trên, còn có các kỳ thi năng khiếu các trường khối ngành Mỹ thuật, Âm nhạc, báo chí.
Thời gian thi riêng của ngành Công an
Theo báo Đại Đoàn Kết, năm 2023 dự kiến các trường khối ngành Công an tổ chức thi riêng. Bài thi gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận.
Cụ thể thí sinh làm bài thi trong 1 buổi và diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Dự kiến trong tháng 3 hoặc 4, Bộ Công an sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng trường và bài thi mẫu để thí sinh tham khảo.
Năm nay kết quả của kỳ thi riêng khối ngành Công an được 8 trường sử dụng xét tuyển, gồm: Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Trường Đại học An ninh nhân dân, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân và Học viện Quốc tế.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi gì?
Dự kiến năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.
Thời gian thi: ngày 6/5/2023.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tăng dần chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực từ năm 2023, dự kiến dành khoảng 20-30% chỉ tiêu.
Thí sinh lưu ý thời gian đăng ký dự thi từ 20/2/2023 đến 9/4/2023. Trường sẽ công bố kết quả thi trước ngày 1/6/2023 và công bố kết quả trúng tuyển trước 17 giờ ngày 30/6/2023 (Công bố trên website https://tuyensinh.hnue.edu.vn/).
Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực
Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 8 đợt thi, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6. Kỳ thi hướng tới phục vụ cho khoảng hơn 70.000 thí sinh đăng ký dự thi. Thí sinh có nguyện vọng dự thi có thể đăng ký dự thi trực tuyến từ tháng 2/2023.
Cụ thể đề thi gồm 150 câu: Toán (50 câu, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu, 60 phút), Khoa học tự nhiên - Xã hội (50 câu, 60 phút). Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án.
Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150. Ngoài ra, đề thi có thể gồm 1 - 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm, thí sinh sẽ có thêm khoảng 4 phút để làm.
Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy
Năm nay, Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến được tổ chức 3 đợt vào tháng 5, 6 và tháng 7/2023.
Bài thi sẽ được điều chỉnh từ 270 phút xuống còn 150 phút, theo hướng gọn nhẹ hơn.
Với định hướng đánh giá tư duy của thí sinh, trong bài thi đánh giá tư duy, 3 năng lực tư duy được xác định gồm: Tư duy Toán học; Tư duy Đọc hiểu; Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề.
Năm nay sẽ điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực
Theo Quy chế tuyển sinh đại học ban hành năm 2022, Bộ GD&ĐT chính thức điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển sinh bắt đầu từ năm 2023 này. Với quy định mới, thí sinh các khu vực được cộng điểm ưu tiên thi đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển sinh từ 22,5 điểm trở lên sẽ có điểm ưu tiên giảm dần.
Chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh vẫn giữ nguyên 4 khu vực. Thời gian qua, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 - nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên. Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn. Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.
Trúc Chi (t/h)