Ông Reagan giơ tay chào đám đông ngay trước khi bị bắn.
Theo báo Mỹ Vox, cựu Tổng thống Donald Trump là tổng thống Mỹ thứ 9 (đương nhiệm hoặc không đương nhiệm) bị ám sát trong lịch sử. Tổng thống Ronald Reagan giống như ông Trump, sống sót sau vụ ám sát bằng súng. Nhưng đó là vào năm 1981, bối cảnh chính trị khi đó có sự khác biệt so với hiện nay. Không rõ liệu ông Trump có thể tận dụng cơ hội này một cách toàn diện giống như ông Reagan hay không.
Ngày 30/3/1981, ông Reagan vừa bước ra khỏi khách sạn Hilton ở Washington sau khi có bài phát biểu tại một sự kiện bên trong khách sạn. Khi giơ tay để chào đám đông tập trung bên ngoài, ông Reagan và 3 người khác bị bắn, bao gồm thư ký báo chí James Brady. Viên đạn trúng ông Reagan suýt đi vào tim nhưng dừng lại ở phần xương sườn. Ông còn bị thủng phổi. Reagan được đưa đến bệnh viện trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" và may mắn được phẫu thuật kịp thời.
Hung thủ nổ súng được xác định là John Hinckley Jr, người hành động không vì động cơ chính trị mà chỉ nhằm thu hút nữ diễn viên Jodie Foster. Năm 2022, John Hinckley Jr chính thức được trả tự do sau hơn 30 năm ngồi tù.
Cảnh tượng hỗn loạn sau khi ông Reagan bị bắn năm 1981.
Trong vụ ám sát ngày 13/7, cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng nán lại sân khấu, liên tục giơ nắm đấm thể hiện sự không khuất phục. Bức ảnh ông Trump giơ nắm đấm khi Mật vụ vây quanh và lá cờ Mỹ xuất hiện ở phía sau đã gây xúc động mạnh.
Một ngày sau, ông Trump tuyên bố vẫn tiếp tục hoạt động theo lịch trình, đáp chuyến bay tới thành phố Milwaukee để chuẩn bị tham dự đại hội của đảng Cộng hòa.
Năm 1981, ông Reagan cũng đã thể hiện sự kiên cường, không khuất phục. Ông Reagan tự mình bước vào bệnh viện sau khi bị bắn mặc dù ho ra máu.
Gặp Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan, ông Reagan nói: "Em yêu, anh quên không tránh đạn". Câu nói này đã gây ấn tượng mạnh với dư luận Mỹ khi đó. Trong cuốn hồi ký, ông Reagan kể rằng mình nói với bác sĩ phẫu thuật, rằng hi vọng họ là đảng viên Cộng hòa. Bác sĩ đáp lời: "Ngày hôm nay, thưa ngài Tổng thống, tất cả chúng ta đều là đảng viên Cộng hòa".
Người Mỹ bất kể đảng phái và quan điểm chính trị đã ủng hộ ông Reagan trong quá trình hồi phục. Bốn ngày sau vụ ám sát, ông Reagan xuất hiện với hình ảnh mỉm cười, nắm chặt tay Đệ nhất phu nhân.
Ông Reagan tái xuất chỉ 4 ngày sau khi bị bắn.
Khi rời bệnh viện trở về nhà, ông Reagan đã đi bộ từ nơi đỗ xe đến Nhà Trắng để chứng minh ông vẫn khỏe mạnh đến mức nào.
"Mặc một chiếc áo len đỏ tươi bên ngoài chiếc áo sơ mi trắng, Tổng thống Reagan vẫy tay chào đám đông và quay người bước vào Nhà Trắng, trông giống như, 'tay golf vô địch đang đi về phía bãi cỏ xanh thứ mười tám'", tác giả Del Quentin Wilber viết trong cuốn sách xuất bản năm 2011.
Ông Reagan khi đó 70 tuổi, lên nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 1980 với khẩu hiệu "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Khẩu hiệu này hiện nay vẫn đang được ông Trump sử dụng.
Khẩu hiệu đã tạo được tiếng vang vào thời điểm mà nhiều người tin rằng những ngày tháng tươi đẹp nhất của nước Mỹ đã qua trong bối cảnh lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế trì trệ, cuộc khủng hoảng con tin Iran và căng thẳng Chiến tranh Lạnh gia tăng với Liên Xô.
Mặc dù có sự chia rẽ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về nhiều vấn đề nhưng bối cảnh chính trị khi đó tương đối ôn hòa. Truyền thông Mỹ cũng không chia rẽ sâu sắc như hiện nay.
Tháng 3/1981, trước khi vụ ám sát xảy ra, ông Reagan có tỉ lệ ủng hộ lên tới 60%. Vụ ám sát và cách phản ứng của ông Reagan đã thúc đẩy sự ủng hộ cả hai đảng và góp phần tạo nên bầu không khí tích cực trên cả nước.
"Ngày 14/4/1981, 3 ngày sau khi tôi về nhà, tàu con thoi Columbia đã trở về Trái đất an toàn", ông Reagan viết trong cuộc hồi ký. " Cuộc hạ cánh thành công đã tạo nên sự phấn khích to lớn trên khắp đất nước, thuyết phục tôi hơn bao giờ hết, rằng người Mỹ muốn cảm thấy tự hào và thể hiện lòng yêu nước một lần nữa".
Hình ảnh ông Trump giơ nắm đấm sau khi bị bắn đã gây ấn tượng mạnh.
Cuối tháng đó, ông Reagan đã có bài phát biểu trên truyền hình trước phiên họp chung của Quốc hội — bài phát biểu đầu tiên của ông kể từ vụ ám sát — trong đó ông nhận được nhiều tràng pháo tay từ đám đông.
Ông Reagan đã vạch ra một kế hoạch phục hồi kinh tế bao gồm các khoản cắt giảm thuế và sau đó được thông qua bất chấp sự phản đối của phe Dân chủ.
"Sức khỏe của tôi đã cải thiện rất nhiều. Tôi muốn có thể nói như vậy về sức khỏe của nền kinh tế”, ông Reagan phát biểu.
Một trong những cách phản ứng với tình huống bất ngờ của Reagan khiến nhiều người Mỹ cảm thấy nhớ và thích thú nhất là ở thời điểm 2 tháng sau vụ ám sát. Khi đó Reagan đang phát biểu trước đám đông người ủng hộ thì có tiếng một quả bóng bay nổ giống như tiếng súng. Reagan bình thản nói "Trượt tôi rồi" (ý nói "phát súng" không trúng ông) rồi tiếp tục phát biểu như thường. Mọi người ồ lên vỗ tay không dứt để tán thưởng sự bình tĩnh và hài hước của ông.
Phản ứng của ông Raegan khi có tiếng một quả bóng bay nổ giống như tiếng súng.
Tháng 5/1981, tỉ lệ ủng hộ ông Reagan đã tăng lên 68%. "Mặc dù điều đó không kéo dài lâu do những lo ngại về nền kinh tế, nhưng rõ ràng là ông Reagan đã biến bi kịch trở thành một chiến thắng chính trị", tác giả Wilber viết.
Ông Trump được cho là đang trải qua giai đoạn giống như ông Reagan, khi sự ủng hộ được dự báo sẽ còn gia tăng trong vài tháng tới. Nhưng không rõ liệu ông Trump có thể đạt được thành công đến mức nào.
Có một luồng ý kiến ở Mỹ nhận định, ông Trump sống sót sau vụ ám sát bất thành và do đó sẽ gần như chắc chắn tái đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới.
Đăng Nguyễn - Vox