Những ngày qua, thông tin tỉnh Hà Giang có hàng loạt thí sinh đạt điểm cao “bất ngờ” trong kì thi THPT quốc gia 2018 đã thu hút sự chú ý không nhỏ của dư luận. Cụ thể, trong khi điểm thi của hầu hết các thí sinh trên các tỉnh, thành đều bị giảm nhất là tỷ lệ điểm 9,10 thì điểm thi ở Hà Giang lại cao lên 1 cách bất thường.
Theo các số liệu cụ thể, cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 từ 27 điểm trở lên, riêng ở tỉnh Hà Giang đã có 36 em, chiếm hơn 47,37%. Số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A của cả nước là 82 thí sinh, thì chỉ riêng tỉnh Hà Giang đã “góp mặt” 29 thí sinh.

Sở GD&ĐT Hà Giang.
Đứng trước những “con số bất thường” trên, không ít người tỏ ra nghi ngờ, liệu trong suốt quá trình tổ chức thi có được đảm bảo không? Có dấu hiệu của lộ đề thi hay không? Và nếu phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng đó sẽ bị xử lý ra sao?
Chiều 15/7, trả lời PV, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang (Trưởng ban Chỉ đạo thi tỉnh) cho biết, địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, trong đó có đoàn Thanh tra của bộ GD&ĐT và trường học viện Ngân hàng để rà soát lại những bất thường trong điểm thi của một số thí sinh theo chỉ đạo của bộ GD&ĐT.
Theo ông Quý, mục tiêu của việc rà soát này là phải để điểm của các thí sinh dự thi về điểm thực. “Sai đến đâu chúng tôi sẽ xử lý nghiêm túc đến đấy, kể cả vấn đề hình sự cũng phải làm và sẽ không có vùng cấm, tức là sẽ không có chuyện bao che, kể cả đó là ai”, ông Quý nói.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, luật sư Cao Văn Tỉnh – đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: Trong trường hợp, sau khi rà soát kết quả thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh Hà Giang nếu phát hiện ra những sai phạm như có dấu hiệu lộ đề thi có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân có liên quan về tội Làm lộ bí mật Nhà nước.
Luật sư Tỉnh phân tích: Cụ thể, theo quy định tại Quyết định số 59/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì: Đề thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố đều thuộc Danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật trong ngành giáo dục đào tạo.
Theo đó, người làm lộ đề thi trước hết đã vi phạm về quy chế thi và nếu là người có chức vụ, quyền hạn, người làm nhiệm vụ trong công tác thi thì có thể sẽ phạm vào tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự.
Theo quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự, người phạm tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Trường hợp làm lộ bí mật Nhà nước thuộc độ tối mật có thể bị phạt đến 10 năm tù. Phạm tội có tổ chức có thể bị phạt đến 15 năm tù.
“Còn nếu trong trường hợp phát hiện có tiêu cực xảy ra trong quá trình tổ chức thi, như mua điểm, sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh…, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những người có liên quan và truy cứu trách nhiệm hình sự tội Đưa - Nhận hối lộ quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất cho người nhận hối lộ là 15 năm tù giam.
Về kết quả thi của thí sinh có thể bị hủy bỏ nếu phát hiện những dấu hiệu tiêu cực nghiêm trọng”, luật sư Tỉnh cho biết thêm.