Đá lớn được sử dụng để vá đê ở hồ Động Đình (ảnh: SCMP)
SCMP đưa tin, tính đến 17 giờ chiều ngày 7/7, lực lượng tại chỗ ở xã Tuấn Châu (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) đã vá được hơn 90 mét đê vỡ bằng sỏi, đá, cát và vật liệu các loại
Trước đó, hôm 6/7, Thời báo Hoàn cầu đưa tin, đoạn vỡ trên đê bao hồ Động Đình dài 226 mét. Mực nước chênh lệch giữa hồ Động Đình với khu vực bên ngoài đê là 0,17 mét, gây ngập lụt một khu vực rộng khoảng 47 km2.
Theo SCMP, đến sáng ngày 7/7, mực nước trong hồ Động Đình đã giảm, lượng nước bên ngoài đê bao có thể chảy ngược lại vào hồ. Thời tiết nắng cũng giúp nỗ lực vá đê thuận lợi hơn.
Trả lời phỏng vấn của CCTV, ông Zhang Yingchun – phó Chủ tịch tỉnh Hồ Nam – cho biết, đoạn đê bị vỡ ở hồ Động Đình có thể được vá xong vào ngày 9/7.
Hàng chục chiếc xe tải nối đuôi nhau chở đá vá đê (ảnh: Xinhua)
Tàu phun cát được sử dụng (ảnh: Xinhua)
Hàng tấn vật tư được chuyển tới nơi người dân sơ tán (ảnh: CCTV)
Mực nước trong hồ Động Đình, hồ điều tiết quan trọng của sông Dương Tử, đã dâng cao suốt tuần qua và vượt mức cảnh báo vào ngày 3/7.
Diện tích mặt nước hồ Động Đình tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 tuần, từ 1.100km2 (ngày 17/6) lên 2.570 km2 (ngày 30/6), The Paper đưa tin.
Ông Zhang cho biết, vết nứt trên thân đê hồ Động Đình được phát hiện vào chiều ngày 5/7. Một bờ kè tạm được đắp khẩn cấp để ngăn nước hồ tràn ra ngoài, nhưng nhanh chóng bị hỏng.
Chính quyền địa phương đã ra lệnh sơ tán gần 6.000 cư dân ở xã Tuấn Châu trước khi đê vỡ.
Theo Tân Hoa Xã, hàng nghìn nhân viên cứu hộ và hàng chục phương tiện, bao gồm cả trực thăng, đã được huy động để sơ tán người dân và vá đê.
Mực nước ở khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong 2 tuần tới, theo SCMP. Khu vực này bao gồm 8 tỉnh Trung Quốc và 2 thành phố lớn là Thượng Hải và Trùng Khánh.
Hôm 7/7, Cục Khí tượng và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo, một số khu vực trong nước, đặc biệt là tỉnh Tứ Xuyên, có thể chứng kiến mưa lớn trong tuần tới, kèm theo nguy cơ ngập lụt.
Tứ Xuyên là một trong những vùng sản xuất lúa gạo chính của Trung Quốc.
Vương Nam – SCMP