Ukraine đang gặp khó khăn sau một giai đoạn phản công chưa đạt kết quả như kì vọng.
Ông Peskov đưa ra bình luận sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận phần lớn khoản ngân sách hỗ trợ Ukraine vẫn ở lại Mỹ. Phần lớn khoản ngân sách được chi cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, trả lương cho quân nhân Mỹ.
“90% khoản ngân sách hỗ trợ Ukraine được chúng tôi chi trả ở Mỹ, cho các công ty sản xuất của Mỹ”, ông Blinken phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Anh David Cameron. “Đây là chính sách có lợi cần được tiếp tục”.
Trả lời họp báo hôm 8/12, ông Peskov nói Mỹ đang hưởng lợi hàng tỷ USD từ cuộc xung đột và Ukraine nên hiểu điều đó. “Ukraine không phải là điều khiến Mỹ bận tâm. Nước Mỹ chỉ quan tâm đến lợi ích của họ, kể cả khi Ukraine phải hứng chịu tổn thất lớn”, ông Peskov nói.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ đã chi hơn 100 tỷ USD hỗ trợ Ukraine. Hàng tỷ USD chảy vào túi các công ty quốc phòng Mỹ đang giúp Washington “đạt mục tiêu hiện đại hóa sau gần 40 năm”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói trong một cuộc họp vào đầu tuần này, theo RT.
Giới chức Ukraine hiện vẫn duy trì lập trường muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ. Hôm 5/12, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak thừa nhận, Washington càng trì hoãn hỗ trợ, Kiev càng đứng trước nguy cơ thất bại trong xung đột.
Việc Ukraine chưa tạo được bước tiến đáng kể là một trong những nguyên nhân các nghị sĩ Mỹ chưa phê duyệt ngân sách hỗ trợ mới.
Trong tuyên bố ngày 8/12, Nga khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng chỉ khi đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
"Nga không từ chối các cuộc đàm phán, nhưng chỉ đàm phán sau khi tất cả các mục tiêu đạt được, bao gồm thực tế mới là các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập”, Leonid Slutsky, chủ tịch ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), tuyên bố.
Đăng Nguyễn - RT