Toàn bộ các virus cổ đại mà nhóm nghiên cứu đem thực nghiệm đều có khả năng lây nhiễm tế bào.
Virus cổ đại ngủ yên hàng chục ngàn năm bên trong những lớp băng vĩnh cửu, nay vẫn có thể lây nhiễm vào các sinh vật sống, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết, theo nghiên cứu mới công bố.
Các nhà nghiên cứu đã thử cho 9 loại virus cổ đại lây nhiễm đơn bào tại phòng thí nghiệm. Đây là các virus có nguồn gốc từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia.
Virus cổ xưa nhất mà các nhà nghiên cứu "hồi sinh" đã tồn tại từ cách đây gần 50.000 năm. "48.500 là một kỷ lục thế giới", nhà nghiên cứu Jean-Michel Claverie đến từ Đại học Aix-Marseille ở Pháp, thành viên nhóm nghiên cứu quốc tế, nói trên tờ New Scientists.
Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp kết quả quan sát 7 trong số 9 loại virus cổ đại và công bố kết quả sơ bộ vào đầu tháng 11.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học đến từ Nga, Pháp và Đức này trước đây từng "hồi sinh" 2 loại virus có niên đại 30.000 năm.
Tất cả các virus cổ đại mà nhóm nghiên cứu quan sát đều thuộc dạng pandoravirus, nghĩa là các virus cỡ lớn chỉ có khả năng lây nhiễm cho các sinh vật đơn bào như amip.
Tuy vậy, điều đáng chú ý là tất cả các virus mà nhóm nghiên cứu quan sát đều lây nhiễm thành công, bất chấp hàng chục ngàn năm ngủ yên.
Điều này tạo ra mối lo ngại rằng vẫn có những loại virus cổ đại có thể lây nhiễm cho động vật và con người, nếu chúng quay trở lại môi trường tự nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo.
"Đó là mối nguy thực sự", nhà nghiên cứu Claverie nói, theo RT.
Hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến băng vĩnh cửu ở hai cực không ngừng tan và có thể sẽ có thêm các virus cổ đại khác được giải phóng ra môi trường tự nhiên.
Năm 2021, Nikolay Korchunov, đại diện cấp cao của Nga tại Hội đồng Bắc Cực, cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Nga đã kêu gọi các quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực tham gia dự án an toàn sinh học để kiểm soát các mối đe dọa từ hiện tượng băng tan.
Các quốc gia khác trong Hội đồng Bắc Cực gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Phần Lan và Thụy Điển.
Đăng Nguyễn - RT