Lính Delta mặc thường phục bảo vệ cho tướng Mỹ Norman Schwarzkopf (ảnh: Grunge)
1. Sự thành lập
Lực lượng Delta lần đầu tiên được công chúng chú ý vào năm 1983, khi người sáng lập đơn vị này – Đại tá Mỹ Charles Beckwith – thừa nhận sự tồn tại của nó trong một cuốn sách.
Trên thực tế, Delta đã ra đời trước đó nhiều năm và hoàn thành nhiều nhiệm vụ nguy hiểm cấp độ cao.
Theo Grunge, Lực lượng Delta chính thức thành lập vào năm 1977. Cùng với Lực lượng SEAL, Delta là một trong 2 đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ nhất quân đội Mỹ.
Lực lượng Delta có tên đầy đủ là Biệt đội Tác chiến Đặc biệt số 1 – Delta. Họ đóng quân tại căn cứ Fort Liberty ở bang Bắc Carolina và dưới quyền điều hành của Bộ chỉ huy Đặc nhiệm liên quân Mỹ (JSOC).
Danh tính những người lính Delta là bí mật (ảnh: Grunge)
2. Tuyển chọn
Theo Washinton Post, cứ 2 năm một lần, Delta tổ chức tuyển cuộc tuyển chọn thành viên kéo dài 1 tháng ở dãy núi Appalachian (miền bắc Mỹ) với sự tham gia của hàng trăm ứng viên. Họ đến từ các đơn vị khác nhau thuộc quân đội Mỹ, nhưng chủ yếu là từ Trung đoàn biệt kích số 75 (Lục quân Mỹ).
Các ứng viên muốn gia nhập Delta đều được huấn luyện và có nền tảng chiến đấu tốt, nhưng tỷ lệ trượt ở vòng loại vẫn là 90%. Ban tuyển chọn đầu vào của Delta đưa ra những yêu cầu rất khắt khe.
Sau khi vượt qua vòng loại, các ứng viên phải tham gia khóa huấn luyện kéo dài 6 tháng của Delta. 30 – 40% ứng viên tiếp tục bị loại trong khóa huấn luyện này.
Theo Grunge, cuộc huấn luyện khắc nghiệt yêu cầu các ứng viên gia nhập Delta phải sử dụng thành thạo các loại vũ khí, bắn chính xác 90 – 100% các mục tiêu đứng yên hoặc chuyển động.
Ngoài kỹ năng bắn súng, ứng viên gia nhập Delta còn phải trải qua huấn luyện về nhảy dù từ độ cao 1.200 feet (365,8 mét), phá khóa, lái tàu, lái máy bay, sinh tồn nơi hoang dã, dò và gỡ bom mìn…
Về thể lực, ứng viên gia nhập Delta phải hoàn thành cuộc hành quân dài 28km vào ban đêm, mang theo ba lô nặng 35 pound (15,8kg); và cuộc hành quân dài 64km vào ban ngày trên địa hình gồ ghề, mang theo ba lô nặng 45 pound (20,4kg).
Binh sĩ Mỹ muốn gia nhập Delta phải vượt qua huấn luyện khắc nghiệt (ảnh: Grunge)
Ứng viên gia nhập Delta cũng phải trải qua hàng loạt bài kiểm tra tâm lý nghiêm ngặt do quân đội Mỹ phối hợp thực hiện cùng CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) và FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ).
Sau khi vượt qua hàng loạt bài kiểm tra khắc nghiệt, ứng viên được gia nhập Lực lượng Delta với danh tính và mức lương không được tiết lộ.
“Mọi thành viên của Delta đều được đối xử bình đẳng, bất kể việc họ từng phục vụ trong đơn vị nào”, Craig Sawyer – cựu đặc nhiệm từng phục vụ trong Lực lượng SEAL và Delta – cho biết.
3. Vũ khí
Kho vũ khí của Delta cực kỳ phong phú. Lính Delta am hiểu về vũ khí và là những tay thiện xa hàng đầu của lực lượng Mỹ.
Các loại súng trường được lính Delta ưa chuộng gồm M4A1, MK 18, HK 416, MK12. Trong đó, HK 416 là phổ biến nhất.
Theo National Interest, HK416 sử dụng loại đạn 5,56 x 45 mm tiêu chuẩn NATO, tốc độ bắn trên lý thuyết từ 700 - 900 viên/phút, tầm bắn hiệu quả 200 mét đối với mẫu có nòng ngắn, 300 mét đối với mẫu có nòng tầm trung, 400 mét đối với mẫu có nòng dài.
Các loại súng bắn tỉa lực lượng Delta thường sử dụng là SR 25, SR 25/M110, Barrett M107, Barrett MRAD/Mk 22, M2010, SR 25/M110. Trong đó, Barrett MRAD/Mk 22 là loại vũ khí đáng tin cậy của lực lượng Delta, với khả năng hạ sát mục tiêu ở khoảng cách 1.600 mét hoặc xa hơn.
Các loại súng tiểu liên Delta thường sử dụng là HK MP5, HK MP5SD, HK MP7, Walther MPK, M3. Để phối phó với các mục tiêu lớn hơn, lính Delta thường sử dụng súng không giật Carl Gustave M4, súng chống tăng AT4 và tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin.
Xác máy bay Mỹ trong chiến dịch Eagle Claw (ảnh: CNN)
4. Hành động đầu tiên của Delta là một thảm họa
Dù là đơn vị tinh nhuệ bậc nhất quân đội Mỹ, nhưng không có nghĩa là nhiệm vụ nào của Delta cũng thành công.
Nỗ lực giải cứu con tin ở Iran vào ngày 24/4/1980 của Delta là một thảm họa đúng nghĩa, theo Grunge.
Năm 1979, Cách mạng Hồi giáo Iran bùng nổ, 52 nhà ngoại giao và công dân Mỹ bị bắt làm con tin trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran.
Sau nhiều nỗ lực đàm phán không thành công, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter chỉ đạo Lầu Năm Góc tiến hành chiến dịch Eagle Claw (Vuốt đại bàng) nhằm giải cứu con tin. Chiến dịch do thiếu tướng James B. Vaught chỉ huy.
Theo kế hoạch, 132 lính đặc nhiệm Mỹ, nòng cốt là lực lượng Delta sẽ xâm nhập lãnh thổ Iran và giải cứu con tin bên trong đại sứ quán.
Ngày 24/4/1980, chiến dịch Eagle Claw khởi động nhưng gặp sự cố ngay từ đầu. 8 trực thăng chở lính biệt kích bay ở tầm thấp để tránh radar đã bị mất phương hướng do bão cát. Chỉ có 6 trực thăng đến được điểm tiếp dầu “Sa mạc 1”.
Tại “Sa mạc 1”, lính đặc nhiệm phát hiện thêm 1 chiếc trực thăng bị hỏng.
Theo Grunge, “vận xui” còn đeo bám lực lượng Delta khi hành động của họ bị một tài xế xe bồn người Iran và 43 người trên một chiếc xe bus phát hiện. Đặc nhiệm Delta buộc phải khống chế toàn bộ hành khách trên xe bus, nhưng tài xế xe bồn kịp bỏ trốn.
Trước áp lực từ thời tiết xấu, trực thăng hỏng và nguy cơ hành động bị lộ, các chỉ huy Mỹ quyết định hủy chiến dịch Eagle Claw.
Do rút quân vội vã trong đêm và cát bụi khiến tầm nhìn bị hạn chế, một chiếc trực thăng RH-53 đã va chạm với vận tải cơ EC-130E. Vụ nổ khiến 5 phi công và 3 lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng.
Lính Delta trước cuộc tấn công vào Panama (ảnh: Grunge)
5. Delta “sửa sai” ở Panama
Acid Gambit là một trong những chiến dịch thành công nhất của Lực lượng Delta, dù không nhiều người biết đến, theo National Interest. Chiến dịch được thực hiện vào ngày 20/12/1989, cùng thời điểm 24.000 lính Mỹ tấn công Panama nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Manuel Noriega.
Theo National Interest, Noriega từng có liên hệ với CIA, nhưng sau khi nắm quyền chỉ huy quân đội Panama, ông đã “tiếp tay” cho các băng đảng buôn ma túy vào đất Mỹ.
Năm 1988, Noriega bị giới chức Mỹ truy tố về tội danh buôn ma túy. Năm 1989, Noriega bắt giữ Kurt Muse – đặc vụ chìm của CIA sống ở Panama.
23 lính Delta có nhiệm vụ đột kích nhà tù La Modelo và giải cứu Kurt Muse.
Trực thăng MH-6 thành công đáp xuống nóc nhà tù La Modelo giữa hỏa lực dày đặc của quân đội Panama. 23 lính Delta chiến đấu từ tầng thượng tòa nhà và họ tìm thấy Kurt Muse.
Chỉ mất 6 phút để nhiệm vụ Acid Gambit hoàn thành. Kurt Muse được giải cứu và không có lính Delta nào thiệt mạng.
Saddam Hussein bị bắt giữ (ảnh: NY Post)
6. Bắt giữ Tổng thống Iraq Saddam Hussein
Ngày 20/3/2003 liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công Iraq nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Quân đội Iraq nhanh chóng thất bại trước các đợt không kích dữ dội của Mỹ, theo Grunge.
Đến đầu tháng 4/2003, quân đội Mỹ đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq. Cùng thời điểm này, Saddam Hussein “biến mất”.
Quân đội Mỹ ráo riết truy tìm ông nhưng không có thông tin. Từ tháng 4 đến tháng 7/2003, ông Hussein đôi khi xuất hiện trên các đoạn video kêu gọi người dân Iraq phản kháng quân đội Mỹ. Có một số báo cáo về vị trí của Saddam Hussein, nhưng đều không xác thực.
Tháng 7/2023, 2 con trai của Saddam Hussein thiệt mạng trong một cuộc đấu súng với quân đội Mỹ. Mustapha – cháu trai 14 tuổi của Saddam Hussein – cũng thiệt mạng trong vụ việc.
Ngày 13/12/2003, ông Hussein bị Lực lượng đặc nhiệm 121, với nòng cốt là lính Delta, bắt giữ khi đang trốn trong tầng hầm của một trang trại. Hành động này được biết đến với cái tên “Chiến dịch bình minh đỏ”.
Sau vụ bắt giữ Saddam Hussein, Lực lượng Delta còn tham gia nhiều hành động của quân đội Mỹ nhằm kiểm soát Iraq.
Abu Bakr al-Baghdadi – thủ lĩnh IS (ảnh: Daily Mail)
7. Tiêu diệt trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi
Suốt nhiều năm, Abu Bakr al-Baghdadi – thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là cái tên đứng đầu danh sách truy nã của Mỹ.
Năm 2011, Mỹ tuyên bố phần thưởng 10 triệu USD cho ai bắt giữ hoặc hỗ trợ bắt giữ al-Baghdadi. Năm 2017, Mỹ treo thưởng 25 triệu USD cho bất kỳ thông tin nào dẫn đến việc tìm ra al-Baghdadi, dù còn sống hay đã chết.
Năm 2019, Mỹ bất ngờ tuyên bố al-Baghdadi đã bị tiêu diệt.
Theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ bấy giờ là ông Donald Trump, một đơn vị Delta đã đột kích nơi trú ẩn của al-Baghdadi ở Syria. Không muốn bị bắt, al-Baghdadi tự sát bằng thuốc nổ.
Vương Nam – tổng hợp