Một phụ nữ đi ngang qua biểu ngữ có ảnh tên lửa với biểu tượng đặc trưng của Iran. Ảnh: AFP
Chương trình hạt nhân Iran - nỗi lo của Israel
India Today ngày 16/4/2024 đưa tin, một phát ngôn viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Iran tuyên bố: "Iran sẵn sàng sử dụng vũ khí mà nước này chưa từng triển khai trước đây để giải quyết bất kỳ sự leo thang nào nếu có với Israel". Tuyên bố này được đưa ra sau khi Israel cảnh báo trả đũa Iran sau vụ Tehran tấn công vào lãnh thổ Israel tối 13/4.
Trong khi Iran ngừng tiết lộ thêm về "loại vũ khí chưa từng sử dụng này", những nghi ngờ về vũ khí hạt nhân vẫn đè nặng ở Trung Đông kể từ khi căng thẳng Israel - Iran nổ ra sau vụ Tehran cáo buộc Israel tấn công lãnh sự quán Iran ở Syria.
"Thời điểm này, mối đe dọa về việc vũ khí hạt nhân được phóng từ Iran sang Israel đã tiến gần thêm một bước tới thực tế", báo cáo phân tích của tổ chức tư vấn FDD (trụ sở ở Mỹ) nêu.
Các chuyên gia cho rằng Iran đang tiến gần hơn tới khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nước này. Israel từ lâu đã cáo buộc Iran bí mật chế tạo một quả bom hạt nhân, có thể gây ra đe dọa an ninh với nước này và khu vực Trung Đông. Năm 2023, cơ quan giám sát hạt nhân toàn cầu cảnh báo, Iran đã có đủ nguyên liệu để chế tạo 3 quả bom hạt nhân, theo India Today.
Iran luôn tuyên bố không có vũ khí hạt nhân, đồng thời phủ nhận cáo buộc nước này sử dụng chương trình hạt nhân dân sự để phục vụ mục tiêu trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Vậy chúng ta biết gì về chương trình phát triển hạt nhân Iran? Và vì sao Israel tỏ ra lo ngại về nguy cơ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân?
Iran từng được Mỹ hỗ trợ công nghệ hạt nhân từ cuối thập niên 50 của thế kỷ 20. Ảnh minh họa: iStock
Theo tổ chức tư vấn Trung tâm Stimson (Mỹ), chương trình hạt nhân Iran ra đời vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20 trong bối cảnh Iran và Mỹ là đồng minh thân cận. Tehran nhận được một lò phản ứng nhỏ từ Washington trong khuôn khổ chương trình "Nguyên tử vì Hòa bình".
Sau cuộc cách mạng Iran năm 1979, Mỹ và Iran chấm dứt quan hệ đồng minh. Chính quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran ban đầu tránh xa công nghệ hạt nhân của Mỹ, thứ mà họ cho là chương trình phản quốc và tốn kém, khiến Tehran phải chịu ơn phương Tây.
Nhưng những diễn biến liên quan đến cuộc chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988) đã khiến giới lãnh đạo Iran đổi ý. Iran khôi phục phát triển hạt nhân vào năm 1981 khi Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) tài trợ cho một hội nghị về xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tehran cũng bắt đầu các hoạt động chuyển đổi uranium quy mô nhỏ tại Trung tâm Công nghệ Hạt nhân Esfahan - một trung tâm ở Iran do Pháp thiết kế và được hoàn thành với sự hỗ trợ của Trung Quốc năm 1984.
Năm 1985, có một nỗ lực toàn diện nhằm khôi phục chương trình hạt nhân dưới thời vua Pahlavi. Tehran muốn có được khả năng làm giàu uranium quy mô lớn.
Thập niên 90 chứng kiến sự mở rộng hơn nữa của chương trình hạt nhân Iran với sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga. Tehran cũng gửi các kỹ sư hạt nhân đến Pakistan và Italia để họ được đào tạo rồi trở về nước phục vụ.
Mùa hè năm 1999, các nhà khoa học Iran đã làm giàu được uranium. Iran bước vào thế kỷ 21 khi đã làm chủ được công nghệ then chốt cần có để có thể sản xuất vũ khí hạt nhân.
Bên ngoài một nhà máy điện hạt nhân ở Iran. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Iraq - Mỹ năm 2003 đã làm thay đổi tính toán của Iran. Nhiều thông tin cho thấy Tehran vào mùa thu năm 2003 quyết định không phát triển vũ khí hạt nhân sau khi đối thủ lớn trong khu vực (Iraq) thất thủ và nguy cơ đụng độ Mỹ (một siêu cường hạt nhân) ngày càng lớn nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Dù không hướng tới phát triển vũ khí hạt nhân, Tehran vẫn làm giàu uranium. Điều đó khiến Washington nghi ngờ.
Những gì xảy ra sau đó là một trò chơi ngoại giao hạt nhân "mèo vờn chuột" giữa Mỹ và Iran. Tehran cố gắng mở rộng khả năng làm giàu uranium, còn Washington áp đặt một loạt lệnh trừng phạt kinh tế.
Khác với chính quyền của ông George W. Bush, chính quyền của ông Obama không yêu cầu Iran ngừng làm giàu uranium mà chỉ đề xuất Tehran làm giàu uranium có kiểm soát và chịu giám sát chặt chẽ từ quốc tế.
Sự nhượng bộ đó của Mỹ cuối cùng dẫn đến việc ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Thỏa thuận này hạn chế Iran trong 15 năm chỉ được phép sở hữu một kho dự trữ nhỏ hơn 300kg uranium được làm giàu ở mức không quá 3,67% với đồng vị U-235. Các cơ sở làm giàu của Iran cũng phải chịu giám sát chặt chẽ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Ba năm sau, ông Trump với cương vị Tổng thống Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau một năm chờ đợi, Iran tiếp tục làm giàu uranium ở mức % cao hơn. Theo Trung tâm Stimson (trụ sở ở Mỹ), tháng 4/2021, Iran đã nâng mức độ làm giàu uranium lên 60%.
Theo India Today, uranium được làm giàu ở mức từ 3 đến 5% có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện dân sự. Để chế tạo vũ khí hạt nhân, uranium phải được làm giàu tới 90%.
Đánh giá gần đây của tình báo Mỹ cho thấy, giới lãnh đạo Iran vẫn không đưa ra quyết định chính trị về việc chế tạo vũ khí hạt nhân, ngay cả khi kho dự trữ uranium của Tehran gần cấp độ vũ khí đã tăng lên.
Israel hành động
Theo KICS, một trang chuyên bình luận về an ninh quốc tế, Israel trong thập kỷ qua đã có những nỗ lực cả về ngoại giao lẫn hành động bí mật để gây áp lực lớn lên Iran, nhằm mục đích buộc nước này phải chấp nhận những nhượng bộ lớn liên quan đến chương trình hạt nhân.
Về ngoại giao, dù không phải là một bên trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nhưng Israel đã cố tác động đến các nước tham gia thỏa thuận nhiều nhất có thể.
Israel đã thực hiện một chiến dịch ngoại giao, trong đó có đe dọa đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Không rõ Israel có làm theo lời đe dọa hay không, nhưng ít nhất chính quyền của ông Obama thời điểm đó phải chịu những sức ép nhất định.
Tháng 5/2018, chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Washington cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề với Iran, với kỳ vọng áp lực kinh tế sẽ buộc Tehran phải đàm phán để chấp nhận các biện pháp hạn chế lớn, bao gồm cả chương trình hạt nhân Iran. Mỹ cũng tin rằng các vấn đề về kinh tế sẽ khiến người dân Iran bất mãn và có thể lật đổ chính phủ. Giới chức Israel khuyến khích chính quyền ông Trump thực hiện chiến lược này.
Trong nhiều năm, Israel cũng được cho là đã tiến hành nhiều hoạt động bí mật nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm chương trình hạt nhân Iran.
Một trong những hoạt động nổi tiếng nhất xảy ra vào tháng 1/2018 khi các đặc vụ của Viện Tình báo Israel (Mossad) đột kích vào một cơ sở an ninh ở Tehran, đánh cắp các tài liệu mật về hạt nhân. Ba tháng sau, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, Israel phát hiện ra 100.000 "hồ sơ bí mật" chứng minh Iran không trung thực về việc không bao giờ có chương trình vũ khí hạt nhân.
Các đặc vụ của Mossad. Ảnh: The Economics
Một hoạt động khác diễn ra vào năm 2010 khi virus máy tính tấn công 1.000 máy ly tâm, trong tổng số 5.000 máy, đặt tại thành phố Natanz (Iran). Tháng 7/2020, địa điểm này tiếp tục bị phá hoại bằng một vụ nổ.
Israel còn thực hiện hoặc bị cáo buộc thực hiện các vụ ám sát nhằm vào giới khoa học hạt nhân Iran.
Giai đoạn 2010-2020, một số nhà khoa học làm việc trong chương trình hạt nhân Iran đã bị ám sát. Chấn động nhất là vụ nhà khoa học Mohsen Fakhrizade bị ám sát vào tháng 11/2020. Iran cáo buộc Israel đứng sau các vụ tấn công này dù Israel không thừa nhận.
Trang KICS cho rằng, nhìn chung, Israel có những thành công nhất định với các nỗ lực ngăn chặn hoặc làm chậm chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, các nỗ lực đó là chưa đủ để ngăn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân (nếu có).
--------------------
Từ đồng minh thân thiết, mối quan hệ giữa Iran và Israel đã đi xuống và trở thành "kẻ thù không đội trời chung" từ năm 1979. Ngoài nguyên nhân trực tiếp là cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran, điều gì là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự thù địch giữa 2 nước? Mời độc giả đón đọc trong bài tiếp theo, đăng lúc 11h15 ngày 20/4.
Nguyễn Thái - (t/h)