Đó là nhấn mạnh của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế trong buổi họp báo công bố các thông tin về việc phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) chiều ngày 5/2 của bộ Y tế.
Cụ thể, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định: “Chúng ta đã dùng các biện pháp “kinh điển”, rút kinh nghiệm khi điều trị bệnh nhân SARS khi xưa, đó là, phòng được mở cửa thông thoáng, có ánh nắng, khí trời... thậm chí, bây giờ bệnh nhân được lên sân thượng tập thể dục, vận động trong một môi trường hoàn toàn được cách ly.
Bên cạnh đó, các biện pháp khử khuẩn, cách ly trong bệnh viện được thực hiện khá tốt. Cho đến nay, chưa có biểu hiện nào cán bộ y tế bị mắc bội nhiễm hay lây chéo qua 3 ca bệnh mà chúng ta vừa cho xuất viện vừa rồi”.
Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế chỉ ra những kinh nghiệm từ cuộc chiến cách đây 17 năm: “Hiện nay, tất cả những kinh nghiệm mà Việt Nam điều trị thành công đối với đại dịch SARS là gì? Đó là phát hiện sớm, cách ly sớm, điều trị kịp thời và giảm thiểu tối thiểu tử vong.
Rõ ràng, những biện pháp như chúng ta phát hiện ngay người bệnh bước chân vào bệnh viện, chúng ta tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm rồi đưa vào các khu vực cách ly theo 3 cấp độ: cấp độ cách ly bình thường, cấp độ cách ly khi người bệnh có bệnh và cấp độ cách ly điều trị bệnh nhân nặng. Đối với cả 3 cấp độ đó đã có kịch bản.
Đối với những trường hợp này, chúng ta cũng đã phân bố đều, các trường hợp trẻ khỏe, được phân bố cách ly ở mức độ 2, tức là dương tính nhưng điều trị chưa cần những biện pháp như máy thở, hay đòi hỏi các trang thiết bị kỹ thuật cao.
Đồng thời, vẫn một kinh nghiệm hết sức quan trọng, đó là phòng điều trị cần hết sức thông thoáng, tuyệt đối được khử trùng hàng ngày và không được sử dụng điều hòa.
Đặc biệt là vấn đề cách ly lây nhiễm chéo, các phương tiện phòng hộ đối với cán bộ y tế trong điều kiện làm việc là phải hết sức đầy đủ, hết sức nghiêm túc và chặt chẽ”.
“Cuối cùng, chúng tôi có một kinh nghiệm, đó là phải theo dõi 24/24h, có sổ sách ghi chép, cập nhật tất cả các diễn biến của bệnh để chúng ta rút kinh nghiệm, để chúng ta có được những bài học cho trường hợp khác ở tại bệnh viện cũng như rút kinh nghiệm trên toàn quốc.
Hiện nay, chúng tôi không khuyến khích sử dụng điều hòa ở các bệnh viện đối với điều trị bệnh Corona virus. Tất nhiên, khi ở nhà, trong khuyến cáo của các nhà khoa học vẫn nói rằng, điều kiện trên 25 độ C, thì phát triển của virus rất hạn chế. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn vẫn có thể áp dụng lời khuyên của các nhà khoa học”, ông nhấn mạnh.
Nhớ lại giai đoạn đang “vật lộn” với đại dịch SARS năm xưa, PGS.TS Lương Ngọc Khuê như vẫn còn thấy khung cảnh hiện ra trước mắt: “Bệnh cảnh lúc bấy giờ, khi người bệnh là người nước ngoài đến Việt Nam, cũng xét nghiệm ở tay cầm trên cầu thang, bởi vì khi đó người ta đã nghĩ đến lúc bấy giờ, bệnh nhân này lây khi đi chung cầu thang.
Bệnh nhân vào điều trị trong phòng tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội thì nằm ở phòng điều hòa, và chính phòng điều hòa đó làm cho virus phát triển nhanh hơn, quện lại trong đó làm nồng độ virus nhiều hơn. Cho nên, gần như những người thầy thuốc, cán bộ làm việc trong đó tiếp xúc nhiều nhất, thật đáng tiếc đã có người hy sinh...”.
“Những cũng từ đó, khi rút được kinh nghiệm, chúng tôi đóng cửa bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, chuyển tất cả bệnh nhân sang bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Điều kiện lúc bấy giờ cũng khó khăn, nhưng với kinh nghiệm điều trị của Việt Nam, chúng ta đã mở thông thoáng các phòng bệnh, khử trùng, đảm bảo các nguyên tố cách ly, nhờ đó, nên không có thầy thuốc nào bị lây nhiễm chéo và tử vong ở bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Thực sự, yếu tố cách ly và tìm hiểu nguồn gốc của virus này và điều kiện cụ thể trong mỗi cơ sở khám bệnh ở bệnh cảnh lúc bấy giờ chưa biết lây qua đường hô hấp mạnh như thế”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhớ lại.
Ông tiếp tục chia sẻ: “Đối với virus Corona mới này, các nhà khoa học nhận thấy rằng, đây gần như biến chủng gần nhất của virus gây đại dịch SARS. Do vậy, những biện pháp, kinh nghiệm đó đã đưa vào áp dụng cách ly điều trị, sau 5 ngày đã điều trị âm tính cho 3 bệnh nhân, ở đây chưa có ai bị lây nhiễm chéo.
Khác hẳn lúc bấy giờ, ở bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, khi đó, chúng tôi chưa biết virus này lây truyền như thế nào... Tuy nhiên, áp dụng những kinh nghiệm từ năm 2003, đến nay, đã có những kết quả bước đầu, sẽ tiếp tục nhân lên, phổ biến trên toàn quốc”.
Trao đổi về cuộc họp trực tuyến toàn quốc sắp tới, PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin: “Tôi đã có văn bản chỉ đạo để ba bệnh viện đã điều trị thành công cho ba bệnh nhân chiến thắng dịch Corona gửi nhận xét, những kinh nghiệm của mình, chụp toàn bộ các bệnh án gửi ra cho cục Quản lý khám chữa bệnh và tiểu ban Điều trị để họp rút kinh nghiệm cùng với những phương pháp điều trị của y tế Trung Quốc và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới để cập nhật các phác đồ chẩn đoán.
Đến ngày thứ 7 (8/2), chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho 700 đầu cầu xuống đến tận tuyến huyện, để tất cả cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm điều trị “kinh điển”, cũng như những kinh nghiệm điều trị, rút kinh nghiệm của căn bệnh này trong thời gian gần nhất”.
Nhóm PV