Theo Aviapro, ngày 9/1/2021, lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã thực hiện các cuộc không kích và phá hủy một đoàn tàu chở dầu về Thổ Nhĩ Kỳ. Theo cơ quan này, cuộc tấn công do một máy bay chiến đấu triển khai. Một cơ quan khác của Nga, INAED, tuyên bố cuộc tấn công do máy bay không người lái tiến hành.
Theo nguồn tin từ Syria, tình báo Nga đã nhận được thông tin về kế hoạch chuyển giao dầu từ quốc gia Trung Đông về Thổ Nhĩ Kỳ. Và hoạt động của máy bay chiến đấu Nga trên không vào đêm hôm đó dữ dội hơn bình thường.
Đoạn video được quay vài phút sau vụ tấn công đã được lan truyền trên mạng xã hội. Theo đó, đám cháy dữ dội nhấn chìm đoàn tàu sau cuộc tấn công của Nga. Aviapro tuyên bố rằng cuộc tấn công diễn ra ngay trước khi đoàn xe rời Syria và tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ. Các nguồn tin trên mặt đất gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ khác nhau cho rằng máy bay Nga đã phá hủy toàn bộ đoàn xe. Trong khi đó, những nguồn tin khác lại khẳng định, chỉ có ba tàu chở dầu trong đoàn xe bị hư hỏng.
Theo Aviapro, các máy bay chiến đấu Nga đã thực hiện cuộc tấn công ngay sau khi rời thành phố Al-Bab. Thành phố này nằm ở tỉnh Aleppo và nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng dân quân Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2016. Al-Bab nằm cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 30 km và cách Aleppo 40 km.
Trước đó, ngày 7/1/2021, một căn cứ quân sự của Nga nằm ở Tell Tamer, tỉnh Aleppo, đã bị trận địa pháo của Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy. Nguyên nhân là do "một sai lầm khác" của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi tính toán sai vị trí của các lực lượng dân chủ Syria.
Việc phá hủy đoàn xe chở dầu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được mô tả là một nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu dầu của Syria và là phản ứng của Nga 24 giờ sau cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào căn cứ của Nga.
Cuộc nội chiến chưa thôi nóng
Vào tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất ít nhất 62 binh sĩ thiệt mạng tại Syria, gần 100 binh sĩ bị thương, hàng chục xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy và hơn 10 máy bay không người lái, bị bắn hạ. Washington nhiều lần cáo buộc Moscow có liên quan đến cái chết của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ dù Nga bác bỏ những cáo buộc này.
Vào đầu tháng 3, Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Vladimir Putin và ông Recep Tayyip Erdogan, đã ký kết một thỏa thuận, theo đó lệnh ngừng bắn có hiệu lực tại khu vực giảm leo thang Idlib. Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau đó nói rằng nếu quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không rời khỏi đất nước, Damascus sẽ có thể sử dụng vũ lực.
Lý do cho các cuộc đàm phán Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là do tình hình ở Idlib trở nên căng thẳng trầm trọng hơn, hồi tháng 1, một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Syria nhằm vào các vị trí của phe đối lập vũ trang và khủng bố đã bắt đầu.
Các lực lượng chính phủ đã tái chiếm gần một nửa khu vực giảm leo thang Idlib và bỏ lại một số trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Ankara đã tăng mạnh lực lượng quân sự của mình trong khu vực và tiến hành chiến dịch “Lá chắn mùa xuân” nhằm đẩy lùi quân đội Syria.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn ủng hộ các bên đối lập trong cuộc xung đột Syria, đã đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib. Theo thỏa thuận, lực lượng hai bên tiến hành tuần tra chung và thiết lập các trạm quan sát để giám sát lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn thường xuyên bị vi phạm.
Nga là đồng minh quân sự chính của chính phủ Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ lực lượng chống chính phủ Syria.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria từ năm 2015, tạo thế cân bằng sức mạnh có lợi Tổng thống Syria Bashar al-Assad và giúp chính phủ ông giành lại quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ Syria.