Dính lùm xùm quảng cáo, ông chủ thương hiệu Milo vẫn kiếm chục tỷ mỗi ngày

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 3, 20/05/2025 15:45

Sau 30 năm hoạt động chính thức tại Việt Nam, Nestlé đã rót gần 20.200 tỷ đồng vốn đầu tư, vận hành 4 nhà máy và sử dụng khoảng 2.300 lao động trên toàn quốc.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Đồng Nai và Viện Dinh dưỡng Quốc gia kiểm tra nội dung quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo liên quan đến báo cáo thử nghiệm lâm sàng. Động thái này được đưa ra sau khi dư luận xôn xao về nội dung in trên bao bì sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo: "Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng".

Trước đó, ngày 21/4, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản gửi Công ty Nestlé Việt Nam, đề nghị doanh nghiệp rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm. Nếu có thông tin liên quan đến Viện Dinh dưỡng nhưng vi phạm quy định, cần gỡ bỏ ngay nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật trong hoạt động truyền thông, quảng cáo và phổ biến kiến thức dinh dưỡng.

Dính lùm xùm quảng cáo, ông chủ thương hiệu Milo vẫn kiếm chục tỷ mỗi ngày- Ảnh 1.

Sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo có ghi thông tin: "Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng".

Sản phẩm Nestlé Milo dạng bột lần đầu tiên đến tay những trẻ em Việt Nam vào năm 1994 thông qua hệ thống nhập khẩu và phân phối. Năm 1997, sản phẩm Milo bột đầu tiên được sản xuất tại nhà máy Nestlé Đồng Nai.

Từ đó, Nestlé Milo hiện là một trong những thương hiệu sữa được trẻ em Việt Nam yêu thích, gắn liền với nhiều chiến dịch quảng cáo như: "Nhà vô địch làm từ Milo", "Nói không với ống hút nhựa",...Trong giai đoạn từ 1994-2009, Nestlé Việt Nam cho biết đã cung cấp hơn 10,5 tỷ hộp Milo ra thị trường.

Dù đối tượng tiêu dùng trực tiếp là trẻ em, nhưng người quyết định mua sản phẩm lại chủ yếu là phụ huynh. Vì vậy, các chiến dịch truyền thông của thương hiệu thường hướng đến hình ảnh người mẹ chăm sóc con, nhấn mạnh việc cung cấp đủ dinh dưỡng để trẻ học tập, vui chơi, thể thao, từ đó đánh trúng tâm lý người mua.

Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư tại Việt Nam

Theo dữ liệu từ Vietdata, năm 2022, Nestlé Việt Nam đạt doanh thu 17.298 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2021. Tương đương mỗi ngày công ty này thu khoảng hơn 47 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức hơn 1.400 tỷ đồng, cho thấy hiệu quả kinh doanh ổn định dù đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường.

Dính lùm xùm quảng cáo, ông chủ thương hiệu Milo vẫn kiếm chục tỷ mỗi ngày- Ảnh 2.

Nestlé hiện có khoảng 2.300 nhân viên và vận hành 4 nhà máy cùng 2 trung tâm phân phối trên cả nước.

Năm 2023, Nestlé Việt Nam tiếp tục được vinh danh trong danh sách các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đánh dấu lần thứ 7 liên tiếp công ty nằm trong danh sách do Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) xếp hạng, kể từ năm 2016.

Theo báo cáo tài chính của Nestlé - công ty mẹ của Nestlé Việt Nam, năm 2024, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần đạt khoảng 2.558.000 tỷ đồng (tương đương 91,35 tỷ CHF), giảm 1,8% so với năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 304.800 tỷ đồng (10,88 tỷ CHF), giảm 2,9%.

Mặc dù tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi môi trường tiêu dùng yếu và biến động tỉ giá, Nestlé vẫn duy trì biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 46,7% và nâng cổ tức đề xuất lên 85.400 đồng/cổ phiếu.

Hành trình trăm năm từ Thụy Sĩ đến Việt Nam

Nestlé được thành lập năm 1866 tại Thụy Sĩ bởi dược sĩ Henri Nestlé, với sản phẩm đầu tiên là bột sữa dành cho trẻ sơ sinh. Trải qua hơn 150 năm phát triển, Nestlé đã trở thành tập đoàn thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới, sở hữu hơn 2.000 thương hiệu toàn cầu như Nescafé, KitKat, Maggi và Milo.

Milo được phát minh bởi nhà phát minh người Úc Thomas Mayne vào năm 1934 và được Nestlé mua bản quyền sản xuất độc quyền.

Dính lùm xùm quảng cáo, ông chủ thương hiệu Milo vẫn kiếm chục tỷ mỗi ngày- Ảnh 3.

Tháng 4/2025, Nestlé công bố đầu tư thêm 1.900 tỷ đồng để mở rộng nhà máy này, nâng tổng vốn đầu tư cho riêng nhà máy Trị An lên hơn 4.300 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, Nestlé bắt đầu hiện diện từ năm 1912, với văn phòng đại diện đầu tiên được thành lập tại Sài Gòn (nay là Tp.HCM). Tuy nhiên, phải đến năm 1995, Nestlé mới chính thức thành lập Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ tại thị trường nội địa.

Tính đến nay, Nestlé đã có hơn 30 năm hoạt động chính thức tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 20.200 tỷ đồng (tương đương hơn 900 triệu USD). Trên website Nestlé.com, công ty cho biết có khoảng 2.300 nhân viên và vận hành 4 nhà máy cùng 2 trung tâm phân phối trên cả nước.

Việt Nam được Nestlé xác định là trung tâm sản xuất và cung ứng thực phẩm và đồ uống ra thế giới, với mục tiêu tăng gấp đôi công suất chế biến cà phê chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đến hơn 25 quốc gia, bao gồm các thị trường khó tính tại châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.

Từ 2002 đến 2019, Nestlé mở rộng hoạt động tại Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và phân phối. Một số cột mốc đáng chú ý gồm: đưa vào vận hành Nhà máy Trị An năm 2011, xây dựng và khánh thành Nhà máy Nestlé Bông Sen tại Hưng Yên giai đoạn 2016–2017, mở rộng sản xuất Milo và cà phê khử caffeine, phát triển dây chuyền NESCAFÉ Dolce Gusto tại Trị An, vận hành Trung tâm phân phối ứng dụng công nghệ kho vận 4.0 và cải tạo văn phòng Nestlé tại TP.HCM.

Tháng 4/2025, Nestlé công bố đầu tư thêm 1.900 tỷ đồng để mở rộng nhà máy này, nâng tổng vốn đầu tư cho riêng nhà máy Trị An lên hơn 4.300 tỷ đồng.

Dính lùm xùm quảng cáo, ông chủ thương hiệu Milo vẫn kiếm chục tỷ mỗi ngày- Ảnh 4.

Sau 30 năm hoạt động chính thức tại Việt Nam, Nestlé đã rót gần 20.200 tỷ đồng vốn đầu tư, vận hành 4 nhà máy và sử dụng khoảng 2.300 lao động trên toàn quốc.

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, tính đến hết năm 2024, số lượng cửa hàng F&B tại Việt Nam ước tính đạt 323.010 cửa hàng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp những khó khăn về tiêu dùng, doanh thu ngành F&B tại Việt Nam năm 2024 vẫn đạt khoảng 688,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2023.

Mặc dù doanh thu chung của ngành tăng, nhưng theo khảo sát từ 4.005 đơn vị F&B trên cả nước, chỉ 25,5% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu ổn định so với cùng kỳ năm 2023, và 14,7% có mức tăng trưởng. Dưới sức ép của giá nguyên vật liệu tăng cao, có tới 49,2% doanh nghiệp F&B dự kiến tăng giá trong năm 2025 để đối phó áp lực chi phí.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.