Khu vực doanh nghiệp luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những năm qua, các doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, ngân sách, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Có thể nói, đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Tuy nhiên, dịch Covid - 19 đã và đang tác động tiêu cực tới hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn do bị tác động bởi đại dịch Covid-19 đã được ban hành, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảm đảo an sinh xã hội.
Với kinh nghiệm của một người đã nhiều năm làm việc tại hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, tôi có một số đề xuất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch mang lại như sau:
Thứ nhất: Chính phủ cần đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin để hình thành “Quốc gia vắc-xin”. Trong đó, cần ưu tiên các đối tượng tham gia phục vụ sản xuất, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Việc cán bộ, nhân viên các công ty được tiêm vắc-xin sẽ giúp hạn chế tối đa việc xuất hiện các ca Covid-19 tại các công ty, từ đó vẫn có thể hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp chi phí test Covid-19, phòng chống, dịch…
Thứ Hai: Đề xuất Chính phủ cho giảm thuế đất hàng năm phải nộp của năm 2021, để bù đắp cho doanh nghiệp những tháng phải ngừng sản xuất kinh doanh của năm 2020 – 2021.
Thứ Ba: Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần: Rà soát những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép các doanh nghiệp (bị ảnh hưởng dịch Covid-19) có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi, được đề xuất khoanh lại đến tháng 6/2022 mà không bị phạt, đưa vào nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Hệ thống ngân hàng cũng cần áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp: Giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giữ nguyên nhóm nợ; Cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp (theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020), cho vay gián tiếp không chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thêm doanh nghiệp trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải…
Thứ Tư: Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ các Doanh nghiệp trong công tác áp dụng công nghệ mới, công nghệ 4.0 để phù hợp với tình hình bị giãn cách do đại dịch. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với việc áp dụng công nghệ mới.
Ngoài bốn nhóm vấn đề đã nêu trên, tôi cũng mong rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác cải cách hành chính, hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp thực hiện kịp thời các chính sách của Nhà nước, Chính phủ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, thúc đẩy việc xuất khẩu.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết