Doanh nghiệp, chuyên gia "hiến kế phục hồi" sau khi kiểm soát dịch Covid-19

Doanh nghiệp, chuyên gia "hiến kế phục hồi" sau khi kiểm soát dịch Covid-19

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 3, 21/09/2021 06:30

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội, đổi mới tư duy và chuyển đổi công nghệ sớm.

Nới lỏng tự chủ doanh nghiệp

Tại hội nghị trực tuyến do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao vừa tổ chức, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh - Hội nhập toàn cầu (GIBC) chia sẻ, gần đây có những quan ngại về đơn hàng cho những thị trường khó tính vì không có lao động đạt yêu cầu và có thể dẫn đến nguy cơ mất thị trường. Vì vậy, trong chiến lược sắp tới, doanh nghiệp cần tận dụng năng lực quản lý của Nhà nước và quản trị công ty để giảm bớt thiệt hại cũng như rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu...

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cũng cho rằng, các Chỉ thị của Nhà nước trong giai đoạn này nên có sự tham vấn và lấy ý kiến của doanh nghiệp trước khi ban hành nhằm tránh những bất cập gây cản trở môi trường đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước.

Điển hình, đẩy mạnh những giải pháp cụ thể trong hỗ trợ từ ngân sách, quỹ bảo hiểm xã hội, công đoàn… chi đến từng doanh nghiệp phục vụ chi trả ngay cho người lao động đang sản xuất, người lao động bị ngừng việc… để doanh nghiệp giữ chân được người lao động khi chuẩn bị quay lại sản xuất, kinh doanh.

Còn việc đi lại của người lao động, nếu đáp ứng các tiêu chí của chính quyền địa phương thì có thể nới lỏng cho doanh nghiệp chủ động khai báo sẽ thuận lợi hơn. Hoặc, trao thêm sự linh hoạt cho doanh nghiệp và hỗ trợ thiết thực thay vì kiểm soát, can thiệp theo quy định chung toàn xã hội. Đồng thời, khẩn trương thúc đẩy tiến độ liên thông dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự khai báo lộ trình di chuyển, tiếp cận vắc-xin, tổ chức y tế tại chỗ, kết hợp với y tế tư nhân...

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp, chuyên gia 'hiến kế phục hồi' sau khi kiểm soát dịch Covid-19

Tp.HCM đang tích cực lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong các khu chế xuất, khu công nghệ cao, bến xe, nhà ga, sân bay... để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Báo Tin tức. 

CNOK có thể áp dụng trên diện rộng?

Còn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RYNAN Technologies, Chủ tịch Câu lạc bộ LBC đề xuất phương thức lấy mẫu xét nghiệm CNOK có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí xét nghiệm, hiện đang là vấn đề tốn nhiều chi phí trong vận hành sản xuất, kinh doanh.

CNOK là phương thức lấy mẫu xét nghiệm dựa trên toán học xác suất thống kê, trong đó C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động và K là kinh tế, giúp phát hiện nhanh chóng và tương đối chính xác người bị nhiễm Covid-19.

Phân tích cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ chỉ ra rằng, Công ty RYNAN Technologies hiện có 350 nhân viên đang thực hiện "3 tại chỗ”. Mỗi lần xét nghiệm mất hơn nửa ngày, tốn 60 triệu đồng/lần và 240 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, với phương thức lấy mẫu xét nghiệm CNOK, mỗi tháng Công ty RYNAN Technologies chỉ tốn khoảng 72,8 triệu đồng. Nếu thực hiện xét nghiệm dùng mẫu gộp hai (một kit test cho 2 người) thì chi phí xét nghiệm mỗi tháng còn lại là 36,4 triệu đồng.

Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” phát hiện nhanh dịch Covid-19 với độ chính xác tương đối cao cũng như không phải dừng sản xuất để thực hiện.

Ngoài ra, doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động có thể chia thành những phân tổ để quản lý, giám sát và kiểm soát; trong đó, mỗi ngày nhân viên đại diện phân tổ sẽ được xét nghiệm, cứ thế xoay vòng lần lượt từng người. Như vậy, sẽ tiết kiệm được chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp. Còn với doanh nghiệp nhỏ với 15 lao động thì chỉ cần xét nghiệm một người/ngày. 

Cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp lớn hơn những năm trước

Một lĩnh vực khác cũng được quan tâm không kém đó chính là tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM Trần Hoàng Ngân cho rằng cần sớm có một gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này phải lớn hơn những năm trước mới đủ sức vực dậy các doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế.

Vào ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đề xuất của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ được miễn giảm khoảng 21.300 tỷ đồng tiền thuế.

Bên cạnh đó, để khơi thông dòng chảy nông sản từ đồng ruộng đến người tiêu dùng, từ "vựa nông sản" đến các tỉnh, thành phố có nhu cầu tiêu dùng lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cùng Bộ Công Thương xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối để đảm bảo lưu thông, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi từ các địa phương.

Tìm kiếm cơ hội và thực hiện chuyển đổi số sớm 

Trong khi đó, tại VIETNAM CEO FORUM với phiên bản đặc biệt: OPEN TALKS – The paths forward – Những con đường phía trước, được đồng tổ chức bởi Hội Doanh nhân Trẻ Tp.HCM (YBA), IBP, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và S-World, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị U&I Group dự báo, cộng đồng doanh nghiệp có thể phục hồi từ 60-70% vào cuối năm sau. Mặc dù vậy, khả năng tuyển lại nhân sự cực kỳ khó, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục cách làm cũ và không thay đổi về mặt công nghệ thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.

Theo ông Mai Hữu Tín, trước đây doanh nghiệp thường phải mất ít nhất 2 năm để phục hồi sau khủng hoảng, nhưng lần này sẽ mất thời gian lâu hơn. Hai ngành được xem là bị thiệt hại nặng nề nhất bởi những ảnh hưởng của Covid-19 là du lịch và hàng không. 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội, ý tưởng, đổi mới tư duy và thực hiện chuyển đổi công nghệ sớm. Đồng thời, tùy vào sức khỏe doanh nghiệp, trình độ tài chính và quản lý, nên “độ sâu” doanh nghiệp đã hoàn toàn khác giai đoạn 15 năm trước. Do đó, sức bền của họ đã cũng khác xưa.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp, chuyên gia 'hiến kế phục hồi' sau khi kiểm soát dịch Covid-19  (Hình 2).

Rang xay cà phê bằng phần mềm công nghệ tại một doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN. 

Chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động trong nền kinh tế Singapore, ông Albert Antoine, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập Avaiga.com đánh giá, các nước châu Á và nước đang phát triển đang đi ngược lại với châu Âu, vì “thắt lưng buộc bụng” trong dịch Covid-19. Đồng thời, tiết kiệm không đầu tư vào nguồn nhân lực. Trong khi các quốc gia châu Âu đầu tư tài chính vào chỗ ở để người dân vùng khác đến công xưởng của họ làm việc. 

Riêng tại Việt Nam, vấn đề cần được giải quyết là chuyển đổi số, còn ở châu Âu và Singapore, câu hỏi đặt ra là phải tăng tốc để tối ưu hóa quy trình hoạt động. Đơn cử, Singapore có rất nhiều doanh nghiệp tư có vốn từ Chính phủ và Chính phủ hỗ trợ rất nhiều như một đầu tàu để kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ Singapore tăng gấp đôi, gấp ba chi tiêu vì họ muốn duy trì bộ máy kinh tế. 

Theo tổng hợp khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành và công bố gần đây, có 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, hầu hết ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh; trong đó, đối với doanh nghiệp tư nhân có những lĩnh vực ảnh hưởng lớn hơn 90% như: sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital, doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở để lạc quan, bởi nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự bền bỉ và năng động. Việt Nam là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới vào năm 2020 đã có mức tăng trưởng dương; trong đó, tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc đều có nền kinh tế bị tăng trưởng âm.

Nỗ lực quay lại trạng thái ban đầu 

16/9 là ngày đầu tiên Tp.HCM bổ sung thêm nhiều lĩnh vực được hoạt động và nới rộng thời gian mở cửa từ 6h - 21h, cùng với việc cho shipper chạy liên quận. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường khu vực nội đô, phần lớn hàng quán vẫn đóng cửa im lìm.

Cùng với việc dần mở cửa các dịch vụ để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng đang được thúc đẩy, dù rằng không thể chủ quan. Nhiều bài viết cho thấy quan điểm ủng hộ các biện pháp mở cửa nhằm phục hồi nền kinh tế.

Rõ ràng thời gian qua, doanh nghiệp đã rất nỗ lực. Thế nhưng, với chi phí tăng cao, lao động thiếu, doanh thu giảm. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Do đó, doanh nghiệp thực sự cần hỗ trợ nếu như muốn tái khởi động.

Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế. Theo nội dung Chỉ thị, Hà Nội sẽ không áp dụng quy định phân vùng; không kiểm soát giấy đi đường đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn thành phố cũng như không phát sinh thêm thủ tục hành chính. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phòng chống dịch và quản lý, giám sát di biến động trên địa bàn Thành phố...

 

Hương Anh (t/h từ Báo Tin tức, Người Lao Động, Lao Động, Báo Đầu tư) 

 

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.