Doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần vượt khó

Doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần vượt khó

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 3, 28/09/2021 13:04

Nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan, tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa qua đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” để cùng bàn luận và chia sẻ về môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội của Việt Nam.

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Trao đổi tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến khu vực FDI, trong đó có việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã tác động trực tiếp vào các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI như Tp.Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… , khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn sản xuất kinh doanh, có doanh nghiệp phải dừng một phần, thậm chí toàn bộ hoạt động.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần vượt khó

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ tại sự kiện. 

Đứng trước thách thức đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp tục khẳng định, thông điệp và chủ trương nhất quán của Chính phủ là tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư khắc phục khó khăn của dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định như phương châm Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Thực tiễn, con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó.

Thời gian vừa qua, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh cũng như hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua nhiều nghị quyết, nghị định về miễn giảm thuế, phí; giãn, hoãn các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ thị để kịp thời chỉ đạo, điều hành nhanh chóng với tình hình chống dịch. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 2 Tổ công tác đặc biệt do 2 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng để rà soát khó khăn, vướng mắc và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương cụ thể hóa, thống nhất tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn lộ trình mở cửa sản xuất và các hoạt động kinh tế xã hội ngay trong cuối tháng 9 này.

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm; đầu mối giải quyết là các địa phương; Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sẽ đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Bên cạnh đó, nhắc lại tinh thần như Thủ tướng Chính phủ nói “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bà Ngọc cũng cho rằng, ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã thể hiện thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã đoàn kết, chung tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với covid-19 bằng nhiều hình thức.

Thích ứng trong đại dịch, trong “nguy” tìm ra “cơ”

Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về những kinh nghiệm và các chính sách “chìa khoá” thu hút vốn FDI, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hằng năm UBND tỉnh đều chỉ đạo các Sở, ban, ngành xây dựng các kế hoạch cụ thể thu hút đầu tư nước ngoài tại các thị trường tiềm năng và nơi có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm để giới thiệu đến tỉnh Đồng Nai.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng quan tâm xây dựng và tổ chức các hội nghị để kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm lắng nghe các khó khăn cũng như kiến nghị của doanh nghiệp đồng thời kịp thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành cùng nhau gỡ khó cho các doanh nghiệp.

Trong năm 2021, từ tháng 4 đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, tất cả những việc để xúc tiến đầu tư nước ngoài cũng bị dừng lại. Thay vào đó, tỉnh Đồng Nai chú trọng đến việc kết nối với các nhà đầu tư đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tiếp tục gặp gỡ cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, Đồng Nai thường xuyên phối hợp với Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp vùng Kansai (METI – Kansai) để xây dựng, mở rộng hệ thống điều phối viên hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.

Hơn nữa, việc phát triển các khu công nghiệp gắn liền với phát triển đồng bộ với hệ thống giao thông đường bộ cũng như hàng không.

“Chính nhờ những nỗ lực thích ứng trên, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đầu tư thu hút, cấp mới tăng 25% so với cùng kỳ và đạt 88% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó cấp mới 42 dự án với tổng vốn đăng ký tăng 50,1% so với cùng kỳ và đạt 62,7% so với kế hoạch năm 2021”, bà Nguyễn Thị Hoàng thông tin thêm.

Sức hút của thị trường vẫn lớn

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, xác định quan điểm mới về chống dịch.

Qua khảo sát, có 67% số doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đều có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch bệnh.

“Những tín hiệu tích cực này đã cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư”, bà Ngọc cho biết.

Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob chia sẻ tại sự kiện: “Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu & khu vực và chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam".

Vừa qua, Tập đoàn Nestlé đã công bố kế hoạch tiếp tục đầu tư 132 triệu USD trong hai năm để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Úc.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.