Doanh nghiệp ngành gạo ngụp lặn trong thua lỗ quý I/2025

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 3, 20/05/2025 08:45

Quý I/2025, nhiều doanh nghiệp ngành gạo ghi nhận doanh thu sụt giảm và thua lỗ kéo dài, trong khi số ít các đơn vị còn giữ được lợi nhuận, cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ nét trong toàn ngành.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu gần 2,31 triệu tấn gạo, thu về 1,21 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2024, sản lượng tăng 5,82%, nhưng giá trị lại giảm tới 15,5%. Giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt khoảng 522 USD/tấn, giảm mạnh 20,18% – mức giảm sâu gây lo ngại trong toàn ngành.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung gạo tại châu Á đang dồi dào trở lại. Đặc biệt, Ấn Độ, quốc gia từng hạn chế xuất khẩu, đã quay trở lại thị trường với lượng dự trữ kỷ lục, khiến giá gạo toàn cầu giảm sâu, tạo sức ép cạnh tranh nặng nề cho các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, quý I/2025, nhiều doanh nghiệp ngành gạo ghi nhận doanh thu sụt giảm và thua lỗ kéo dài, trong khi chỉ số ít các đơn vị còn giữ được lợi nhuận, cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ nét trong toàn ngành.

Kinh doanh ảm đạm: Nhiều "ông lớn" báo lỗ nặng

Từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong việc xuất khẩu gạo, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, UPCoM: AGM) đón nhận kết quả kinh doanh quý I/2025 với một gam màu trầm trong bức tranh tổng quan đã nhiều mảng màu kém sắc kể từ những lùm xùm sau vụ Louis Holdings.

Theo đó, doanh thu thuần của Angimex đã rơi xuống đáy lịch sử với chưa đầy 21 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do không còn hợp nhất kết quả từ các công ty con đã thoái vốn.

Do đó mà quý I/2025, công ty báo lỗ gần 19 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp. Tính đến cuối tháng 3/2025, lỗ lũy kế của Angimex lên đến 482 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm tới 300 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (UPCoM: TAR) cũng không thoát khỏi vòng xoáy khó khăn. Doanh thu quý I/2025 của công ty giảm mạnh 54% xuống còn 327 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của công ty ghi nhận giảm hơn 51% xuống còn 15 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tiết giảm lãi vay. Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giao động nhẹ, đạt 3,5 và 6,5 tỷ đồng.

Dù đã nỗ lực tiết giảm chi phí so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi yếu kém vẫn khiến Gạo Trung An chưa thể xoay chuyển cục diện. Kết thúc quý I/2025, công ty báo lỗ sau thuế hơn 15 tỷ đồng – đảo chiều mạnh so với khoản lãi 2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ thứ tư liên tiếp của doanh nghiệp này.

Tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II; UPCoM: VSF), tình hình cũng không mấy khá khẩm. Cụ thể, doanh thu thuần của Vinafood II đạt 4.496 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ.

Dưới nỗ lực tiết giảm giá vốn, lợi nhuận gộp của Vinafood II đã tăng 9% lên 447 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước áp lực lớn đến từ chi phí tăng vọt. Đặc biệt, chi phí tài chính của công ty đạt 72,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng đạt 307 tỷ đồng, tăng lần lượt 49% và 14%.

Sau khi trừ các chi phí, Vinafood II lỗ 5,3 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lãi khiêm tốn cùng kỳ năm trước.

Tia hy vọng le lói của ngành gạo

Giữa gam màu xám của ngành gạo, vẫn có những điểm sáng hiếm hoi. Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed; HoSE: NSC) ghi nhận doanh thu 368 tỷ đồng, tăng 5%. Tuy nhiên trước áp lực giá vốn tăng cao, lợi nhuận gộp của Vinaseed đã giảm nhẹ về mức 110 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của công ty đều được tiết giảm đáng kể. Cụ thể, công ty ghi nhận chi phí bán hàng đạt 31 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 26 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 17% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy mà sau khi trừ các chi phí, Vinaseed báo lãi 37 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2025, Vinaseed đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu đạt 2.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 310 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I/2025, Vinaseed mới hoàn thành 13% kế hoạch doanh thu và 11% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, bà Nguyễn Thị Trà My - Chủ tịch HĐQT Vinaseed nhấn mạnh, kế hoạch kinh doanh năm 2025 là một mục tiêu rất thách thức nếu xét trong bối cảnh kết quả kinh doanh 3 năm gần đây, dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận gần như đi ngang.

Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, ban lãnh đạo Vinaseed sẽ tái cấu trúc các mảng hoạt động, tập trung cho R&D và thúc đẩy quan hệ quốc tế để Công ty có sản phẩm tốt đưa ra thị trường. Về chi phí, Công ty sẽ tiến hành soát xét các chi phí như vận tải, bao bì để tận dụng các ưu thế và dựa vào các đầu mối trong Tập đoàn PAN (công ty mẹ) để tiết giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh... và áp dụng thêm nhiều biện pháp khác.

Doanh nghiệp ngành gạo ngụp lặn trong thua lỗ quý I/2025- Ảnh 1.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam sau giai đoạn sụt giảm đã liên tục nhích lên từ giữa tháng 3/2025.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo giảm trước đó phần nhiều là do tình trạng tranh bán nên các khách hàng vin vào đó để làm giảm thêm giá gạo Việt. Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ tình trạng giảm giá gạo đã được chặn lại và giá liên tục nhích lên từ giữa tháng 3/2025.

VFA thông tin, từ đầu tháng 4/2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang hồi phục. So sánh trong các nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hiện giá gạo tẻ thường tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu, với 396 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo tẻ thường 5% tấm của Thái Lan là 395 USD/tấn, Pakistan là 387 USD/tấn và Ấn Độ là 376 USD/tấn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.