Kiểm dịch thủy sản đông lạnh nhập khẩu còn nhiều bất cập
Báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, cho biết, từ năm 2018 - 2021 đã cắt giảm 78% (so với năm 2017) số lượng dòng hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc phạm vi quản lý.
Tuy nhiên, tính đến tháng 1/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành ba thông tư liên quan đến vấn đề kiểm dịch đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể là các Thông tư 26/2016, Thông tư 36/2018 và Thông tư 11/2021. Theo đó, 100% các lô hành nhập khẩu đều phải thực hiện kiểm tra và phải có chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu do cơ quan Thú y cấp thì mới được làm thủ tục thông quan.
Với thời gian chờ trung bình từ 2 cho đến 5 ngày làm việc, chưa kể ngày nghỉ hoặc thời gian để được cán bộ Thú y kiểm tra, quy định này đã vô tình khiến quá trình thông quan các lô hàng thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu bị kéo dài, doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí phát sinh.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, danh mục kiểm dịch đối với các mặt hàng thủy sản nhập khẩu ngày càng được mở rộng. Nhưng cơ sở pháp lý hay báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hoặc thông tin dịch bệnh lại không cho thấy có sự thay đổi nguy cơ lây nhiễm của ngành hàng này. Các Thông tư về kiểm dịch thủy sản hiện hành cũng chưa phân biệt rõ ràng các chỉ tiêu về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Quy định kiểm dịch cần linh hoạt và điều chỉnh theo thực tế
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, những quy định trên đang vô tình gây khó cho doanh nghiệp dẫn đến những chi phí phát sinh không đáng có.
“Tôi ví dụ, 9 tháng đầu năm 2021 đã có 50.533 lô hàng thủy sản nhập khẩu, nếu lấy thời gian kiểm dịch tối thiểu là 2 ngày/lô thì một năm ước tính thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp phải dành cho làm thủ tục kiểm dịch là hơn 100 nghìn ngày và ước tính chi phí cho việc lưu kho đã lên tới hơn 224 tỷ đồng”.
Theo ông Nam, việc ngăn chặn bệnh dịch cho một đối tượng động vật bản địa cụ thể thì phải có báo cáo đánh giá rủi ro. Điều này đã được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) quy định và hướng dẫn hàng năm rất rõ ràng. Nhưng đến nay, Thông tư 26/2016 và sau đó là Thông tư 36/2018 thay thế, đều chưa đưa ra được các kết quả đánh giá rủi ro dịch bệnh thủy sản đối với các đối tượng đang chịu sự kiểm dịch.
“Các quy định kiểm dịch thủy sản nhập khẩu hiện hành đang đưa toàn bộ các sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh vào trong danh mục phải kiểm dịch thủy sản. Điều này là không đúng bản chất cũng như nguyên tắc của hoạt động kiểm dịch”.
Mặt khác, các sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam sẽ được đưa vào các kho đông lạnh của hệ thống phân phối để bán cho người tiêu dùng làm thực phẩm hoặc là đưa vào bảo quản tại các kho đông lạnh với nhiệt độ dưới -180C làm nguyên liệu để chế biến tiếp cho mục đích xuất khẩu. Do vậy, chưa thấy có bằng chứng hay bất cứ báo cáo khoa học nào về nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ các sản phẩm thủy sản nhập khẩu đông lạnh sang cho thủy sản sống trong môi trường xung quanh ở Việt Nam.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho biết thêm, vấn đề cốt lõi hiện nay khiến các doanh nghiệp thủy sản cảm thấy không thỏa đáng là, một mặt hàng thực phẩm thuỷ sản nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa…có chung một nguồn gốc xuất xứ, do một doanh nghiệp nhập khẩu trong nhiều năm nhưng 100% đều phải thực hiện kiểm tra theo quy định.
Như vậy, việc quản lý theo nguyên tắc rủi ro đã không được áp dụng, khiến danh mục hàng hoá phải kiểm giảm đi rất ít.
Trước đó, ngày 29/11/2021, VASEP gửi Thư thỉnh nguyện tới Thủ tướng Chính Phủ; Bộ NN-PTNT về những bất cập vừa nêu và tại cuộc họp ngày 04/01/2022, lãnh đạo các đơn vị của Bộ NN-PTNT, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính Phủ) đã ghi nhận những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản và sẽ có văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.