Doanh nghiệp thời minh bạch: Đại hội cổ đông không còn là nơi đọc báo cáo

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 02/05/2025 08:00

Khi doanh nghiệp tổ chức đại hội đồng cổ đông minh bạch và hiệu quả, đây sẽ là nền tảng quan trọng để tạo tiền đề thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu và xu thế của thị trường.

Gặp mặt trực tiếp, đối thoại thẳng thắn

Đại hội đồng cổ đông là dịp để cổ đông gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tại đây, cổ đông sẽ được nắm bắt thông tin, tham gia vào các quyết định quan trọng và thể hiện quyền lợi được đóng góp ý kiến với doanh nghiệp.

Năm nào cũng vậy, đại hội cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) luôn là sự kiện được giới đầu tư mong chờ. Hội trường tổ chức đại hội của Hoà Phát luôn đông nghịt người tham dự. Năm nay, đại hội của Hoà Phát lập kỷ lục về số cổ đông tham dự khi có hơn 1.000 người, đại diện cho hơn 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.

Đại hội của Hoà Phát năm nay bỏ qua tất cả phần đọc báo cáo, thay vào đó, đại hội tập trung vào phần thảo luận. Đáng chú ý, trong phần đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hoà Phát luôn trả lời một cách thẳng thắn các vấn đề mà cổ đông đưa ra. Nội dung trả lời luôn đúng trọng tâm, không lòng vòng, không giấu giếm những thông tin mang tính tiêu cực hay bất lợi cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thời minh bạch: Đại hội cổ đông không còn là nơi đọc báo cáo- Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Hoà Phát có hơn 1.000 cổ đông tham dự.

Ngoài ra, hình ảnh vị tỷ phú được cổ đông vây kín tại phiên giải lao giữa giờ trên sân khấu, xin được chụp ảnh, bắt tay, trò chuyện gần gũi dường như đã trở thành "thông lệ" tại các cuộc đại hội của Hoà Phát. Chính sự cởi mở, thẳng thắn của lãnh đạo HPG tại các đại hội cổ đông đã giúp "ghi điểm" với cổ đông và thị trường.

Hay tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) cũng ghi nhận lượng cổ đông tham dự lớn nhất từ trước đến nay của FPT với 2.020 cổ đông dự họp. Đại hội năm nay đã thể hiện một bước tiến rõ rệt trong việc nâng cao tính minh bạch và cởi mở trong giao tiếp với cổ đông của công ty. Tại đây, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và Ban lãnh đạo công ty đã trả lời thẳng thắn những câu hỏi của các cổ đông.

Đánh giá về năm 2025, ông Trương Gia Bình chia sẻ: "Đối với FPT, mức tăng trưởng lợi nhuận quanh 20% là kỷ luật, bằng mọi cách phải làm được. Trong quá khứ, chúng ta đã phải đối mặt với những thế lực mạnh không tưởng tượng được và đã vượt qua. Lần này tôi cảm nhận cũng vậy, chúng ta sẽ vượt qua và vươn lên sánh ngang cùng các nước tiên tiến, phát triển".

Doanh nghiệp thời minh bạch: Đại hội cổ đông không còn là nơi đọc báo cáo- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE: REE), lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ đưa ra các kế hoạch, mục tiêu về kinh doanh, mà còn thẳng thắn chia sẻ cùng các cổ đông về kế hoạch cổ phần hóa các mảng kinh doanh cũng như thoái vốn tại một số công ty liên kết. Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh cũng tiết lộ về dự định mới của REE như phát triển các dự án bất động sản theo trục giao thông, cụ thể là dọc theo hệ thống metro và đường vành đai Tp.HCM.

Trong đại hội cổ đông năm 2025 của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có màn trả lời kéo dài 30 phút với khoảng 20 câu hỏi được cổ đông đưa ra, đa phần xoay quanh câu chuyện kinh doanh của VinFast và Vingroup.

Một cổ đông trẻ lần đầu tham dự họp đại hội đặt câu hỏi với Chủ tịch Phạm Nhật Vượng về quan điểm đầu tư tích sản. Anh cho biết các thế hệ trước đây thường chọn vàng là kênh tích sản dài hạn nhưng những người trẻ như anh tin tưởng vào tương lai của Vingroup nên lựa chọn mua cổ phiếu VIC.

Anh này cho biết thường mua cổ phiếu khi giá giảm sâu. Tuy nhiên, cổ đông đặt câu hỏi Vingroup làm sao để gia tăng niềm tin cho cổ đông nhỏ lẻ như anh. Cổ đông này hỏi Chủ tịch Vingroup liệu quan điểm tích sản bằng cổ phiếu VIC của anh có phải là lựa chọn hợp lý.

Trả lời câu hỏi cổ đông, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho rằng đầu tư cổ phiếu cũng giống như đi tàu, sẽ có sóng, có gió tuy nhiên nếu nhà đầu tư vội vàng nhảy xuống biển thì sẽ hối tiếc. "Chọn VIC hay chọn vàng thì chọn VIC là đúng rồi", ông Vượng đáp lại câu hỏi của cổ đông.

Doanh nghiệp thời minh bạch: Đại hội cổ đông không còn là nơi đọc báo cáo- Ảnh 3.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tại đại hội cổ đông năm 2025.

Một trong những nội dung được nhiều cổ đông quan tâm là hoạt động đầu tư, kinh doanh của VinFast. Còn nhớ trong họp đại hội đồng cổ đông năm 2024, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhận được rất nhiều câu hỏi băn khoăn về việc đầu tư vào VinFast. Thời điểm này, ông Phạm Nhật Vượng khẳng định phải dành mọi nguồn lực cho dự án.

Ông Vượng thẳng thắn nói rằng, dồn nguồn lực cho VinFast bởi đây là câu chuyện về đẳng cấp, trách nhiệm. Ông Vượng cũng cam kết sắp xếp tài sản cá nhân, ít nhất 1 tỷ USD cho VinFast. Thực tế, lời hứa này đã được vị tỷ phú thực hiện trong năm 2024.

Khác với không khí hoài nghi khi đầu tư vào VinFast của Đại hội đồng cổ đông năm 2024, năm nay cổ đông chỉ đặt câu hỏi cho Chủ tịch Phạm Nhật Vượng sẽ ưu tiên bằng tiền cá nhân vào đầu tư dự án nào và Vingroup đầu tư vào dự án nào. "Cái gì ngon thì tập đoàn đầu tư. Cái gì "xương" thì tôi đầu tư", vị tỷ phú cười và trả lời các cổ đông.

Vì sao minh bạch đang trở thành một "sức mạnh mềm"?

Nói với Người Đưa Tin, anh Nguyễn Hưng (sống tại Tp.HCM) chia sẻ rằng, 5 năm nay anh liên tục bay ra Hà Nội để dự đại hội cổ đông của Hoà Phát. Anh nói rằng, bản thân một mặt muốn được gặp Chủ tịch, một mặt muốn được đối thoại thẳng thắn với ban lãnh đạo công ty.

"Tôi không chỉ đến để nghe báo cáo, mà còn để hỏi và muốn được trả lời. Khi nhận được câu trả lời trực diện, không vòng vo từ lãnh đạo tập đoàn, tôi càng tiếp tục tin tưởng giữ cổ phiếu", anh Hưng nói.

Theo chuyên gia, minh bạch trong đại hội cổ đông không chỉ thể hiện trách nhiệm quản trị, mà còn là yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp giữ được niềm tin và dòng vốn dài hạn từ nhà đầu tư. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường vốn ngày càng cạnh tranh, sự tín nhiệm không đến từ khẩu hiệu, mà phải đến từ hành động cụ thể - bắt đầu ngay từ cách tổ chức đại hội cổ đông.

"Cổ đông bây giờ không còn là người đi nghe cho biết. Họ là chủ sở hữu thực sự và họ có quyền được biết, được hỏi, được chất vấn. Doanh nghiệp nào hiểu điều đó, sẽ tiến xa", một chuyên gia tài chính độc lập nhận định.

Doanh nghiệp thời minh bạch: Đại hội cổ đông không còn là nơi đọc báo cáo- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam phân tích, minh bạch trong đại hội cổ đông không chỉ là thước đo của quản trị doanh nghiệp hiện đại, mà còn là lời cam kết công khai với nhà đầu tư và thị trường.

Bên cạnh đó, sự minh bạch ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay không chỉ đến từ nội tại mong muốn cải thiện quản trị doanh nghiệp mà còn là kết quả rõ rệt của hệ thống chế tài và quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ, đồng bộ.

Theo ông Minh, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cùng với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực, các quy định về công bố thông tin, tổ chức đại hội cổ đông, trách nhiệm của ban điều hành và hội đồng quản trị đã được nâng lên một tầm mới.

Ví dụ như doanh nghiệp phải công bố thông tin định kỳ và bất thường theo chuẩn quốc tế; Nghĩa vụ công bố thông tin bao gồm cả báo cáo tài chính kiểm toán, thông tin giao dịch nội bộ, kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, thâu tóm, sáp nhập, và biến động nhân sự cấp cao; Các hình thức xử phạt đối với hành vi chậm công bố thông tin, công bố sai lệch, hoặc che giấu thông tin có thể lên đến 3 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP…

Ông Minh cũng cho hay, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hiện không chỉ đóng vai trò quản lý thị trường mà còn chủ động giám sát, cảnh báo và công bố danh sách các doanh nghiệp chậm công bố thông tin. "Điều này gây áp lực trực tiếp đến uy tín của doanh nghiệp", ông Minh nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, hệ thống chế tài và quy định ngày càng rõ ràng, minh bạch đang tạo nên một "kỷ luật thị trường" giúp lọc sạch các doanh nghiệp yếu kém và nâng tầm các doanh nghiệp nghiêm túc.

"Đối với doanh nghiệp, minh bạch không còn là lựa chọn mà là yêu cầu sống còn. Còn đối với nhà đầu tư, đây là "la bàn" chỉ đường trong một thị trường đang chuyển mình mạnh mẽ", ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.