Trong năm 2020-2021, thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Nhưng đối với Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Covid-19 không phải là khó khăn duy nhất mà họ gặp phải.
Trong khi các nhà khoa học khí hậu có thể dự đoán cơn bão nhiệt đới và bắt đầu các biện pháp giảm thiểu, hiện tượng nước biển ấm lên đã thúc đẩy các cơn bão, khiến cường độ của chúng tăng lên khoảng 12-15%.
Các tác động của biến đổi khí hậu thường xuyên được bàn luận tại các cuộc hội thảo, đàm phán quốc tế về khí hậu như COP26 và được các nước giàu hơn ở Bắc bán cầu khẳng định như một điều gì đó sẽ tiếp tục xảy ra tồi tệ hơn trong tương lai.
Ở Việt Nam, các tỉnh miền Trung hàng năm phải hứng chịu thảm họa lũ lụt, các cơn bão và lở đất gây tổn hại các công trình, gây thiệt hại về con người và kinh tế. Với các công nghệ của mình, Việt Nam phải vật lộn để giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, của thiên tai.
Những quốc gia như Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn bão mạnh hơn xảy ra hàng năm. Dù chúng ta có chủ động chuẩn bị đến đâu, các cơn bão vẫn tàn phá, phá hủy cả tài sản và mạng sống của con người.
Trong khi đó, với nguồn lực khổng lồ, các nước phương Tây, Mỹ và Vương quốc Anh từ lâu đã giữ vị trí hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học khí hậu này, từ đó, họ sẽ hỗ trợ các quốc gia kém phát triển hơn.
Châu Âu và Mỹ đang độc quyền về khoa học khí hậu
Trong một bài viết gần đây đăng trên Tạp chí Carbon Brief, tác giả Ayesha Tandon phát hiện ra rằng chỉ có 7,3% trong số hơn 1.300 tác giả từ 100 bài báo về khí hậu được trích dẫn nhiều nhất đến từ châu Á. Không ai trong số những tác giả đó là người Việt Nam.
Khi Ayesha cho tôi xem những phát hiện của cô ấy và hỏi ý kiến của tôi, tôi không quá ngạc nhiên. Dù chúng ta có muốn thừa nhận hay không, thì những người đại diện cho chuyên môn về khoa học khí hậu hầu hết đến từ các nước phát triển hơn.
Cơ sở hạ tầng tiên tiến và nguồn tài nguyên dồi dào đã giúp phương Tây thiết lập thẩm quyền của mình đối với các vấn đề khí hậu.
Các nước đang phát triển thường sẽ gửi những gì tốt nhất và sáng giá nhất của họ để nhận được kinh nghiệm từ các nước phát triển hơn, vì các chuyên gia hàng đầu cần cả sự đào tạo và sự công nhận toàn cầu để thu thập nguồn lực đối phó với biến đổi khí hậu.
Trong khi các khoảng cách trong đào tạo có thể được giải quyết bằng việc di cư học thuật, các nhà khoa học từ các nước kém phát triển hơn hiếm khi nhận được sự công nhận trên toàn cầu.
Một bài báo mới trên Tạp chí Khí hậu và Phát triển (Climate and Development journal) cho thấy, 78% nguồn tài trợ khoa học khí hậu toàn cầu trong giai đoạn 1990-2020 được rót cho các tổ chức châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, chỉ 3,8% kinh phí được chi cho các chủ đề liên quan đến châu Phi.
Điều này xảy ra bất chấp thực tế là châu Phi là lục địa dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và là lục địa đóng góp tỉ lệ phát thải khí nhà kính thấp nhất trong lịch sử, với chỉ 3%.
Trên toàn cầu, báo cáo Cảnh quan Toàn cầu về Tài chính Khí hậu 2021 chỉ ra rằng tài chính khí hậu tập trung ở châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy khoảng 73% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu (khoảng 479 tỷ USD) được tài trợ từ các nguồn lực trong nước, điều này cho thấy hầu hết các quốc gia vẫn dựa vào chính mình để chống lại biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, tài chính khí hậu quốc tế tăng từ 13 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2018 lên 153 tỷ USD. Tuy nhiên, do nguồn tiền được phân bổ cho nhiều quốc gia, nên nguồn lực cuối cùng không đủ đáng kể.
Vào cuối năm 2019, tôi và các đồng nghiệp đã gặp “bộ ba bất khả tri về tăng trưởng công nghiệp bền vững” ở Kitakyushu, Nhật Bản - một trong những thành phố định hướng tăng trưởng xanh hàng đầu trên toàn thế giới.
Phản ứng của thành phố Kitakyushu đối với các vấn đề môi trường tương tự như phản ứng ở Tây Âu: cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, can thiệp chính trị và việc sử dụng các chuyên gia hàng đầu.
Bất chấp quy chế về tăng trưởng xanh nghiêm ngặt và việc sử dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến, nhiều vấn đề về ô nhiễm không khí không thể giải quyết được do các yếu tố văn hóa - xã hội: sự bành trướng đô thị, nhu cầu đi lại tăng cao, các công ty lớn thuê các công ty nhỏ hơn gia công sản xuất mà không kiểm tra và thực thi nghiêm ngặt các tiêu chí về phát thải.
Ví dụ về thành phố Kitakyushu nâng cao tầm quan trọng của việc hiểu văn hóa khu vực tư nhân và cư dân trong việc thúc đẩy phát triển xanh. Nó chỉ ra rằng việc nhân rộng mô hình phương Tây có thể vẫn không hiệu quả ở các quốc gia phương Đông.
Nền văn hóa thâm hụt sinh thái
Kitakyushu không chỉ cho thấy lý do tại sao các mô hình phương Tây không phải lúc nào cũng có thể áp dụng trên toàn cầu, mà còn cho thấy thái độ văn hóa đối với biến đổi khí hậu có thể thay đổi như thế nào, ngay cả ở những địa điểm mà mọi người phải đối mặt với những rủi ro gia tăng và tức thời hơn.
Chúng ta đã phải chịu đựng những điều kiện khí hậu khủng khiếp, và xã hội lại không ưu tiên thiên nhiên hay môi trường.
“Văn hóa thâm hụt sinh thái” này, ưu tiên trả chi phí thấp hơn cái giá thực tế của thiệt hại môi trường, cho thấy lý do tại sao chúng ta cần thúc đẩy tiếng nói của các nhà khoa học khí hậu phi phương Tây. Nếu các nghiên cứu không được tài trợ và thúc đẩy, các giá trị cũng như khoa học của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.
Những giá trị văn hóa đó đã ăn sâu vào lứa tuổi thanh niên trong toàn xã hội.
Trong một nghiên cứu khác, chúng tôi chuyển sang quan sát những người chơi trò chơi điện tử và mối quan hệ môi trường của họ với trò chơi.
Xét đến trường hợp cụ thể với game mô phỏng cuộc sống “Animal Crossing: New Horizons”, chúng tôi nhận thấy rằng hành vi của người chơi trò chơi trong thế giới ảo cuối cùng cũng quy về một chế độ tương tự: khai thác tài nguyên để hoàn thành nhiệm vụ.
Điều này có thể được hiểu là do các hành vi nhập vai được mã hóa trong thiết kế game hơn là do thái độ của game thủ - nhưng dù theo cách nào thì điều này cũng có ý nghĩa văn hóa.
Là nhà sản xuất văn hóa có tiềm năng lớn ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, các công ty game có thể làm tốt hơn để giáo dục và gắn kết người chơi game với các cách hành xử vì môi trường.
Văn hoá làm chậm sự can thiệp của khu vực tư nhân
Tuy nhiên, quan trọng nhất, sự thâm hụt ảnh hưởng văn hóa và khoa học đối với các vấn đề khí hậu này ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của khu vực tư nhân.
Là một người đã dành nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh trước khi chuyển sang học thuật, tôi nhận ra rằng con đường khả thi để các nước đang phát triển thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường là khai thác sức mạnh của khu vực tư nhân.
Hiện tại, khu vực tư nhân mới chỉ đóng góp 37 tỷ USD cho tài chính khí hậu ở các khu vực Nam Mỹ, châu Phi và Nam Á, so với 63 tỷ USD từ khu vực công. Khu vực tư nhân có nguồn lực lớn để vận động thay đổi chính sách.
Mục đích của họ nằm ở lợi nhuận. Cuộc điều tra gần đây của tôi về 75 sự kiện môi trường được đưa tin ở Việt Nam cho thấy một bức tranh ảm đạm về trách nhiệm của doanh nghiệp khi nói đến việc bảo vệ môi trường.
Các lĩnh vực tận dụng tài nguyên thiên nhiên, như lâm nghiệp, thủy điện, nhiệt điện, hoặc thậm chí là các ngành công nghiệp môi trường, đã tham gia vào nhiều sự kiện có thể có ảnh hưởng hủy hoại môi trường.
Ví dụ, vào năm 2017, con kênh Ba Bò ở Việt Nam bị ô nhiễm nặng do nước thải từ một nhà máy xử lý nước thải gần đó.
Chúng ta vẫn cần thay đổi, chúng ta vẫn cần nỗ lực tốt hơn, và chúng ta vẫn cần cứu hành tinh.
Để làm được tất cả những điều này, chúng ta cần lắng nghe và khuyến khích nghiên cứu khoa học từ khắp mọi nơi trên thế giới, và chúng ta cần nhiều hơn nữa từ doanh nghiệp.
Trước đây, tôi đã đề xuất một cách mới để tính lợi nhuận ròng của doanh nghiệp bằng cách kết hợp giá trị của môi trường trong phương trình.
Việc gắn vấn đề môi trường trực tiếp với lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tạo ra những thay đổi cần thiết cho một tương lai tốt đẹp hơn. Và để các doanh nghiệp hành động có ý nghĩa, chúng ta cần lắng nghe các học giả từ khắp mọi nơi trên thế giới nói về những cách tiếp cận nào sẽ hiệu quả.
Cần phải có những nỗ lực to lớn không chỉ của các chuyên gia và các ngành khoa học ở Bắc bán cầu mà còn của cả các chuyên gia và các ngành khoa học xã hội ở Nam bán cầu để giúp chúng ta sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài và cam go như vậy.
Giống như câu nói nổi tiếng của nhà hiền triết Hillel the Elder cách đây khoảng 2.000 năm: “Không phải tôi thì ai? Không lúc này, lúc nào?”.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Tiến sĩ Vương Quân Hoàng - Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành ISR, trường Đại học Phenikaa