Bom dơi từng được kỳ vọng là vũ khí có thể khiến quân Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II. Ảnh minh họa: Rooster Magazine
Trong Thế chiến II, các nhà phát minh Mỹ nhận thấy tiềm năng của một số loài chim và dơi nên nảy ra ý tưởng về các loại vũ khí có sự kết hợp với chúng.
Hai trong số các ý tưởng chế tạo vũ khí gây chú ý nhất của Mỹ thời điểm đó là "bom dơi" và tên lửa dẫn đường bằng chim bồ câu. Các ý tưởng bị nhiều người cho là kỳ quặc nhưng bất ngờ nhận được sự chú ý của chính phủ Mỹ.
"Bom dơi"
Ngày 7/12/1941, Lytle S. Adams, một nhà phát minh 60 tuổi sống ở quận Irwin, bang Pennsylvania, Mỹ, lái xe về nhà sau kỳ nghỉ tại vườn quốc gia Carlsbad Caverns, bang New Mexico.
Vài giờ trước đó, Adams vô cùng ấn tượng khi chứng kiến hàng triệu con dơi bay ra khỏi hang Carlsbad. Nghe radio trên ô tô trong hành trình trở về, Adams bị sốc khi biết tin quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng.
Nung nấu ý định trả thù, Adams bắt đầu lên kế hoạch. Hình ảnh đàn dơi khổng lồ bay khỏi hang lúc này vẫn còn trong tâm trí ông. Nhà phát minh người Mỹ lóe lên một ý tưởng: Bom dơi.
Tâm đắc với ý tưởng này, Adams bắt đầu tìm hiểu kỹ về loài dơi và phát hiện loài động vật có vú biết bay này không mù như nhiều người lầm tưởng hay một số loài dơi có thể chịu được tải trọng gấp đôi trọng lượng cơ thể chúng.
Càng tìm hiểu kỹ, Adams càng tin rằng Mỹ có thể sử dụng dơi như một máy bay ném bom tự sát. Quá tâm đắc với ý tưởng này, nhà phát minh người Mỹ thậm chí còn viết thư gửi Nhà Trắng nêu rõ ý tưởng trả thù quân Nhật sau sự kiện Trân Châu Cảng.
Sáng kiến dùng bom dơi được đưa ra để trả thù quân Nhật vụ tấn công Trân Châu Cảng. Ảnh minh họa: Historic Mysteries
Theo kế hoạch của Adams, Mỹ sẽ đưa hàng triệu con dơi gắn bom cháy được hẹn giờ lên máy bay rồi thả chúng ra khắp các thành phố ở Nhật Bản.
Bom cháy là một loại vũ khí tấn công từ trên không, kết hợp giữa lực nổ và gây cháy của quả bom để tạo ra sức hủy diệt mạnh hơn. Vì có sức sát thương gây hệ lụy lớn, nhiều loại bom cháy như bom Napalm, bom phốt pho bị cấm hoặc hạn chế sử dụng ngày nay. |
Trong vài phút, những quả bom sẽ phát nổ và đốt cháy khu vực đô thị. Adams cho rằng số lượng đám cháy lớn trên diện rộng sẽ khiến phát xít Nhật phải nhanh chóng đầu hàng.
Ngày 16/4/1942, Donald R. Griffin - một trợ lý nghiên cứu đặc biệt của Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ (NDRC) - đã trình một bản ghi nhớ lên NDRC với tiêu đề "Sử dụng dơi làm vật trung chuyển bom cháy".
Ông Griffin mô tả đề xuất của nhà phát minh Adams rằng sẽ sử dụng một lượng lớn dơi kèm theo bom cháy để tấn công quân Nhật. Những con dơi được thả từ máy bay vào ban đêm, lý tưởng nhất là ở độ cao lớn. Bom cháy được hẹn giờ đủ để những con dơi bay xuống thấp và bám vào các ngôi nhà.
Chính phủ Mỹ khi đó kết luận ý tưởng của Adams không điên rồ và quyết định thử nghiệm.
Adams cùng một nhóm các nhà tự nhiên học bắt tay vào quá trình thử nghiệm. Họ quyết định sử dụng dơi thò đuôi Mexico cho dự án này vì đây là loài nhỏ hơn các loài dơi khác nhưng lại có số lượng lớn nhất. Một con dơi thò đuôi Mexico có thể bay kèm cùng vật nặng 15-18 gram.
Adams mang theo một vài con dơi và bom giả tới Washington. Tại đây, ông gây ấn tượng đủ mạnh với lực lượng Không quân Mỹ. Kế hoạch xác định tính khả thi của việc sử dụng dơi mang bom cháy nhằm vào kẻ thù được gọi với cái tên "Dự án Tia X".
Quân đội Mỹ đã bắt hàng nghìn con dơi thò đuôi Mexico để phục vụ dự án và thiết kế các quả bom cháy nhỏ phù hợp với chúng. Quân đội Mỹ sẽ sử dụng máy bay để vận chuyển đàn dơi. Những con dơi được nhốt trong hộp chứa có chế độ làm mát để giữ chúng ở trạng thái ngủ đông.
Tuy nhiên, một số bất cập đã xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Bất cập nổi bật nhất là việc tìm ra cách thả đồng loạt đàn dơi khổng lồ giữa không trung trong khi chúng đang ở trạng thái ngủ đông.
Các cuộc thử nghiệm không diễn ra suôn sẻ. Thủy quân Lục chiến Mỹ đã tiếp quản dự án từ lực lượng Không quân vào tháng 12/1943. Tuy nhiên, sau 30 cuộc biểu tình phản đối và tiêu tốn 2 triệu USD, quân đội Mỹ đã hủy bỏ dự án.
Tên lửa dẫn đường bằng chim bồ câu
Minh họa tên lửa dẫn đường bằng chim bồ câu. Ảnh: Military History
Năm 1943, Hải quân Mỹ cần một loại vũ khí có khả năng hủy diệt các thiết giáp hạm Bismarck của Đức. Công nghệ tên lửa khi đó đã tồn tại nhưng vấn đề là hệ thống dẫn đường khi đó quá lớn và thô sơ nên hiệu quả chưa cao như kỳ vọng.
Trong tình cảnh đó, Burrhus Frederic Skinner, một nhà phát minh Mỹ kiêm giáo sư tâm lý học Harvard, đã tìm kiếm nguồn tài trợ của chính phủ cho một dự án bí mật để đáp ứng nhu cầu này của Hải quân.
Ý tưởng của Skinner rất đơn giản: Ông sẽ huấn luyện chim bồ câu dẫn đường cho tên lửa bằng cách dùng mỏ gõ vào mục tiêu trên màn hình để điều hướng tên lửa.
Chim bồ câu được chọn vì chúng có tầm nhìn xa và không mất tập trung trong điều kiện hỗn loạn. Skinner chế tạo phần mũi tên lửa hình nón đặc biệt có 3 ngăn, 3 màn hình nhỏ với một ống kính chiếu hình ảnh của mục tiêu đã xác định lên mỗi màn hình.
Khi nhận ra mục tiêu trên màn hình, những con chim bồ câu sẽ mổ liên tục vào đó. Khi đó, dây cáp được buộc vào đầu mỗi con chim sẽ điều hướng tên lửa. Cú mổ vào giữa màn hình sẽ khiến tên lửa bay thẳng, trong khi những cú mổ lệch làm nghiêng màn hình sẽ khiến tên lửa đổi hướng.
Phần mũi tên lửa hình nón đặc biệt. Ảnh: American History Museum
Ban đầu, Skinner tỏ ra thất vọng khi chính phủ Mỹ không tài trợ cho dự án này. Sau đó, Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia (NDRC) đã bỏ qua sự hoài nghi để cấp 25.000 USD (gần 560 triệu đồng) cho thử nghiệm ban đầu của dự án Pigeon.
Điều này đã được đền đáp khi các thử nghiệm thành công. Những con chim bồ câu mang lại sự tin cậy lớn khi chúng mổ chính xác và không bị hỗn loạn trước âm thanh lớn ở nơi thử nghiệm.
Dự án Pigeon dường như rất được kỳ vọng ở thời điểm đó. Thực tế, những con chim bồ câu luôn đảm bảo làm đúng trong các thí nghiệm của nhà phát minh này. Skinner tín nhiệm chúng đến mức thề không bao giờ làm thí nghiệm cùng loài chuột.
Tuy nhiên, bất chấp thành công ban đầu, Skinner không thể thuyết phục chính phủ Mỹ dành thêm sự chú ý cho dự án này. Tháng 8/1944, dự án bị tạm dừng. Quân đội Mỹ cho rằng "việc tiếp tục theo đuổi dự án này sẽ làm trì hoãn việc phát triển các dự án khác có triển vọng hơn như phát triển radar.
-----------------------
Chiến tranh Lạnh là thời kỳ rất căng thẳng với các nước châu Âu khi họ bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô hậu Thế chiến II. Lo ngại tiềm lực hạt nhân và sức mạnh quân sự hùng hậu của Liên Xô, Anh triển khai nhiều ý tưởng đối phó trong trường hợp Liên Xô (đang kiểm soát Đông Đức) tiến quân sang Tây Đức (Anh, Pháp, Mỹ kiểm soát). Một trong số đó là chế tạo mìn hạt nhân có gà bên trong. Vậy gà có vai trò gì trong loại vũ khí nặng 7,2 tấn này? Mời độc giả cùng tìm hiểu trong bài kỳ tới, đăng lúc 10h ngày 27/2.
Nguyễn Thái - (t/h)