Đôi mắt và ám ảnh nỗi đau

Đôi mắt và ám ảnh nỗi đau

Thứ 5, 27/12/2012 23:54

Tôi thường nhắm đôi mắt của mình một lúc lâu mỗi khi có người nào đó nói với tôi rằng: Thật là khủng khiếp cảm giác người ta nhìn vào mình, không phải để cảm thông chia sẽ, mà đơn giản chỉ để xem khi đau đớn thì mình trông ra làm sao?

Đó là một buổi chiều lớp một, người bạn học sát bên lớp tôi bị “đùn” trong quần. Dĩ nhiên là cái sự không mấy gì thơm tho đó của bạn, sau khi bị phát hiện, nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý và trò cười của tụi học sinh loắt choắt trong khối. Tôi nhớ bạn ngồi bệt trên hành lang, nước mắt nước mũi tèm nhem, tay chân quơ quào tung tóe những miếng giấy vệ sinh trắng nhìn khá bẩn thỉu và miệng thì gào lên không thôi "Đi hết, đi hết đi".

Kỳ lạ thay, bạn càng la thì đám nhóc càng hứng thú với trò vui "hiếm có", đứa trước đứa sau đứng thành vòng tròn để miệt thị: “Lêu lêu. Bạn Q. đùn trong quần”.

Tôi đứng gần đó, thấy hết trơn hết trọi, nhưng tôi không nhập bọn, mặc dù đối với tôi thì không khí khi đó cũng khá vui, con nít nhỏ cỡ tôi lại hay có máu hùa. Vậy mà có cái gì đã chặn tôi lại, đầu óc ngây thơ của tôi lúc đó không thể hiểu nổi tại sao nước mắt và sự xấu hổ của người bạn đó lại trở thành trò vui của đám đông xung quanh.

6 tuổi, quá nhỏ để bộ óc của tôi có thể chu du xa hơn 29 chữ cái vỡ lòng đầu đời, tôi chấp nhận chấm dứt thắc mắc đó bằng một suy nghĩ đơn giản: chắc nó quê, quê cũng tội nghiệp lắm!

Pháp luật - Đôi mắt và ám ảnh nỗi đauẢnh minh họa (Nguồn: Internet)

Rồi có lần, tôi với mẹ đi xe đò từ Sài Gòn về nhà thì có một tai nạn giao thông xảy ra trên một đoạn đường gần chợ. Từ trên cửa sổ, tôi thấy hai chiếc xe cánh én bể tan nát và một vũng máu lớn sáng loang loáng dưới ánh nắng chói chang. Mỗi lần nhìn thấy những tàn tích còn sót lại của những vụ tai nạn, tôi đã cảm thấy đủ hãi hùng. Vì vậy, tôi thường cám ơn ông trời, vì ông nếu có để cho tôi phải đi ngang những vụ tai nạn xe cộ thì thường là sau khi người bị nạn đã được mang đi đâu rồi.

Vậy mà khi đó, tôi thấy người ta đứng xem rất khí thế, đám đông có lẽ đã quần tụ từ khi tai nạn xảy ra và chỉ vãng tuồng khi những vũng máu đó đã được công an viền phấn trắng. Tôi tự hỏi: không lẽ tai nạn giao thông là một loại phim kiếm hiệp hấp dẫn mà thiên hạ có thể mãn nhãn giải sầu?

Tôi thấy những thằng nhỏ bán vé số bằng tuổi tôi hình như đang hối hả đi lấy vé dò xổ số 5h chiều cũng gạt chống xe đạp tranh thủ đứng nghiêng ngó. Mấy chị nhà gần chợ một tay nách con, một tay cầm tô cơm chan canh bí đã nở tè le, lao xao bàn tán. Chết không hén? Tông cái rầm vậy chắc chấn thương sọ não. Anh bán bắp luộc tranh thủ chen vào đám đông cất tiếng rao í ới: Bắp nóng đây! Ai mua bắp nóng không?

Tôi hỏi: Người ta thích đứng nhìn cái gì vậy mẹ? Nhìn người bị nạn, ai rảnh thì chở vô nhà thương, còn không đứng đó coi. Rủi đông quá bác sĩ chạy vô cứu không kịp hay không có đủ oxy để thở chết luôn thì sao, tại sao thích nhìn khi người ta đau? Câu hỏi đó, có lẽ vẫn còn phức tạp với một thằng nhóc lớp năm, cho nên mẹ tôi im lặng. Mà biết đâu khi cái đám đông vẫn còn lao xao chưa chịu giải tán, khi những người đến sau còn đang dấm dẳng tiếc rẻ vì đã bỏ lỡ một màn hát xiệc đẫm máu, thì người bị nạn đã ngán ngẩm trút hơi thở từ giã cái cuộc đời này rồi...

Gần nhà tôi có một người phụ nữ bị cụt một chân. Chiều chiều chị cà thọt đẩy chiếc xe đạp, trên có mâm cóc ghim, bánh trái linh tinh, ra công viên gần đó để bán. Chiếc nón lá đội trên đầu lúc nào cũng hơi trễ xuống một chút như để giấu đi gương mặt buồn vì mặc cảm bất hạnh của đời mình. Mỗi lần đạp xe đi học về, nhìn thấy chị từ xa, tôi thường tảng lờ nhìn chỗ khác. Tôi không biết sẽ ra làm sao nếu hai ánh mắt của hai số phận khác biệt phải chạm vào nhau, vì cái nhìn thương hại của tôi hẳn sẽ như một lớp muối dầy xát vào đôi mắt sâu và buồn kia của chị. Hay là tôi nhạy cảm quá?

Một buổi chiều, tôi đạp xe đi học thêm thì gặp chị lầm lũi đẩy xe đi bán. Khi đi ngang qua sân vận động, một đám đàn bà lành lặn và an nhàn có thói quen vác ghế ra ngồi hóng gió và bình phẩm chuyện thiên hạ. Theo phản xạ, chị đẩy thật nhanh như trốn chạy những cái nhìn nặng trịch đang đuổi theo phía sau. Một người trong đám đông nói: Con mẹ này hình như mới bị chồng bỏ... Sau câu nói nghiệt ngã đó, tôi chợt nhìn thấy những vòng bánh xe của chị trở nên xiêu vẹo và đổ tháo dưới ráng chiều thật buồn.

Bây giờ tôi đã lớn, đã có thể suy nghĩ sâu sắc hơn về những thắc mắc khi còn nhỏ. Trong mục đích của tạo hóa, liệu ngoài chức năng phản xạ ánh sáng để nhận diện sự vật, có phải đôi mắt còn được dùng để nhìn vào nỗi đau thương, bất hạnh, khổ sở của người khác một cách lạnh tanh và tàn nhẫn như vậy không? Có ai trong những đôi mắt kia muốn mình hay người thân của mình trong một sát na bất như ý của cuộc đời, phải trở thành tâm điểm của sự soi mói, giằng xé và bình phẩm?

Tôi thường nhắm đôi mắt của mình một lúc lâu mỗi khi có người nào đó nói với tôi rằng: Thật là khủng khiếp cảm giác người ta nhìn vào mình, không phải để cảm thông chia sẽ, mà đơn giản chỉ để xem khi đau đớn thì mình trông ra làm sao?

Nếu không thể xoa dầu cho một vết thương thì xin đừng dùng dao lam để rạch cho dài thêm nỗi đau đó!

Văn Sen

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng!


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.