Đóng cửa, chuyển nghề vì dịch Covid-19: “Mong hết dịch để làm lại”

Đóng cửa, chuyển nghề vì dịch Covid-19: “Mong hết dịch để làm lại”

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 18/08/2021 08:09

“Đã có lúc tôi tưởng chừng không vượt qua được vì cú sốc giải thể nhà hàng. Nhưng, nhìn lại thấy nhiều người còn khổ hơn tôi lại thấy mình may mắn", anh Quang nói.

Biến thách thức thành cơ hội

Việc liên tục tái bùng phát của đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những thách thức lớn đối với cộng đồng người làm kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những thực tế u ám về việc phải đóng cửa, ngừng kinh doanh, về các khoản nợ ngân hàng hay gánh nặng tiền lương trả cho nhân viên được nhắc đến nhiều trong những ngày này, đâu đó vẫn thấy sự chuyển mình với tinh thần sáng tạo, vươn lên và tìm mọi cách thích ứng trong thời khắc khó khăn của dịch bệnh ở nhiều chủ cơ sở kinh doanh.   

Trò chuyện với Người Đưa Tin, anh Duy Quang (chủ của một nhà hàng tại Hà Nội) đã chia sẻ về quá trình vượt qua cú sốc phá sản, giải thể nhà hàng vì dịch Covid-19. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra qua video call.

Kể về quá trình lập nghiệp của mình, Duy Quang cho biết, anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý khách sạn, nhà hàng. Sau thời gian lăn lộn tìm kiếm việc làm ở nhiều nơi, khi đã tích luỹ đủ kinh nghiệm, đầu năm 2021 anh quyết định kinh doanh nhà hàng.

“Sau khi bàn bạc với người thân, được bố mẹ cho ít vốn và vay mượn thêm, tôi mạnh dạn mở nhà hàng với số vốn đầu tư cả tỷ đồng. Nhưng, người tính không bằng trời tính, nhà hàng mới đi vào hoạt động không lâu, thì phải tạm đóng cửa thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội. Vì nhà hàng mới hoạt động, nên lượng khách cũng chưa nhiều, cộng thêm dịch, nên chúng tôi chuyển hướng sang giao hàng tận nơi cho khách. Tuy nhiên, sau vài lần giãn cách đến nay, tiệm chúng tôi sập hoàn toàn”, anh Duy Quang tâm sự.

Bĩnh tĩnh sống - Đóng cửa, chuyển nghề vì dịch Covid-19: “Mong hết dịch để làm lại”

Đóng cửa nhà hàng do dịch bệnh.

Việc kinh doanh thất bại khiến anh Duy Quang chán nản, sốc thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm vì số tiền bố mẹ đưa cho là số tiền bố mẹ đi vay lãi ngân hàng, chưa kể còn tiền vay mượn bên ngoài hàng tháng vẫn phải trả lãi.

Theo lời Duy Quang, hàng ngày đọc báo, anh vẫn nhìn thấy số ca mắc mới tăng khiến lòng anh như lửa đốt. Bố mẹ ở nhà biết chuyện lo lắng, liên tục gọi điện hỏi han, quan tâm vì sợ con trai buồn mà nghĩ tiêu cực.

“Đã có những lúc tôi tưởng chừng không vượt qua được vì cú sốc giải thể nhà hàng. Nhưng, nhìn lại thấy nhiều người còn khổ hơn, đi xin hỗ trợ… tôi lại thấy mình may mắn vì vẫn còn gia đình, bạn bè ở bên, quan trọng là tôi còn sức khoẻ. Chỉ mong dịch bệnh mau hết để tôi được làm lại”, anh Duy Quang trải lòng.

Suốt cuộc trò chuyện với PV, thi thoảng giọng anh Quang như nghẹn ứ lại… Anh bảo, đừng để tên thật của mình lên báo vì không muốn mọi người lo lắng. Anh chỉ muốn chia sẻ rằng, bản thân đã từng rất sốc, chán nản vì trắng tay, nhưng anh không bi quan. “Tôi thức trắng nhiều đêm để tìm hiểu và tự học thêm kiến thức về bán hàng online trên sàn thương mại điện tử– việc mà trước nay tôi chưa từng nghĩ đến để có thể kiếm thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống. Bản thân tôi cũng tập xác định là phải sống chung với dịch. Công việc trước mắt của tôi là bán hàng online”.

Bĩnh tĩnh sống - Đóng cửa, chuyển nghề vì dịch Covid-19: “Mong hết dịch để làm lại” (Hình 2).

Cửa hàng của anh Huy Hoàng hoạt động chưa lâu thì phải tạm đóng cửa do dịch bệnh (Ảnh: NVCC).

Còn anh Nguyễn Huy Hoàng– ông chủ một cửa hàng làm đẹp trên phố Pháo Đài Láng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, anh mở cửa hàng vào đầu năm 2021, khi bắt đầu có lượng khách quen và ổn định dần, thì đợt dịch mới bùng phát, nên cảm thấy rất hoang mang.

“Cửa hàng tôi cũng như bao cửa hàng khác, cứ tạm đóng cửa rồi lại mở cửa, rồi lại tạm đóng cửa… để phòng, chống dịch bệnh. Ba nhân viên tôi thuê cũng đã cho nghỉ không lương và về quê tránh dịch”, anh Huy Hoàng nói.

Anh Hoàng cho biết, hàng tháng anh phải bỏ ra 8 triệu để trả tiền thuê mặt bằng, trong khi đó số vốn đầu tư vào cửa hàng đã ngốn khoảng 100 triệu đồng. Tuy không quá lớn, nhưng với một người trẻ mới khởi nghiệp thì đó cũng là một “bài toán” khiến anh phải cân não.

Bĩnh tĩnh sống - Đóng cửa, chuyển nghề vì dịch Covid-19: “Mong hết dịch để làm lại” (Hình 3).

Trải lòng với với PV, ông chủ của cửa hàng làm đẹp này tâm sự, khoảng thời gian đóng cửa hàng anh cảm thấy lo lắng nhiều hơn là buồn. “Tôi lo lắng vì nhân viên phải nghỉ dịch không lương, lo vì không biết khách hàng liệu có nhớ đến cửa hàng nữa hay không?... dẫu sao dịch bệnh toàn cầu phải gánh chịu, nên phải chấp nhận thôi”, anh Huy Hoàng bộc bạch.

Thay vì nghỉ ngơi, Huy Hoàng tận dụng thời gian “sống chậm” này để xây dựng hệ thống khách hàng online, chia sẻ bí quyết làm đẹp cho các chị em nhằm giúp mọi người thấy ở nhà vẫn vui. “Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi phụ người thân bán hàng online, bán dừa dầm. Thời gian rảnh, tôi lại tìm tòi những kiến thức, kỹ thuật làm đẹp trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Mong rằng, dịch bệnh sớm qua đi và tôi cũng sẽ có được nền tảng kiến thức tốt để quản lý, chăm sóc khách hàng tốt hơn khi cửa hàng được phép hoạt động trở lại”, anh Hoàng nói.

Tương tự, cửa hàng tóc của anh Trương Xuân Tuấn thuê cửa hàng trên phố Trần Quý Cáp (Đống Đa, Hà Nội) cũng phải tạm ngưng phục vụ khách cũng đã gần tháng nay.

Anh Tuấn cho hay mỗi tháng tiền thuê cửa hàng anh phải trả là 10 triệu đồng, dịch bệnh cũng khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Từ khi Hà Nội giãn cách anh Tuấn thực hiện nghiêm theo chỉ thị, cửa hàng có 4 nhân viên cũng đã về quê tránh dịch. “Vì đóng cửa hàng nên là chúng tôi không có thu nhập ở thời điểm hiện tại”, anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, thay vì buồn chán, anh Tuấn cho biết thời gian này anh tập trung làm kênh youtube của riêng mình chuyên về tóc.

“Kênh youtube cũng có nguồn thu nhưng mới làm nên thu nhập cũng ít, gọi là kênh giải trí để mong muốn sau này kênh sẽ phát triển hơn”, anh Tuấn chia sẻ và cho biết bản thân không cho phép mình nghỉ ngơi trong thời gian giãn cách xã hội.

Mặc dù vậy, anh Tuấn cho biết anh làm việc tại nhà nên đảm bảo an toàn, bởi với anh sức khoẻ của bản thân và gia đình mới là điều quan trọng nhất. Anh Tuấn nhấn mạnh: “Thời điểm này quan trọng là sức khoẻ, còn tiền thì kiếm sau”. 

Bĩnh tĩnh sống - Đóng cửa, chuyển nghề vì dịch Covid-19: “Mong hết dịch để làm lại” (Hình 4).

Không ngại vì phải chuyển nghề

Cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều tháng nay, cô giáo Hoàng Diệu Lam (chuyên dạy mỹ thuật cho mọi lứa tuổi) và các cô trong câu lạc bộ vẽ Fine Art tại Hà Nội cũng chịu cảnh thất nghiệp.

“Tôi cùng các cô giáo trong trường và trong câu lạc bộ vẽ Fine Art lúc nào cũng nói với nhau là mong dịch qua mau để cô trò được gặp nhau. Nhưng, đợt dịch này qua rồi đến đợt dịch khác lại bùng phát. Không chỉ có tôi mà nhiều cô giáo khác cũng đã phải chuyển nghề tạm thời để mưu sinh. Còn, nhiều bạn bè ở các ngành nghề khác cũng bỏ phố về quê vì cửa hàng mở ra không kinh doanh được”, chị Diệu Lam tâm sự.

Để duy trì cuộc sống, cô giáo Diệu Lam đã tạm thời chuyển nghề sang bán thực phẩm sạch online. “Quê tôi ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, có nhiều thực phẩm sạch mà mẹ tôi và các dì hay cung cấp, từ thịt lợn đen, gà chạy bộ, vịt, cá, rau củ quả hoàn toàn tự trồng. Vì, thời điểm dịch bệnh gửi hàng xuống cũng khó khăn, nên tôi thường hay chia sẻ gom đơn mọi người mua cùng để bớt tiền cước vận chuyển. Cứ thế, có món gì ngon ngon, lạ lạ của vùng Tây Bắc là tôi lại giới thiệu và được đông đảo mọi người ủng hộ”, chị Diệu Lam cho hay.

Bĩnh tĩnh sống - Đóng cửa, chuyển nghề vì dịch Covid-19: “Mong hết dịch để làm lại” (Hình 5).

Cô giáo trẻ 9X cho biết thêm, từ ngày chuyển nghề, chị nhận được nhiều lời động viên xen lẫn đó là lời trêu đùa, cô giáo thành “cô buôn”. Thay vì ngại ngùng, xấu hổ, chị Lam lại cảm thấy vui khi mọi người biết đến công việc hiện tại của mình và rất ủng hộ.

“Tôi không nề hà, làm việc gì cũng được miễn là mình lao động chân chính, mục đích duy nhất là làm sao vượt qua được khó khăn trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang căng thẳng như hiện nay. Tôi hy vọng, dịch bệnh sớm qua đi để tôi lại được cùng các học trò thoả sức sáng tạo những tác phẩm hội hoạ trong team Fine Art”, chị Diệu Lam nói.

Trong suốt cuộc trò chuyện với Người Đưa Tin, cả anh Quang, anh  Hoàng, hay chị Lam đều mong muốn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để họ cũng như mọi người được làm những công việc mà mình đam mê. Các anh chị đều chia sẻ về những khó khăn mà bản thân đang gặp phải. Tuy nhiên, thay vì than vãn, buồn chán thì trong họ lại ánh lên niềm hy vọng về một ngày không xa dịch bệnh sẽ không còn, họ sẽ tiếp tục được làm những công việc mà họ yêu thích và phát triển những ý tưởng được ươm mầm trong chính thời gian nghỉ dịch đầy khó khăn này.  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.