Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh thương mại, du lịch, vận tải…đều phải đóng cửa dừng hoạt động; đời sống và mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch phức tạp phải áp dụng lệnh giãn cách xã hội. Đà Nẵng phải đối đầu với tình hình kinh tế tăng trưởng âm 3,61% sau 23 năm là thành phố trực thuộc Trung ương. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Quang Việt – Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng xoay quanh những chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn của dịch vừa qua.
PV: Là tỉnh có dịch và phải thực hiện giãn cách xã hội, Chi nhánh Đà Nẵng đã triển khai những chương trình gì để đồng hành cùng doanh nghiệp, đối tác và người dân trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Quang Việt: Ngay khi COVID –19 bùng phát trên thế giới và có 1 vài ca xuất hiện ở Việt Nam, ngày 10/2/2020,Vietcombank đã ban hành Chính sách hỗ trợ các lĩnh vực, các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID –19 gồm dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn, dịch vụ vận tải, kho bãi, ngành thực phẩm và đồ uống, các doanh nghiệp có quan hệ mua bán trực tiếp với thị trường Trung Quốc đang bị phong tỏa.…mức giảm lãi suất từ 0,5% đến 1,5% đối với dư nợ tại thời điểm 11/02 và giải ngân cho vay mới khách hàng áp dụng từ 11/02 đến 30/04/2020. Trên cơ sở chính sách của Vietcombank Trung ương, Chi nhánh Đà Nẵng trong thời kì đầu có 27 khách hàng thuộc diện này với tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 128,322 tỉ đồng.
Liền tiếp sau đó là một loạt các chương trình hỗ trợ lãi suất của Vietcombank Đà Nẵng được áp dụng trên nền tảng công nghệ tự động nên rất nhanh chóng và kịp thời. Tất cả các khách hàng đều nhận được chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn với những mức hỗ trợ khác nhau ưu tiên tùy theo từng đối tượng và ngành nghề hoạt động bị ảnh hưởng. Hiện tại Vietcombank Đà Nẵng đã hỗ trợ là 9.427 triệu đồng. Cụ thể: Ngày 15/4/2020, hỗ trợ khách hàng bởi tác động của dịch COVID –19 giai đoạn 2 đối với các khoản nợ SXKD thuộc các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các khoản nợ cá nhân phục vụ đời sống không có TSBĐ với số tiền lãi đã hỗ trợ là 2.660 triệu đồng. Ngày 15/05/2020, hỗ trợ khách hàng cá nhân vay tiêu dùng thông thường bị tác động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay số tiền lãi đã hỗ trợ là 3.883 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Vietcombank đã ban hành hướng dẫn cơ cấu nợ triển khai đồng loạt trên hệ thống. Hiện tại Vietcombank Đà Nẵng đã cơ cấu nợ cho 134 khách hàng với 535 món tương đương dư nợ cơ cấu là 262 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc là 237 tỷ đồng và nợ lãi hơn 25 tỷ đồng)
Bên cạnh các biện pháp cơ cấu nợ, giảm lãi suất đối với các khách hàng hiện hữu, Vietcombank Đà Nẵng cũng chủ động đánh giá và thực hiện giảm lãi suất cho vay trong thẩm quyền của Chi nhánh, mức giảm từ 0,5%-1% nhằm hợp tác, chia sẻ và đồng hành với khách hàng trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Tính đến 31/08/2020, tổng dư nợ cho vay khách hàng bán buôn với lãi suất ưu đãi dưới 6%/năm (VND) và dưới 3%/năm (USD) lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm ¼ dư nợ bán buôn. Chi phí lãi vay thấp là lợi thế không nhỏ để doanh nghiệp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh, tồn tại được trong điều kiện khó khăn hiện tại.
Vietcombank đã ban hành các chương trình cho vay như Lãi suất cạnh tranh 2020, An tâm lãi suất 2020 áp dụng cho khách hàng SME vay sản xuất kinh doanh, khách hàng cá nhân vay tiêu dùng với lãi suất thấp và cạnh tranh trên thị trường. Tổng số khách hàng được hưởng các gói hỗ trợ giảm lãi suất vay theo các chương trình là 215 khách hàng, dư nợ gần 484 tỷ đồng. Đồng thời Vietcombank cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 5% đối với khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Chi nhánh có 117 khách hàng SME được hưởng gói lãi suất 5% với quy mô số tiền dư nợ là 607 tỷ đồng.
Song song với hỗ trợ lãi suất, chính sách miễn giảm phí dịch vụ bao gồm dịch vụ chuyển tiền, thanh toán lương, bảo lãnh, TTQT và TTTM , ngân hàng điện tử, phí mở thẻ tín dụng, … cho khách hàng được Chi nhánh triển khai xuyên suốt trong năm 2020. Việc áp dụng đồng thời chính sách miễn giảm lãi và phí của Vietcombank đã góp phần đáng kể cho khách hàng tiết kiệm chi phí, giúp khách hàng an tâm vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
PV: Để chia sẻ khó khăn của tỉnh khi dịch bệnh bùng phát, Chi nhánh đã triển khai những chương trình an sinh xã hội như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Việt: Trước tình hình diễn biến phức tạp của làn sóng COVID –19 thứ hai xảy ra tại Đà Nẵng, trong thời gian qua chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa người bệnh, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp như phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa lây lan và đẩy lùi dịch bệnh.
Thấu hiểu và nhằm góp phần chung tay cùng chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID –19, ngày 13/8/2020 tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Việt – Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng – đại diện Ban lãnh đạo Vietcombank đã trao tặng UBND TP Đà Nẵng số tiền 5 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thành phố mua sinh phẩm chẩn đoán COVID –19.
Ngoài ra, trước đó vào ngày 06/08/2020 Vietcombank Đà Nẵng cũng đã kêu gọi cán bộ nhân viên đóng góp và gửi tặng các chiến sĩ áo trắng Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng số tiền 200 triệu đồng nhằm chia sẻ và động viên đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ và nhân viên y tế hai bệnh viện đã nỗ lực không mệt mỏi, không ngại gian khổ, nguy hiểm. tận tình cứu chữa bệnh nhân COVID –19.
PV: Xin ông cho kế hoạch của chi nhánh từ nay đến cuối năm trong chương trình hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân tỉnh nhà?
Giám đốc: Đà Nẵng là thành phố có tỷ trọng thu nhập về dịch vụ và thương mại chiếm chủ yếu trong tổng GDP nên với việc trở thành tâm dịch COVID –19 từ cuối tháng 7 đến nay đã gây ra khó khăn chồng chất cho doanh nghiệp và người dân. Hầu hết các doanh nghiệp đều bị đình trệ hoạt động SXKD và thua lỗ trong 8 tháng đầu năm, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn, ăn uống, vui chơi giải trí…Do vậy, theo chúng tôi xác định từ nay đến cuối năm, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải tiếp tục được triển khai quyết liệt hơn nữa để góp phần giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, giúp người lao động có thu nhập để duy trì cuộc sống. Vietcombank Đà Nẵng là một doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng chung từ dịch bệnh cũng như suy giảm kinh tế. Bên cạnh việc khắc phục khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, Vietcombank Đà Nẵng vẫn luôn bám sát nội dung chỉ đạo của NHNN, Vietcombank Trung ương để kịp thời triển khai ngay các chính sách gia hạn nợ, giãn nợ đợt tiếp theo cho khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời tùy vào diễn biến tình hình dịch bệnh, tiếp tục nghiên cứu, triển khai chính sách giảm lãi vay, giảm phí cho các đối tượng khách hàng truyền thống bị khó khăn thua lỗ do COVID –19 cho đến Quý I năm 2021 cụ thể:
Thứ nhất, Chương trình ưu đãi cho nhóm khách hàng ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn phục hồi sản xuất sau dịch, chương trình ưu đãi lãi suất vay ngoại tệ và phí XNK cho khách hàng sản xuất xuất khẩu dệt may, thủy sản, da giày, đồ gỗ, giấy nguyên liệu…. Chính sách hỗ trợ phải thực hiện đúng đối tượng khách hàng và phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, thủ tục hồ sơ thuận lợi để giúp khách hàng tiếp cận chính sách một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đẩy mạnh cho vay kinh doanh phục vụ mục tiêu kép vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, chủ quan trong nhận thức và hành động vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, cho vay hộ kinh doanh hàng tiêu dùng, hàng nông nghiệp, hàng hóa nguyên vật liệu sản xuất…
Thứ hai, thực hiện giảm lãi suất cho vay kinh doanh, cho vay tiêu dùng theo đúng định hướng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Vietcombank Trung ương. Cụ thể, áp dụng các chương trình giảm lãi suất cho vay kinh doanh tài lộc, chương trình Lãi suất cạnh tranh 2020, An tâm lãi suất 2020, gói lãi suất cạnh tranh doanh nghiệp SME ngay từ ngày đầu tháng 9/2020;
Thứ ba, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân có khó khăn về tài chính do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bùng phát dịch trở lại tại Đà Nẵng từ cuối tháng 7/2020;
Thứ tư, ban hành ưu đãi phí dịch vụ dành cho tổ chức và người lao động lần đầu triển khai thanh toán lương qua ngân hàng; miễn giảm các phí dịch vụ ngân hàng điện tử, phí mở thẻ tín dụng, phí thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán trên các ứng dụng có liên kết với Vietcombank như Shopee, Grab, thẻ AMEX,..;
Thứ năm, tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng ban hành bản sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép cơ cấu nợ không chuyển nhóm nợ đối với các khoản nợ nhận nợ sau ngày 23/1/2020 cho đến ngày Thủ tướng công bố hết dịch để hỗ trợ cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp có khoản vay nhận nợ sau ngày 23/1/2020.
Ngoài ra, tất cả cán bộ Vietcombank tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ bản phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, như bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công cộng, công sở, trường học,..., thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone.
PV: Xin chân thành cám ơn ông.
Thu Hà