Lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia doanh nghiệp công nghệ số 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, không thực hiện thì không phát triển. Nếu đất nước làm được điều này thì phục vụ cho sự phát triển chung.
Hơn nữa, CĐS là xu thế của toàn cầu, không phải mình Việt Nam thực hiện. Vì vậy, đất nước cần có cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình. Chúng ta phải có sự đoàn kết, hợp tác, học hỏi.
Bên cạnh việc tiếp cận toàn cầu, chuyển đổi số ảnh hưởng đến toàn dân, giải quyết tất cả những bức xúc của người dân. Tiếp cận toàn dân là lấy người dân làm trọng tâm, doanh nghiệp phục vụ nhân dân. Tham gia vào quá trình này, người dân - doanh nghiệp là trung tâm.
Đồng thời, mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp. Song hành, người dân và doanh nghiệp cần tham gia quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.
Mặt khác, Thủ tướng cho rằng phải thể hiện tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số. "Dân tộc ta có cái hay là càng khó khăn, phức tạp càng đoàn kết, phấn đấu vươn lên. Đây chính là cơ hội để phát triển", Thủ tướng cho biết.
Trong quá trình chuyển đổi, chúng ta vẫn phải tự lực, tự cường để vươn lên. Nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản, có tính quyết định, bên ngoài là đột phá, bao gồm truyền thống lịch sử văn hóa, phát huy trí tuệ con người Việt Nam.
Nói về nguồn lực bên ngoài, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có quy mô nền kinh tế nhỏ, tài chính ít, nên cần có sự hỗ trợ bên ngoài bằng mọi hình thức.
Chuyển đổi số phải giải quyết nhiệm vụ gì?
Với cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đưa ra chỉ đạo, thứ nhất, CĐS cần thúc đẩy phát triển từ chiều rộng đến chiều sâu, phát triển bền vững kinh tế, đó là vấn đề trọng tâm.
Thứ hai, CĐS phải tham gia vào phòng chống dịch bệnh Covid-19, rộng hơn là phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Thứ ba, CĐS phải phục vụ cho chống BĐKH. Bởi khí hậu hiện nay đang diễn biến rất cực đoan, không thể lường trước được.
Thứ tư, CĐS phải khắc phục được vấn đề cạn kiệt tài nguyên. Phục vụ cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch
Thứ năm, CĐS phải khắc phục được nguy cơ già hoá dân số. Đây là chiến lược quốc gia, hầu hết ở các nước phát triển đều đang gặp phải vấn đề này. Nếu Việt Nam không có đủ tầm nhìn chiến lược cho vấn đề này, sẽ rất dễ rơi vào trạng thái bị động.
Cuối cùng, CĐS phải phục vụ cho cuộc sống của người dân ngày một ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường và thịnh vượng.
Từ đó, Thủ tướng hy vọng các doanh nghiệp, cơ quan, Bộ, ban ngành khi thực hiện quá trình CĐS cần chú ý đến những nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trên.
Tuy nhiên, đã thực hiện thì phải tránh hai khuynh hướng cầu toàn và nóng vội. Thủ tướng cho biết thêm, điều nào chưa rõ thì doanh nghiệp làm thí điểm, rút kinh nghiệm dần.
Song, lãnh đạo vạch ra đường lối, chủ trương, chương trình kế hoạch, lấy thực tiễn làm thước đo, đồng thời nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ các vấn đề thực tiễn.. Nếu thể chế không phù hợp thì cản trở sự phát triển.
Mặt khác, chuyển đổi số cần dựa trên nền tảng sáng tạo, chuyển đổi số là phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, đặc biệt trong các ngành ngân hàng, thuế, hải quan, giáo dục đào tạo.
"Động lực của đổi mới sáng tạo chính từ khó khăn, thách thức, đặt ra các mục tiêu cao hơn. Sáng tạo cũng cần bám sát thực tiễn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáp từ sau đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, “những nỗi đau” này sẽ là động lực cho anh em trong giới công nghệ giải quyết và thông qua đó, giúp Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ông cho rằng, chỉ có hùng cường, thịnh vượng, mới có hoà bình lâu dài. Vì nếu Việt Nam yếu như trong lịch sử, luôn bị xâm lược.
Từ đó, thay mặt những người làm công nghệ, ông xin nhận những nhiệm vụ dùng công nghệ số, giải pháp số, trí tuệ, sự đổi mới sáng tạo Việt Nam để giải quyết những bài toán khó khăn.
“Chúng tôi - những người làm trong lĩnh vực công nghệ số, luôn có niềm tin rằng công nghệ số giải được rất nhiều những bài toán khó tồn tại lâu dài với nhân loại, với Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Ông cũng đưa ra lời cam kết: "Nếu ngày này năm sau Thủ tướng đến diễn đàn, mà không nhìn thấy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, các sản phẩm do những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm ra, giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển, tôi xin phép từ chức".