Từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp trong "hệ sinh tháo" Apec gồm API, IDJ, APS và CSC (mã cổ phiếu có sự tham gia định hướng lãnh đạo công ty) đều tăng phi mã.
Cụ thể, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) tăng 119% kể từ đầu năm tới nay. Chứng khoán APS đưa ra mức định giá cổ phiếu với IDJ là 75.110 đồng/cổ phiếu, nắm giữ tầm nhìn dài hạn với lợi nhuận kỳ vọng 125%. IDJ kết phiên ngày 28/10 ở mức giá 54.400 đồng/cổ phiếu.
Trên sàn niêm yết, cổ phiếu CTCP Tập đoàn Cotana (HNX: CSC) cũng là một trong những cái tên "nóng" với nhịp bứt phá. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh – từng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của API. Sau nhiều lần chia tách, giá CSC liên tục lập đỉnh mới và hiện đang đứng ở mức giá 105.500đ/cổ phiếu vào ngày 28/10, tương ứng tăng 400% kể từ đầu năm 2021.
Công ty Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS) hiện đang nắm lượng lớn cổ phiếu API, IDJ và CSC, những cổ phiếu tiềm năng mang lại lợi nhuận lớn. Giá APS cũng đã tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay với mức tăng 800%, kết phiên 28/10 ở mức giá 34.700đ/cổ phiếu.
Với sự tăng phi mã, phá các đỉnh trong quá khứ, các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi đâu là động lực cho sự bứt phá của các mã cổ phiếu họ nhà Apec?
Động lực tăng trưởng đến từ đâu?
Bộ tứ API – IDJ – APS - CSC gắn với họ nhà APEC đều có sự tương đồng về lợi thế như quỹ đất, chiến lược kinh doanh và đội ngũ ban lãnh đạo. Đây là một trong những nguyên nhân thúc đẩy họ cổ phiếu này đồng loạt tăng trưởng.
Với CSC, doanh nghiệp này gia nhập thị trường bất động sản từ những năm 2000, vốn hóa chỉ 1.600 tỷ đồng nhưng sở hữu quỹ đất cực kỳ lớn. CSC từng là cổ đông lớn của dự án Ecopark với tổng diện tích 499,9ha, dự án Ngũ Hồ với quy mô 485ha hay dự án Eco Garden Huế quy mô 45ha….
Còn API có dự án Apec Royal Park Huế với quy mô 34,7ha, bên cạnh đó là dự án Apec Mandala Wyndham Phú Yên với quy mô hơn 9ha, dự án Apec Aqua Park Bắc Giang, KCN Đa Hội với quy mô 34,5ha… cùng nhiều quỹ đất đắt giá tại Ninh Thuận, Quảng Trị, Lạng Sơn, Thái Nguyên…
IDJ Việt Nam dù lấn sân sang BĐS muộn nhất nhưng cũng sở hữu nhiều dự án như Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Apec Eco City tại Lạng Sơn với diện tích 64,03ha, Apec Diamond Park Lạng Sơn với diện tích 5,5ha, Apec Mandala Wyndham Hải Dương… cùng hàng loạt quỹ đất tại các tỉnh Ninh Thuận, Huế, Bắc Giang, Lạng Sơn hay Hải Dương….
Bên cạnh việc sở hữu quỹ đất lớn, các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" Apec có kết quả kinh doanh khả quan.
Mới đây, CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2021 với doanh thu đạt 624 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 103 tỷ đồng, tăng 1,6 lần.
Riêng quý III/2021, doanh thu API ghi nhận 243 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 58 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,5 lần và xấp xỉ 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021 đã được ĐHĐCĐ thông qua, API đã vượt 4% chỉ tiêu doanh thu và vượt 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.
Còn IDJ đạt 244 tỷ đồng doanh thu quý III và lợi nhuận trước thuế đạt 71 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, IDJ ghi nhận doanh thu 597 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 174 tỷ đồng, lần lượt gấp 1,6 lần doanh thu và 2,3 lần lợi nhuận trước thuế cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, dòng tiền mua trả trước ngắn hạn của doanh nghiệp này đã ghi nhận hơn 1.500 tỷ đồng. Việc IDJ hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của năm 2021 là khả quan.
CSC ghi nhận doanh thu bán niên 143 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4 tỷ đồng. Vốn hóa hiện tại của CSC chỉ 1.600 tỷ đồng nhưng dòng tiền dự kiến thu về giai đoạn tới khi mở bán dự án Eco Garden Huế lên đến 26.000 tỷ.
Dấu ấn người "nhạc trưởng" Đào Ngọc Thanh
Chủ tịch HĐQT của CSC - người đồng sáng lập của Ecopark – ông Đào Ngọc Thanh từng là Phó chủ tịch HĐQT API. Tại CSC hay Ecopark, nếu những thành công của công ty này đều mang đậm dấu ấn của ông Đào Ngọc Thanh thì tại Apec Group, ông Thanh cũng là người đặt nền móng xây dựng và phát triển cho hệ sinh thái Apec Group.
Ông từng chia sẻ triết lý khi phát triển bất động sản: “Không có gì ngạc nhiên nếu như các nhà kinh doanh bất động sản kê cao gối ngủ sau khi đã xây và bán hết nhà. Nhưng ông Thanh nghĩ khác. “Làm vậy thì chẳng khác gì đi buôn.” Trong thâm tâm, cái đích mà ông nhắm đến là mỗi ô cửa sổ của Ecopark đều sáng đèn khi đêm về”.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo các công ty cũng thiết lập mối liên hệ chặt chẽ. Ông Nguyễn Đỗ Lăng – thành viên HĐQT API và IDJ hiện là Phó chủ tịch HĐQT CSC, ông Hán Công Khanh – nguyên chủ tịch API và IDJ cũng là thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của CSC. Ông Phạm Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT IDJ đồng thời là chủ tịch HĐQT APS.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Apec Group cho biết: "Mỗi công ty trong "hệ sinh thái" Apec đều có nét đặc thù riêng nhưng chính sự liên kết bền chặt này mà cả 4 mã cổ phiếu trong họ Apec bổ trợ cho nhau trong hoạt động kinh doanh.
Từ những tư tưởng của ông Đào Ngọc Thanh, thế hệ lãnh đạo kế cận đã tiếp nối thực hiện, các công trình do API và IDJ thực hiện đều trở thành biểu tượng với nét đặc sắc và sáng tạo, mang đậm dấu ấn riêng".
"Đặc biệt, APS – Công ty Chứng khoán duy nhất trong hệ sinh thái đóng vai trò làm nhà cung cấp, tư vấn tài chính, tư vấn chiến lược cả về huy động vốn và quản trị cho nhóm công ty này. Chính APS cũng là người “mai mối” các cuộc “hôn nhân” với quỹ ngoại của họ cổ phiếu Apec, tiêu biểu như Asean Deep Value & Lucern. Không thể phủ nhận nguồn vốn ngoại này đã giúp API và CSC có thêm nguồn lực phát triển nhưng chính nội lực doanh nghiệp mới là yếu tố tiên quyết để hậu ly hôn, cả CSC và API đều tăng trưởng vượt bậc", ông Huy nhấn mạnh.