Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 27/4 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 148.439.419 ca, trong đó 3.132.377 ca tử vong và 126.521.237 ca đã được chữa khỏi.
Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 643.650 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch. Tiếp đến là Ấn Độ, với 5 ngày liên tiếp nước này ghi nhận trên 300.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ là 17.625.735 ca, trong đó có 197.880 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi mọi người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng như cảnh giác, thận trọng phòng dịch. Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh và Pháp thông báo sẽ gửi các thiết bị y tế, máy trợ thở, đồ bảo hộ y tế và nguyên liệu để sản xuất vaccine đến Ấn Độ nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á ngăn chặn đợt bùng phát hiện nay.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 14.369.423 ca và số ca tử vong là 391.936. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 28.636 ca nhiễm mới.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (43.998.618 ca). Với 38.012.711 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 37.483.331 ca và Nam Mỹ với 24.331.179 ca. Châu Phi (4.550.293 ca) và châu Đại Dương (62.566 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ - quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Ngày 26/4, Bộ Y tế Mexico xác nhận thêm 1.653 ca mắc COVID-19 và 93 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.328.391 ca, trong đó 214.947 ca tử vong. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho rằng số người nhiễm thực tế có thể cao hơn đáng kể.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 2.879.677 ca nhiễm, trong đó 62.087 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Tunisia ghi nhận thêm 1.285 ca mắc mới COVID-19 trong ngày hôm qua và 48 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 301.627 ca, trong đó có 10.352 ca tử vong. Hiện Tunisia xếp thứ 3 trong số 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu lục, chỉ sau Nam Phi và Maroc.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.659 ca, trong nhiều ngày qua, nước này không ghi nhận thêm trường hợp tử vong mới, vẫn dừng ở mức 910 ca.
Tại châu Âu, Đức vẫn đang nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh và chưa có kế hoạch nới lỏng các hạn chế phòng dịch cho đến tháng 6. Trong khi đó, dịch bệnh đang có dấu hiệu ổn định ở Hy Lạp là cơ sở để chính phủ nước này mở rộng danh sách các nước được miễn cách ly khi nhập cảnh từ ngày 26/4, trước khi mở cửa ngành du lịch vào ngày 15/5.
Tại châu Á, Đông Nam Á cũng đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng. Tại 3 quốc gia được đánh giá là kiểm soát khá hiệu quả đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi năm ngoái là Lào, Campuchia và Thái Lan, diễn biến dịch bệnh lần này đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống dịch tại khu vực. Cụ thể, ngày 26/4, Lào đã lần đầu ghi nhận số ca mắc mới ở mức 3 con số, Campuchia vượt ngưỡng 10.000 bệnh nhân COVID-19 buộc chính phủ phải gia hạn phong tỏa ở Phnom Penh và Ta Khmao. Thái Lan cũng đã ra lệnh đóng cửa trường học, cơ sở giải trí và phòng tập gym, đồng thời áp mức phạt lên tới 20.000 baht (khoảng 636 USD) đối với trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Trong khi đó, những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch đầu tiên như Indonesia, Malaysia và Philippines cũng chưa thể kiểm soát đà lây lan của virus SARS-CoV-2 khi mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 ở Philipines đã vượt con số 1 triệu, tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng. Tại Indonesia, giới chức y tế vừa phát hiện một biến thể mới bị cho là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở Ấn Độ. Còn tại Malaysia, tất cả các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ sẽ bị tạm dừng kể từ ngày 28/4 tới.
Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam