Động thái quân sự gây chú ý của Nhật Bản

Thứ 6, 28/10/2022 17:25

Việc Nhật Bản muốn mua tên lửa của Mỹ có thể gây ra những tranh cãi, trong bối cảnh Tokyo muốn nâng cấp vũ khí để đối phó với các mối đe dọa gia tăng trong khu vực.

img

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk.

Nhật Bản đang xem xét mua tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ để đối phó với các mối đe dọa gia tăng, bao gồm mối đe dọa từ Triều Tiên, nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản cho biết.

Thỏa thuận mua vũ khí như vậy được coi là một bước ngoặt đáng kể, do quân đội Nhật Bản vốn bị giới hạn ở năng lực phòng vệ, chịu những ràng buộc bởi hiến pháp sau Thế chiến 2.

Yomiuri Shimbun là một trong những tờ báo Nhật Bản đầu tiên đưa tin vào ngày 28/10, về khả năng Tokyo mua các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Tomahawk là tên lửa hành trình tấn công mặt đất có tầm bắn từ 1.000 - 2.500km, phóng từ các tàu chiến trên biển. Theo Yomiuri Shimbun, bán đảo Triều Tiên sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa Tomahawk, tùy vào địa điểm phóng.

Khi được hỏi về thông tin do truyền thông đăng tải, phát ngôn viên hàng đầu chính phủ Nhật Bản, Hirokazu Matsuno nói chính phủ "đang nghiên cứu về khả năng này" và chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Vài giờ sau bình luận của ông Matsuno, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển, quân đội Hàn Quốc cho biết.

Các nguồn tin tình báo phương Tây cho biết, Triều Tiên đang tiến gần hơn đến việc nối lại thử nghiệm hạt nhân. Bình Nhưỡng đã ngừng thử hạt nhân kể từ năm 2017.

Theo báo Nhật Bản, Tokyo cho rằng tên lửa Tomahawk có độ tin cậy cao do quân đội Mỹ đã sử dụng loại vũ khí này trong nhiều cuộc xung đột. Chính phủ Nhật Bản hiện đang làm việc chặt chẽ cùng đảng cầm quyền và chính phủ Mỹ để tiến tới một thỏa thuận.

Động thái mới của Nhật Bản phản ánh nước này đang có sự thay đổi quan điểm mạnh mẽ về an ninh quốc phòng. Tomahawk được xem là vũ khí tấn công tầm xa, trong đó các tàu chiến phóng tên lửa từ vị trí an toàn mà không lo khả năng bị đối phương đáp trả.

Điều thứ 9 trong hiến pháp Nhật Bản nghiên cứu phát động chiến tranh, cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hiện chỉ giới hạn trong các nhiệm vụ phòng thủ.

Mỹ rất hiếm khi bán tên lửa Tomahawk cho nước ngoài. Hiện chỉ có Anh và Đan Mạch sở hữu loại tên lửa này ngoài Mỹ. Theo hiệp ước quân sự AUKUS, Mỹ cũng sẽ cung cấp tên lửa Tomahawk cho Úc.

Nga và Trung Quốc hiện là hai quốc gia sở hữu tên lửa hành trình được cho là có sức mạnh tương đương Tomahawk. Nga sở hữu tên lửa hành trình Kalibr với tầm bắn tối đa 2.500km, trong khi Trung Quốc sở hữu tên lửa hành trình CJ-10, tầm bắn hơn 1.500km.

Đăng Nguyễn - Guardian

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.