Dòng vốn bất động sản quý I/2025: Tín dụng tăng, trái phiếu giảm, FDI bứt tốc

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ 3, 20/05/2025 19:29

Tín dụng bất động sản vượt 1,48 triệu tỷ đồng, FDI vào ngành tăng hơn 44%, trong khi trái phiếu doanh nghiệp vẫn chững lại và áp lực đáo hạn vẫn neo cao trong quý I/2025.

Tín dụng bất động sản vượt 1,48 triệu tỷ đồng, FDI vào ngành tăng mạnh

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản quý I/2025 cho thấy dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt mức 1.488.332 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ 2% so với cuối năm 2024.

Mục tiêu tín dụng toàn hệ thống năm 2025 đặt ở mức tăng trưởng khoảng 16%, tương đương tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng, trong khi vẫn duy trì nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng bất động sản nhằm tránh hình thành "bong bóng" trên thị trường.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai gói tín dụng 145.000 tỷ đồng dành riêng cho lĩnh vực này, đồng thời khuyến khích các ngân hàng mở rộng cho vay với các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp.

Dòng vốn bất động sản quý I/2025: Tín dụng tăng, trái phiếu giảm, FDI bứt tốc- Ảnh 1.

Dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản (nguồn: Bộ Cây dựng).

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quý I/2025 ghi nhận tổng giá trị đạt 25.130 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, phát hành trái phiếu ra công chúng lại tăng 68%, đạt 23.130 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự tham gia của các ngân hàng và công ty chứng khoán. Doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 30,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu mới.

Song ngành này cũng chịu áp lực lớn khi chiếm tới 53,1% tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong năm 2025, với số tiền lên tới 96.527 tỷ đồng, đồng thời dẫn đầu về tỷ trọng mua lại trái phiếu trước hạn với 58,6%, tương đương 11.361 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, trong quý đầu năm có 3 trường hợp chậm trả lãi trái phiếu mới với tổng giá trị 4.854 tỷ đồng, chủ yếu thuộc các lĩnh vực bất động sản và xi măng. Mặc dù phát hành ra công chúng tăng, các doanh nghiệp bất động sản vẫn thận trọng hơn trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu so với các năm trước.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là nguồn lực quan trọng hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.

Đến hết quý I/2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành bất động sản đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư đăng ký với hơn 2,39 tỷ USD, tăng 44,1%.

Các dự án FDI nổi bật gồm tổ hợp sân golf và khách sạn tại Hưng Yên với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và dự án Tháp Phương Trạch tại Hà Nội với vốn đầu tư khoảng 1,55 tỷ USD do liên doanh BRG và Sumitomo thực hiện.

Giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ thị trường

Để duy trì đà tăng trưởng lành mạnh và ổn định thị trường bất động sản, các bộ, ngành và cơ quan trung ương được đề nghị tập trung rà soát và hoàn thiện pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đồng thời tuyên truyền, phổ biến và thực thi nghiêm túc các luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023. 

Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vướng mắc trong đầu tư kinh doanh cũng là nhiệm vụ cấp thiết.

Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội, quy hoạch đô thị và kinh doanh bất động sản, đồng thời phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng. 

Bộ cũng nghiên cứu triển khai chính sách đặc thù cho nhà ở xã hội và đề xuất mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý nhằm nâng cao tính minh bạch thị trường.

Dòng vốn bất động sản quý I/2025: Tín dụng tăng, trái phiếu giảm, FDI bứt tốc- Ảnh 2.

Các bộ, ngành và cơ quan trung ương được đề nghị tập trung rà soát và hoàn thiện pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao nhiệm vụ hỗ trợ địa phương tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến giá đất, bồi thường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đồng thời hoàn thiện pháp luật đất đai liên quan đến tổ chức hành chính 2 cấp. 

Việc lập quy hoạch đất cho các dự án bất động sản và nhà ở xã hội cũng cần được đẩy nhanh và triển khai hiệu quả.

Bộ Tài chính cần nghiên cứu thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội và các định chế tài chính phù hợp, đồng thời đề xuất chính sách thuế nhằm chống đầu cơ bất động sản. 

Bộ cũng cần khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư tư nhân và các kênh huy động vốn dài hạn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo hoạt động tín dụng thông suốt, phối hợp chặt chẽ để giải quyết vướng mắc tín dụng dự án bất động sản, đồng thời thúc đẩy chương trình tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. 

Việc rà soát, cơ cấu lại nợ dự án bất động sản sẽ được thực hiện chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn tài chính cho hệ thống.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.