Trên công trường thi công cầu Lại Xuân vượt sông Đá Bạch (còn được người dân địa phương gọi là sông Đá Bạc) nối huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng với thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, những ngày này, nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục phục vụ cho lễ hợp long dự kiến trong tháng 8/2024.
Dự kiến khi đưa vào sử dụng cuối năm 2024, cầu Lại Xuân sẽ trở thành cây cầu thứ 4 kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh sau 3 cây cầu Đá Bạc, Bạch Đằng và Bến Rừng. Trong đó, cầu Bến Rừng có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng mới được đưa vào sử dụng từ 0h ngày 18/7/2024.
Trước đó, để góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày 12/8/2021, HĐND Tp.Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352.
Ngày 13/7/2022, UBND Tp.Hải Phòng ra Quyết định số 2272/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352. Dự án được chính thức khởi công ngày 2/2/2023.
Trong đó, hạng mục đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và tuyến đường dẫn 2 phía đầu cầu có tổng số vốn đầu tư gần 520 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Tp.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh (chi phí giải phóng mặt bằng).
Hạng mục cầu Lại Xuân vượt sông Đá Bạch có kết cấu bê tông cốt thép và bê thông cốt thép dự ứng lực có chiều dài hơn 840 m, cầu chính và cầu dẫn rộng 12 m. Trong đó, cầu chính gồm 4 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng với sơ đồ (72+2x120+72)m. Cầu dẫn gồm 11 nhịp dầm super T dài 38,2m. Đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài gần 1,6 m.
Theo thông tin từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng (đại diện chủ đầu tư), đến tháng 7/2024, nhà thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu 75 - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 mới hoàn thành hơn 60% khối lượng công việc so với giá trị hợp đồng (315/518,8 tỷ đồng). Trong đó, hoàn thành 104/130 cọc khoan nhồi, đang thi công tại 11/16 vị trí mố, trụ và dầm đúc hẫng, đúc dầm super T.
Theo kế hoạch, tháng 8/2024, hợp long cầu Lại Xuân và cuối năm 2024, đưa cầu vào sử dụng. Với tiến độ hiện tại, người dân 2 địa phương đầu cầu băn khoăn, lo ngại, cây cầu thứ 4 nối Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ không "về đích" đúng hẹn.
Trao đổi với Người Đưa Tin về băn khoăn, lo ngại nêu trên, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng thông tin, khó khăn, vướng mắc trong thi công cầu Lại Xuân và đường dẫn hai đầu cầu chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Tính đến tháng 7/2024, bên phía Tp.Hải Phòng, các hạng mục: Đường dẫn đầu cầu (Km13+200 đến Km13+995); Cống hộp dọc (80 cọc 40x40); Mố M1 (4 cọc D1200); Trụ T1 (5 cọc D1200) và trụ T2 (5 cọc D1200), chưa có mặt bằng để thi công.
Phía tỉnh Quảng Ninh, các hạng mục: Công trường, trạm trộn; Đường dẫn đầu cầu (Km14+884 đến Km15+400); Trụ T11 (6 cọc D1200); Trụ T12 (6 cọc D1200), hiện chưa có mặt bằng để tổ chức thi công.
Thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng, không giãn, hoãn tiến độ dự án, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng kiến nghị Tp.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Trong đó, phía Tp.Hải Phòng, đề nghị Sở Giao thông - Vận tải Thành phố sớm thẩm định dự án điều chỉnh, trình UBND Thành phố phê duyệt để thu hồi 1,9 ha đất bổ sung cho Trại giam Xuân Nguyên. Đây là điều kiện để thu hồi gần 1 ha đất của Trại giam Xuân Nguyên.
Phía tỉnh Quảng Ninh, hiện tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn thị xã Đông Triều bị chậm hơn 4 tháng so với kế hoạch. Trước thực trạng này, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng đề nghị UBND thị xã Đông Triều sớm hoàn thành các thủ tục thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để triển khai thi công toàn bộ các hạng mục công trình trên địa bàn.
Như vậy, nếu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng không được sớm tháo gỡ, giải quyết, Dự án đầu tư xây dưng cầu Lại Xuân khó "về đích" đúng hẹn bởi từ nay đến hết năm 2024, chỉ còn hơn 5 tháng. Điều này đỏi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng giữa 2 địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh.
Trước đó, cầu Bến Rừng 2 lần "lỡ hẹn" ngày đưa vào sử dụng do cầu chính, đường dẫn bên phía Tp.Hải Phòng đã hoàn thành nhưng đường dẫn bên phía tỉnh Quảng Ninh còn dang dở.