Theo kết quả khảo sát, có 14,4% đánh bạc là vì cảm thấy vui hơn, hơn 40% cho hay dư âm những lần thắng - thua khiến họ muốn tiếp tục chơi để gỡ gạc. 1/2 số du học sinh tại Úc tham gia cuộc khảo sát vướng vào bài bạc dù trước đó họ chưa từng đánh bạc ở nước mình.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong tổng số sinh viên quốc tế đánh bạc, đặc biệt là nam sinh viên.
Giáo sư Sudhir Kale, Đại học Bond, bang Queensland, một thành viên tham gia vào cuộc nghiên cứu cho hay, sinh viên Trung Quốc tin rằng đánh bạc phụ thuộc vào kỹ năng và sự may mắn và nếu chơi nhiều lần theo một trình tự nhất định thì sẽ biến thua thành thắng. Ngoài ra, những kỷ niệm của họ với gia đình khi mọi người quây quần bên nhau cùng chơi bài mạt chược cũng phần nào ảnh hưởng đến hành vi của họ khi trưởng thành.
Bản báo cáo trên chỉ nhắc đến sinh viên Châu Á nói chung mà không đề cập đến các sinh viên người Việt Nam. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ một số du học sinh, cũng có một vài sinh viên Việt Nam lâm vào tình trạng nghiện bài bạc nhưng con số này rất ít ỏi. Anh Minh, cựu sinh viên đại học Swinburne, hiện đang sống và làm việc tại Melbourne cho biết, một vài người bạn của anh thường đến sòng bạc hay tham gia các cuộc cá cược thể thao nhưng chưa có ai chơi đến 1000 đô la trở lên.
Một trong những lý do chính lôi kéo sinh viên vào sòng bạc là do họ cảm thấy cô đơn. (Ảnh: ABC)
Bà Ina Tan, một nhân viên tư vấn của tổ chức Gamblers Help Eastern cho hay, một trong những lý do chính lôi kéo sinh viên quốc tế đến sòng bạc là do họ cảm thấy cô đơn.
“Ban đầu, các sinh viên chỉ đến sòng bạc cho vui. Đến đó, họ gặp gỡ nhiều người và có thể kết bạn mà không cảm thấy mình bị cô lập. Tuy nhiên, khi điều này lặp đi lặp lại nhiều lần thì nó trở thành vấn đề nghiêm trọng”, bà Ina Tan nói.
Bà Ina Tan cho biết nhiều du học sinh tại Úc có sẵn nhiền tiền mặt để trang trải học phí và sinh hoạt phí khiến họ dễ lao vào những thú vui tốn kém, đặc biệt là khi không có sự kèm cặp của gia đình.
Bà Wesa Chau, người sáng lập tổ chức Sinh viên Quốc tế tại Úc cho rằng các trường đại học và chính phủ Úc cũng nên gánh vác trách nhiệm trong vấn đề này. Theo đó, trường học có thể cung cấp các thông tin cần thiết, trong khi chính phủ cần vạch ra một chiến lược hành động cụ thể trên phạm vi toàn quốc gia.
Tùng Lâm (Theo Radio Australia )