Hôm kia, tôi nhận được lời mời ăn trưa của một giám đốc doanh nghiệp. Lý do rất đơn giản, anh ấy gặp tôi ở phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất đi Sigapore từ hồi nào. Hôm ấy, anh chứng kiến tôi góp ý với anh nhân viên an ninh cửa khẩu khi anh này “tiễn khách” với bộ mặt hết sức đáng... góp ý. Vào phòng chờ, anh giám đốc chủ động bắt chuyện và bảo em thường xuyên đi nước ngoài, toàn gặp cảnh này, nhưng hôm nay mới thấy bác góp ý. Chúng tôi quen nhau từ đấy.
Đến cuộc ăn trưa, tôi kể lúc về cũng phải... góp ý. Cháu nữ nhân viên an ninh trẻ và xinh nhưng lạnh lùng. Tôi lại phải nói: Cháu ơi cháu xinh thế, cười "phát" đi, cứ coi như chú là khách quốc tế vào Việt Nam đi, chúng ta hân hoan chào đón họ.
Ăn xong về, gặp ngay bài viết của nhà văn Quyên Gavoye. Bạn này là nhà văn người Pháp gốc Việt đang sống ở Paris, vừa đưa chồng (người Pháp) và con về thăm quê. Ở Pháp, bạn này là cầu nối với quê hương, với Việt Nam thông qua việc làm của mình (thư viện) và những bài viết, truyện ngắn, ca ngợi Việt Nam, ca ngợi quê hương. Tuy nhiên, lần này về quê, vừa qua cửa khẩu, bạn ấy đã phải viết, đại ý thế này:
“Tôi còn nhớ khi xưa bà tôi thường dạy rằng khách đến nhà thì phải niềm nở mới mong khách quay lại những lần tiếp theo. Và tôi cứ vô tư nghĩ rằng đó là văn hoá chung của chúng ta. Tuy nhiên sau hai lần nhập cảnh, tôi nghiệm ra rằng, hình như lời dạy của bà tôi đã thành lời thiên cổ như chính bà.
Lần thứ nhất là vào cuối tháng 10 năm trước, chuyến bay của tôi hạ cánh lúc 7h sáng nhưng phải đến 8h15 tôi mới được làm thủ tục nhập cảnh. Lý do ư? Chả có lý do nào hết. Trong khi các nước làm thủ tục nhập cảnh chỉ 10 giây một người thì riêng cửa khẩu Tân Sơn Nhất làm 5 phút một người.
Tại sao?
Chả có lý do nào hợp lý để giải thích cho sự chậm trễ nơi cửa khẩu.....Và họ còn mải hoạnh họe tôi, khi tôi nhập cảnh bằng hộ chiếu Pháp và không xin visa dù họ nắm chắc luật chúng tôi được miễn thị thực nếu chỉ ở lại Việt Nam dưới 15 ngày... ôi thôi vân vân và mây mây những lý do.
Nhưng câu chuyện nhập cảnh không chỉ dừng ở sự trễ nải của thái độ làm việc. Cũng lần đó tôi rút ra bài học thêm về sự nhũng nhiễu của một số cán bộ cửa khẩu. Khi làm thủ tục nối chuyến về Hà Nội, hành lý của tôi bị chặn lại với lý do: Chị mang quá số mỹ phẩm được cho phép! Dù đã giải thích rằng tôi mang đúng số lượng cho phép thì hai cán bộ soi hành lý vẫn yêu cầu tôi nộp thuế với lý do: Chị ra chỗ kia nộp tiền, nó có đáng bao nhiêu đâu rồi còn đi cho kịp chuyến bay. Nhưng họ không thể lường trước được phản ứng của tôi. Trước tất cả mọi người tôi mở tung vali để chứng minh cho họ thấy...Rất nhanh họ tự tay đóng hành lý của tôi kèm lời xin lỗi và để tôi đi. Mất thêm 15 phút giằng co...
Và chuyến đi lần này.
Chuyến bay của tôi hạ cánh lúc 7h45 và phải hơn 9h chúng tôi mới làm xong thủ tục nhập cảnh dù trước chúng tôi chỉ có khoảng 15 người xếp hàng. Khi làm thủ tục, cậu công an (tôi gọi là cậu vì cậu ta có khuôn mặt khá trẻ chỉ tầm dưới 30 tuổi) trả lời cho câu hỏi của tôi về việc miễn thị thực 45 ngày cho người mang hộ chiếu Pháp vào Việt Nam bằng cái phẩy tay, không biết...
Chả nhẽ đây là câu trả lời có thể chấp nhận được của người chịu trách nhiệm đón tiếp khách đến nhà?
Và tất nhiên chẳng ai là không nhận ra sự mến khách của họ. Ở chỗ nhận hành lý, một người khách Pháp hỏi tôi: Có phải những người đó đang cố tình thể hiện cái oai của việc họ đang làm công việc cho phép họ được nhìn vào giấy tờ cá nhân của người khác hay họ lười biếng và thiếu suy nghĩ? Bản thân tôi chỉ biết gật đầu và nói với họ rằng cả hai giả thiết của ông ta rất có khả năng đều đúng....Chúng ta đang làm gì với ngành du lịch của nước nhà?”
Thực ra, tôi đã biên tập cắt bớt một số từ chỉ “cảm xúc” của cô nhà văn gốc Việt rất yêu quê hương này. Và nói luôn, việc của cô nhà văn này không phải là cá biệt. Báo chí trước đấy cũng nêu mấy việc khá “đình đám”.
Chúng ta đang muốn phát triển du lịch, muốn nâng du lịch thành mũi nhọn để thu tiền, đặc biệt là ngoại tệ để xây dựng đất nước. Muốn thế chỉ mỗi ngành du lịch không làm được, chỉ mình địa phương nào đấy cũng không làm được, mà phải đồng bộ, trong đấy, nơi bắt đầu chính là ở... cửa khẩu, chỗ những người Việt đầu tiên mà khách du lịch nước ngoài tiếp xúc, chúng ta gọi cho sang là sứ giả Việt Nam.
Nước ngoài, xây cái thủy điện, tư nhân thôi, người ta cũng chú ý tới du lịch, có khu cho khách tới tham quan, check in, họ chủ động thiết kế từ đầu. Công nhân của họ, đang làm việc nhưng có khách là cúi đầu chào, chí ít là nhoẻn cười, rất thân thiện.
Còn ta, cứ làm thủ tục ở sân bay thì biết.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.