Du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ và mục tiêu những tháng cuối năm

Du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ và mục tiêu những tháng cuối năm

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Chủ nhật, 21/08/2022 07:00

Ngành du lịch Thủ đô tiếp tục hồi phục mạnh mẽ với lượng khách ước đạt 1,76 triệu lượt trong tháng 8/2022.

Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong nửa đầu tháng 8, ngành du lịch Hà Nội đã đón 1,76 triệu lượt du khách, trong đó lượng khách nội địa đạt 1,6 triệu lượt; khách quốc tế khoảng 156.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4,03 nghìn tỷ đồng.

Tính tổng 8 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 12,38 triệu lượt du khách, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 582.000 lượt, khách nội địa ước đạt 11,8 triệu lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. 

Về hoạt động lưu trú, trong tháng 8/2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 40,8%, giảm 0,9% so với tháng 7/2022 và tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính 8 tháng của năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt 32,9%, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 9 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan, mua sắm.

Kinh tế vĩ mô - Du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ và mục tiêu những tháng cuối năm

Khách du lịch quốc tế tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2022. Ảnh: Kinh tế đô thị. 

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục chỉ đạo các công ty lữ hành, điểm đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào những thế mạnh của Tp.Hà Nội như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE. Tổ chức chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố, khảo sát sản phẩm du lịch các địa phương.

“Ngành du lịch Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp, địa phương phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá; Khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh - Sóc Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ”, bà Đặng Hương Giang nêu rõ.

Phát huy vai trò trung tâm kết nối của Thủ đô 

Tại hội nghị “Sơ kết Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm, triển khai chương trình 6 tháng cuối năm 2022” tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, các đại biểu đều nhất trí trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cần phát huy vai trò trung tâm kết nối để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô.

Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết, với mong muốn du lịch của Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình, Hà Nội cần tập trung kết nối lại thị trường, hướng tới các thị trường đã thiết lập lại đường bay trực tiếp, đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương sau dịch Covid-19.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm kết nối với các tỉnh thành của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, từ đó thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.

Kinh tế vĩ mô - Du lịch Hà Nội phục hồi mạnh mẽ và mục tiêu những tháng cuối năm (Hình 2).

Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nhân Dân. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh kiến nghị, thời gian tới Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở thêm điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền tại các quận, huyện; trở thành đầu mối kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội, qua đó tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, nội địa hóa sản phẩm, đẩy mạnh các hoạt động giao thương trên môi trường số, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hài hòa giữa truyền thống và điện tử.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị, thời gian tới Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tiếp tục tham mưu cho thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phục hồi, tăng trưởng của các doanh nghiệp; chủ động rà soát lại các hoạt động trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai có chiều sâu, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, du lịch, nông nghiệp…

Hiện Hà Nội đang thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư… Vì vậy thời gian tới Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cần tăng cường kết nối với các bộ, ngành trung ương, các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Xác định thị trường nội địa là động lực quan trọng 

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội xác định mục tiêu trong những tháng cuối năm là tiếp tục các hoạt động hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và kết nối đầu tư. Đặc biệt, tiếp tục xác định thị trường nội địa là động lực quan trọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tập trung tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nông nghiệp tại thị trường trong nước.

Trung tâm cũng xác định cần đa dạng các hoạt động xúc tiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động xúc tiến: thương mại điện tử, xúc tiến trực tuyến...

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cho công tác xúc tiến; tăng cường kết nối với các Hiệp hội trong và ngoài nước, các Đại sứ quán, Thương vụ, Tham tán thương mại nhằm cung cấp thông tin, tìm hiểu, khai thác những đối tác tiềm năng trong các hoạt động xúc tiến; tăng cường nhận diện thương hiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các nền tảng số.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch lớn trong nước, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn; phối hợp tổ chức và tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế ở trong nước; đón các đoàn lữ hành, báo chí quốc tế.

Hương Anh (T/H)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.