Du lịch sau đại dịch: Làm mới để "sống lại"

Du lịch sau đại dịch: Làm mới để "sống lại"

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 2, 29/08/2022 07:00

Sau hơn 6 tháng du lịch hoàn toàn mở cửa, đến nay khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 4,5 lần, ngành kinh tế mũi nhọn đang dần trở lại được vị trí của mình.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng du lịch với hơn 40.000 di tích và thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Tính đến nay, Việt Nam đã có tám di sản được UNESCO công nhận gồm di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế, thành nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long. Văn hóa và ẩm thực chính là hai trong các tiềm năng du lịch Việt Nam nhất định cần được giữ gìn và phát triển.

Trước khi đại dịch xảy ra, theo Tổng cục Du lịch năm 2019, Việt Nam phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%).

Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 16,2% so với năm 2018, trong đó, khách đến bằng đường hàng không tăng 15,2%; bằng đường bộ tăng 20,4%; bằng đường biển tăng 22,7%.

Có thể thấy rằng, tiềm năng du lịch Việt Nam rất phong phú và đa dạng, là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch.

Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do mà du lịch nước ta chưa được khai thác triệt để nên cần có những hướng đi hiệu quả hơn nữa, chưa có thương hiệu du lịch để lan tỏa mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế.

Chính sách - Du lịch sau đại dịch: Làm mới để 'sống lại'

Nhiều tiềm năng du lịch Việt Nam đang bị bỏ ngỏ.

Dễ dàng ngủ quên trên chiến thắng

Thực tế cho thấy, nhiều nơi khởi điểm bằng nhiều tài nguyên thiên nhiên, có di tích đồ sộ, nhiều người biết đến nhưng không tận dụng, làm du lịch theo kiểu có sẵn.

Là địa phương có những sản phẩm du lịch riêng biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được biết đến với những di sản, câu chuyện lịch sử, phản ánh câu chuyện văn hóa của Việt Nam.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết ngay trong 7/2022 địa phương này đã đón gần 250.000 lượt khách, trong đó có gần 20.000 lượt khách quốc tế. Đối với khách nội địa, sau khi mở cửa trở lại Huế cũng là địa điểm được nhiều bạn trẻ quan tâm và lựa chọn ghé thăm.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của bạn Huyền Trang (Ba Đình, Hà Nội), không có quá nhiều thay đổi sau gần 10 năm quay trở lại nơi đây.

“Chọn quay trở lại Huế lần thứ 2 vì đây có không khí yên bình và ẩm thực phong phú, nhưng vì các điểm du lịch ở đây cách khá xa nên tôi chỉ đi thăm quan những địa điểm nổi tiếng”.

Chuyến đi trong vòng 4 ngày đủ để có thể trải nghiệm các địa danh như Cung đình Huế, Đại Nội, lăng Khải Định, cung An Định.

Mặc dù vậy, bạn Huyền Trang nhận thấy không có nhiều sự thay đổi, làm mới mình của các khu du tích.

“Mọi thứ đều giống như trước kia, sau khi mua vé, khách sẽ được tự do thăm quan, và có thể thuê hướng dẫn để nghe thuyết minh. Điều này khiến tôi khá bất ngờ, bởi sau nhiều năm nếu muốn khách du lịch quay lại cần có những điểm mới, sự sáng tạo.

Nhưng các di tích trưng bày hiện vật vẫn rất sơ sài, không có những phát hiện mới. Điều gây ấn tượng trong chuyến đi là hành trình thuê xe máy 30 km đến thăm làng, khu xóm nhỏ của người dân địa phương”, bạn Trang bày tỏ.

Chính sách - Du lịch sau đại dịch: Làm mới để 'sống lại' (Hình 2).

Lượng khách ít ỏi tại Hoàng thành Thăng Long.

Việc chưa khai thác triệt để tiềm năng diễn ra ở nhiều địa phương. Cũng là số ít nơi “sở hữu” các di tích cung đình, Hoàng thành Thăng Long là điểm đến nổi bật của Thủ đô Hà Nội.

Để làm mới mình Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cũng đã nhanh chóng cho ra mắt tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" nhằm đưa đến trải nghiệm mới cho du khách.

Tại khu vực này cũng đã tìm thấy vô số đồ dùng, vật dụng của Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại, nhiều đồ sứ quý hiếm dành riêng cho nhà vua và vương hậu. Với những cổ vật được tìm cũng được trưng bày theo các triều đại để thuận tiện cho khách thăm quan.

Tuy vậy, trong tháng cao điểm du lịch lượng khách đến vẫn khá lẻ tẻ, chủ yếu chỉ tập trung vào những ngày lễ lớn, ngày hội, chưa có những sản phẩm nổi trội tạo thành được xu hướng khiến du khách quay trở lại. Có thể thấy, hình ảnh Cung đình, đền chùa của Việt Nam chưa thể ghi lại dấu ấn giống như các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Chính sách - Du lịch sau đại dịch: Làm mới để 'sống lại' (Hình 3).

Nhiều xu hướng du lịch mới hậu đại dịch.

Làm mới để sống lại

Ở chiều ngược lại, nhiều khu di tích đã nhanh chóng tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, làm mới mình trên những chất liệu có sẵn, nhằm “kéo” gần hơn đến với công chúng.

Nếu như trước đây di tích Nhà tù Hoả Lò không phải là sự lựa chọn hàng đầu khi đến với Hà Nội, nhưng nhờ sử dụng truyền thông phù hợp mà địa điểm này trở thành xu hướng thăm quan đối với các bạn trẻ.

Nhà tù Hỏa Lò được biết đến là “địa ngục trần gian” ngay giữa lòng Hà Nội, được người Pháp xây dựng năm 1896, từng là nơi giam cầm hàng ngàn chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng của Việt Nam.

Thời gian gần đây, nơi đây đón nhận được sự ủng hộ và quan tâm của nhiều đối tượng du khách với mong muốn được tìm hiểu lịch sử và hiểu hơn một thời quá khứ vẻ vang của dân tộc.

Dễ dàng có thể nhận thấy, ngoài Facebook ban quản lý của di tích còn chú trọng phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram, Spotify… đưa đến cho du khách các câu chuyện gắn liền với nhân vật lịch sử.

Chính sách - Du lịch sau đại dịch: Làm mới để 'sống lại' (Hình 4).

Hỏa Lò thu hút nhiều bạn trẻ đến thăm quan

Từ năm 2019, Hoả Lò đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động để phục vụ du khách. Với thiết bị này, du khách có thể tự trải nghiệm 35 câu chuyện lịch sử theo cách riêng của mình.

Các thông tin liên quan đến hiện vật đều được truyền tải qua chính lời kể của những người tù chính trị về cuộc sống khó khăn trong tù, tình đồng chí, đồng đội hay lần vượt ngục nguy hiểm…

Xúc động với những hình ảnh ở đây, chia sẻ với Người Đưa tin, cô Nguyễn Thị Nghị (Ba Vì, Hà Nội) bày tỏ: “Đưa gia đình đến đây tôi muốn cho các con, cháu hiểu được cuộc sống hòa bình mình được hưởng thụ là nhờ đâu và biết ơn những người đi trước”.

Du khách này cũng đánh giá việc lưu giữ các di tích là rất quan trọng, đây là những hình ảnh trực quan nhất để các thế hệ sau hiểu được những năm tháng lịch sử của dân tộc.

Nhiều bạn trẻ cũng lựa chọn Hỏa Lò là nơi thăm quan vào dịp cuối tuần, bạn Minh Trang (Hà Nội) cho biết: “Tìm hiểu lịch sử qua các hiện vật, câu chuyện sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn là trên sách vở. Người trẻ thông thờ ơ với lịch sử mà các khu di tích cần có nhiều sự thay đổi trong cách thu hút du khách”.

Chính sách - Du lịch sau đại dịch: Làm mới để 'sống lại' (Hình 5).

Các khu du tích hiện nay còn thiếu sáng tạo.

Không bó hẹp trải nghiệm của du khách

Trở mình sau đại dịch không chỉ diễn ra nhỏ lẻ ở từng doanh nghiệp, ở cấp độ cao hơn, nhiều nơi đã mang lại cho du khách những hình ảnh mới. Điển hình trong số đó là Hải Phòng, một trong số ít địa phương trên cả nước hội tụ đủ 5 loại hình giao thông đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không được kết nối đồng bộ, thông suốt.

Đây là địa phương có lợi thế rất lớn về du lịch biển đảo ở khu vực phía Bắc. Ngoài Đồ Sơn, Cát Bà đang là điểm du lịch nổi tiếng được du khách biết đến. Nhưng ngoài thế mạnh vốn có, thời gian gần đây Hải Phòng cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, tạo thành trào lưu trong cộng đồng khách du lịch.

Nói về việc tối ưu hóa tiềm năng, tránh việc là du lịch kiểu “mỳ ăn liền” trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du Lịch Hải Phòng cho biết: “Câu chuyện du lịch một lần không chỉ diễn ra ở một địa phương mà ở đâu cũng gặp phải. Điều này là thách thức với cơ quan quản lý và cơ sở kinh doanh làm sao có thể thu hút du khách quay trở lại. Để giải quyết vấn đề này cần có thời gian dài và đã được quan tâm từ sớm”.

Bằng cách đổi mới sản phẩm du lịch sẽ giúp tạo húng thú, tò mò để khách quay trở lại, “Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đang được đặt ra là một trong những nhiệm vụ trong tâm của các địa phương, Các Sở du lịch cùng với doanh nghiệp cần điều tra, khảo sát về tài nguyên du lịch, ý muốn của du khách để thiết kế các sản phẩm du lịch”, ông Thưởng đánh giá.

Chính sách - Du lịch sau đại dịch: Làm mới để 'sống lại' (Hình 6).

Hiện nay du khách có xu hướng đi du lịch trải nghiệm.

Thực tế hiện nay, đến Hải phòng không chỉ có mùa hè, mà giờ còn có mùa đông, ngoài biển sẽ có những loại hình vui chơi giải trí, food tour.

Ngoài ra, theo ông Thưởng việc phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức các lớp bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho đội ngũ nhân lực trong ngành du lịch cũng rất quan trọng, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng dịch vụ, cung cấp. Về lâu dài, mỗi người dân sẽ là sứ giả du lịch, tạo không khí thân thiện với mỗi du khách.

Thời gian qua, Hải Phòng đã làm mới mình khi xây dựng nhiều trải nghiệm mới cho du khách. Nổi bật nhất là xu hướng “Food tour Hải Phòng” nhằm hướng tới những người trẻ, phân khúc nghỉ dưỡng dành cho những khách hàng cao cấp.

Chính sách - Du lịch sau đại dịch: Làm mới để 'sống lại' (Hình 7).

Cần nhiều thay đổi để thu hút khách du lịch.

Địa phương này cũng xây dựng những sản phẩm phù hợp với đối tượng khác nhau bằng cách kết hợp xu hướng, cung cấp thông tin, dịch vụ đi kèm phải có sự thay đổi cho phù hợp với nhu cầu du khách để họ hài lòng trong trải nghiệm.

Sau hai năm đóng cửa, đây là thời điểm vàng để các địa phương thay đổi, quay trở lại với đường đua. Du lịch nội địa vẫn đang là thị trường trọng điểm ngành khi đặt mục tiêu năm 2022, đón 65 triệu lượt khách, trong đó 60 triệu lượt khách trong nước và 5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu mang lại 400.000 tỷ đồng.

Việc tìm hiểu và thúc đẩy nhu cầu du lịch trong nước nhằm bù đắp phần nào những thiệt hại về doanh thu cho ngành cũng như làm đòn bẩy để khởi động lại hoạt động du lịch đã bị đóng băng kéo dài.

Minh Uyên – Hoa Trà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.