Không phải nơi nào cũng có thể trồng trà. Có loại trà trồng để làm chè khô, có loại để uống tươi. Nghệ An, Thanh Hóa là vùng chè uống tươi nổi tiếng, còn để làm chè khô, dân dã hay gọi là trà, thì cả nước chỉ có mấy vùng, phía Bắc có Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, và đặc biệt là Thái Nguyên. Cái câu "trà Thái gái Tuyên" nói lên điều ấy. Tây Nguyên có Lâm Đồng, cụ thể là Bảo Lộc và Gia Lai.
Nguyên thủy, Gia Lai là vùng đất ba zan tương đối màu mỡ, nền khí hậu trên độ cao trung bình hơn 600 mét so với mực nước biển là điều kiện thuận lợi để cây chè sinh trưởng và phát triển. Tất cả các vùng chè đều thích hợp với độ cao và phải lấy độ cao làm tiêu chí.
Vì thế, từ những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã mang cây chè đến Gia Lai. Theo sử sách, năm 1921, người Pháp lập ra đồn điền chè Biển Hồ (TP Pleiku), rồi sau đó là các đồn điền chè Bàu Cạn (với thương hiệu CATEKA), Ia Pêt (SAPKO), Đak Đoa,… Theo thống kê, trên địa bàn Gia Lai đương có tổng diện tích chè là 1.154 ha.
Ngày xưa, trà xanh Bàu Cạn và Biển Hồ khá được ưa chuộng ở trong tỉnh và một số vùng lân cận. Trước năm 1975, thống trị thị trường phía Nam là nhãn hiệu trà B’lao (Bảo Lộc, Lâm Đồng), sau 75, trà Bàu Cạn vươn lên chiếm một phần thị trường của B’lao. Nhưng rồi sau đó, trà Thái Nguyên tràn vào thì đến ngay trà B’lao nổi tiếng cũng... nhường chỗ, và rất nhanh, nó nhảy sang thị trường mới, làm trà Ô Long, loại trà ngày càng phổ biến. Và trà Bàu Cạn, Biển Hồ cũng thế.
Nhưng nó còn một công dụng rất lớn, phù hợp với sự phát triển hiện tại, ấy là tham gia vào đời sống du lịch.
Trà Gia Lai "bỗng nhiên nổi tiếng" là vì thế.
Đấy là những cánh đồng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đều tăm tắp ngang thắt lưng người, nhìn xa ngút mắt, xanh rờn trong nắng, dưới mây và gió. Nam thanh nữ tú, mà chả nam thanh nữ tú, các bà các cô váy áo xúng xính, có nhóm mang theo cả bạt quây để thay đồ, chụp ảnh.
Chưa hết, phụ họa với nó là con đường thông cổ thụ, đẹp như phong cảnh Châu Âu. Nói luôn, Gia Lai từng có rất nhiều thông như thế, nhưng rồi do nhiều lý do, có những lý do rất ất ơ, ấu trĩ và buồn cười, chúng lần lượt biến mất.
Có lẽ nhờ thế mà cái hàng thông này giờ đâm ra nổi tiếng (vì hiếm) chăng? Cái con đường thông ở Biển Hồ trà ấy, nó là địa chỉ không thể không đến với khách du lịch tới Gia Lai hoặc qua Gia Lai (cả đường không và đường bộ). Mà không chỉ khách du lịch nơi khác, ngay dân Gia Lai cũng nườm nượp tới để check in.
Và rất nhanh, những quán cà phê, giải khát cũng được mở phục vụ du khách, trong đó họ thiết kết nhiều nơi chụp ảnh rất bắt mắt, như đường lên... trời, xe bus cà phê, xích đu, bàn ghế bằng lốp xe vân vân...
Cũng nhớ năm nào đấy, tôi được một nhóm bạn vời đi... Bàu Cạn. Bàu Cạn thì lạ gì, từ năm 1981 là năm tôi tốt nghiệp đại học lên nhận công tác ở Pleiku, ngàn thì chả tới, nhưng dăm trăm lượt qua về, ghé lại, là có. Nên tôi từ chối. Nhưng té ra giờ nó khác thời tôi đã lội. Ấy là đương mùa hoa vàng, có thêm một sắc vàng mê mải ở đây.
Nó không phải gốc của Gia Lai như nắng, cũng không thuở nao thuở nào như dã quỳ, mà mới xuất hiện gần đây. Nó là từ những cây muồng được nông trường trồng để chắn gió cho cây chè.
Giờ tới tuổi thì nó nở hoa, đồng loạt nở, nên nó mới tạo ra cả một thảm vàng ở lưng chừng trời.
Chả hiểu sao, cái hoa muồng vàng ấy, nó lại chọn đỉnh thu Gia Lai để nở.
Tây Nguyên không rõ rệt 4 mùa thời tiết xuân hạ thu đông như phía bắc, mà nó đậm 2 mùa cơ học là mưa và nắng. Thời xưa, chưa biến đổi khí hậu thì có những giai đoạn người ta nhận ra có tới 4 mùa trong một ngày căn cứ vào biên độ nhiệt. Cũng phải tinh tế lắm mới nhận ra. Nhưng giờ, nó rạch ròi ra, nó tơ hơ tênh hểnh ra, cái gì ra cái nấy, nóng ra nóng, lạnh ra lạnh, thứ nào cũng bộc lộ tới tận cùng "thế mạnh" của mình nên cái khoảng giao nhau mong manh trong ngày nó không còn nữa.
Và may mắn thay, cái mùa thu tưởng như nhạt nhòa ở Tây Nguyên kia nó lại có cái màu vàng mê dại của hoa muồng phụ họa, khiến cho, thu như đậm hơn, nồng nã hơn, sang trọng hơn, quấn quýt vân vi hơn, và cũng bí ẩn hơn, khát khao hơn.
Thế nên giờ ở đây, Gia Lai ấy, có cái chỗ mà hoa cứ rực vàng lên như thế trong những ngày chính thu, lại chả đáng đến mà ngắm ư. Lẻ tẻ từng cây, từng khóm từng cụm thì ta đã từng, nhưng mênh mông vàng, mê mải miên man đồng loạt vàng như những ngày thu ở vùng trà Bàu Cạn, lại có cái hồ nước rất đẹp, rất... leo lẻo không gợn sóng nữa, thì nó quá xứng đáng là một điểm đến để mà ngắm, mà thỏa ý thích, mà lâng lâng mà tưởng tượng. Mà không gian ở đấy lại thoáng đãng, nó cho con người vượt lên cái tù túng ngày thường mà phấn khích.
Thì trà xanh, hoa vàng, mây trắng, người váy áo muôn màu, thướt tha các kiểu, lại chả khiến cho, trà nó không chỉ là trà nữa, nó là một cái gì đấy, xốn xang hơn, dịu dàng hơn, quyến rũ hơn, mênh mang hơn...
Nên nói chả sai, trà ngoài công dụng là... trà, nó còn là một điểm nhấn du lịch, chưa kể nó làm cho môi trường, sinh thái tốt hơn lên rất nhiều...
Tất nhiên để cho nó, những vùng trà ấy, tiếp tục nổi tiếng, tiếp tục đẹp, tiếp tục quyến rũ, tiếp tục làm du khách ngất ngây, tiếp tục tham gia vào đời sống du lịch, cần phải có những động thái thiết thực, có những đầu tư xứng đáng, có ứng xử hết sức nhân văn và khoa học, có sự nhìn xa trông rộng, để nó tiếp tục là nó, phát huy thế mạnh của nó, chứ nếu chỉ nhăm nhăm khai thác, triệt để khai thác..., thì nó lại cũng sẽ chết yểu như những "đột biến" khác mà thôi...
Với hoa ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, con người có thể khai thác để phục vụ du lịch, từ hoa tự nhiên như dã quỳ, xuyến chi, tới hoa cà phê, hoa muồng vân vân, dù khi trồng người ta chủ ý làm việc khác, cà phê thì lấy hạt nhưng té ra mùa ra hoa nó đẹp vô cùng, muồng thì trồng để chắn gió cho chè, nhưng tới mùa, nó cũng tạo ra những thảm vàng bồng bềnh khiến ta nhớ tới cái màu vàng Levintan huyền thoại.
Nói thật, du lịch ở Gia Lai, còn tí vườn chè với con đường thông được chủ đồn điền chè trồng cách đây trăm năm giờ đột nhiên nổi tiếng, để người tứ xứ qua đây, ghé một tí, chụp ít ảnh nuôi... phây rồi tiếp tục lên Măng Đen, Kon Tum, nghỉ lại...
Và mỗi năm, một cuộc lễ hội hoa dã quỳ làm ở núi lửa Chư Đang Ya, năm nay sẽ tổ chức từ ngày 6 đến 12 tháng 11. Mà dã quỳ, để nó đẹp, nó đúng là dã quỳ, cũng phập phù lắm...
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!