Chuyển đổi số toàn diện và thực chất
Ngày 1/3, phát biểu trong Toạ đàm “AI và Data - Tiềm năng chưa được khai thác cho doanh nghiệp”, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, mục tiêu của nước ta từ nay đến 2030 là đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo nằm trong top 4 của ASEAN, top 50 của thế giới.
Chiến lược này nhằm mục đích xây dựng thành công 10 thương hiệu AI có tiếng trong khu vực và phát triển 3 trung tâm dữ liệu lớn, máy tính hiệu suất cao của quốc gia.
Trên thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn trong nước và các startup trên cả nước đang tăng tốc đầu tư và thực hiện những bước đi vững chắc trong nghiên cứu AI, được ứng dụng trong nhiều mô hình kinh doanh mới.
Trong đó phải kể đến ngành ngân hàng, y tế hay thương mại điện tử, là những ngành đã ứng dụng AI, data trong hoạt động của mình khá thành công trong hai năm đại dịch vừa qua, đem đến những phát triển vượt bậc khi phải đối mặt với giãn cách xã hội, giao dịch không tiếp xúc…
Làm rõ hơn điều này, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI HCM chỉ ra, qua hai năm Covid, chúng ta có thể thấy được tốc độ ghê gớm của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, bởi đây là vấn đề sống còn.
“Từ đó, một trong ba đột phá chiến lược của chúng tôi trong năm tới là thực hiện chuyển đổi số toàn diện và thực chất trong cộng đồng doanh nghiệp”, ông Liêm bày tỏ.
Tầm quan trọng của AI hay data đều xuất phát từ bối cảnh chung, bởi đây là điều cốt lõi của cách mạng công nghệ 4.0. Do đó, tất cả các thành tố từ Chính phủ cho đến người dân và cả doanh nghiệp đều cần đi theo dòng chảy đó.
Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế mở như hiện nay, nếu chúng ta không thực hiện ứng dụng AI hay phân tích dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về hình ảnh là chúng ta đang tụt hậu so với các “bạn hàng” quốc tế. Từ đó, để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển bền vững, tìm tòi và ứng dụng AI, Data là một trong những yếu tố quan trọng.
Thế nào là dữ liệu "sạch" cho doanh nghiệp?
Theo ông Phí Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn P.A.T Consulting Ltd: “Dữ liệu rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhưng khai thác và sử dụng dữ liệu ra sao càng quan trọng hơn".
Dữ liệu đã khẳng định được tầm quan trọng của mình ngay từ trong quá khứ, tới nay chúng ta vẫn luôn cần dữ liệu như một công cụ đắc lực để đưa ra định hướng kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vốn vẫn luôn sử dụng dữ liệu từ trước đến nay, tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với sự ồ ạt của thông tin, dữ liệu không chỉ đến từ những báo cáo toàn chữ và số mà còn đến từ hình ảnh.
Theo đó, ông Trương Bá Toàn, CEO Western Digital Vietnam đưa ra nhận định, chúng ta có nhiều dữ liệu, song, liệu dữ liệu có đủ “sạch” để sử dụng nhằm đưa ra đánh giá, quyết định đúng đắn cho doanh nghiệp hay không lại là vấn đề khác.
Ông lấy ví dụ về một dạng được cho là dữ liệu sạch, có ích cho doanh nghiệp, đó là chuỗi cà phê nổi tiếng Starbucks, sau khi thu thập dữ liệu từ đánh giá của khách hàng trong 3 năm, họ đã phân tích được hành vi tiêu dùng của khách hàng khi bước vào tiệm sẽ như thế nào.
Từ đó, Starbucks tiến hành bố trí lại không gian sao cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng của khách hàng, chỉ riêng việc đó đã khiến doanh thu của các cửa hàng tăng thêm 30%.
Về vấn đề này, xét trong bối cảnh hiện nay, “Dữ liệu có ích cho doanh nghiệp là quá nhiều", ông Tuấn nhấn mạnh.
Hơn nữa, giá thành để có được dữ liệu hiện tại rẻ hơn rất nhiều, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên bùng nổ của mạng xã hội, dữ liệu có ích hoàn toàn có thể đến từ đó như một kênh social listening (lắng nghe người dùng)...
Vậy nên chúng ta cần phải nghĩ đến giải pháp công nghệ để xử lý và tối ưu hoá dữ liệu, là việc cấp bách mỗi doanh nghiệp cần phải tính toán tới.
Để dữ liệu thật sự có ích cho doanh nghiệp, thì chính doanh nghiệp phải là người chủ động thu thập, bám sát theo lộ trình của mỗi dự án hay khoảng thời gian nhất định từ đó phân loại theo mục tiêu kinh doanh, pháp lý,... để sử dụng và lưu trữ, bởi có thể có những dữ liệu chưa có ích ở thời điểm bây giờ nhưng sẽ cần tới trong tương lai.