Tại buổi Hội thảo với các đại diện Hiệp hội về việc đóng góp Dự thảo Luật BVMT 2020, Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: “Chúng tôi rất muốn lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp bởi đây sẽ là những phản hồi trực tiếp liên quan đến những quy định, luật lệ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Hơn nữa, đây cũng sẽ là nguồn thông tin quan trọng song song với ý kiến của các chuyên gia, bởi đây là bài toán cân bằng lợi ích của tất cả các bên trên cơ sở hài hòa với việc quản lý nhà nước.
Dự kiến, Dự thảo Luật BVMT 2020 sẽ chính thức được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trình lên Chính Phủ trong ngày mai 20/10 - Ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ hai, khoá XV.
Do vậy CIEM đã tổ chức buổi Hội thảo với sự tập trung của nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội để lắng nghe ý kiến khách quan từ các bên, qua đó hy vọng có những chỉnh lý phù hợp về Dự thảo trước ngày 20/10.
Trong khuôn khổ đóng góp, các hiệp hội, chuyên gia đặc biệt quan tâm tới hai vấn đề chính đó là thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT) và việc thành lập Văn phòng EPR.
Thủ tục cấp giấy phép còn nhiều phức tạp
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: “Hiện Dự thảo Luật vẫn còn khá nhiều nội dung chưa được chỉnh lý, sửa đổi và hoàn thiện theo cách thức mà Nghị định 154 của Bộ Tư Pháp chỉ ra vào ngày 5/10 vừa qua. Vậy nên chúng tôi đang vô cùng lo ngại”.
Trả lời về mối lo thủ tục hành chính phức tạp, TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó cục trưởng Cục Môi trường cho biết, tuy bản Dự thảo còn nhiều vấn đề, nhưng cần đánh giá cao sự lắng nghe ý kiến và sửa đổi từ Bộ TN&MT, so với bản đầu tiên thì hiện tại Dự thảo đã bỏ bớt, chỉnh sửa tới 70-80%.
Về vấn đề thủ tục cấp GPMT, Bộ TN&MT được đánh giá là một trong 5 Bộ đi đầu về cải cách hành chính, thì không thể để việc cấp giấy phép trong Dự thảo này bị thụt lùi. Điểm nổi trội nhất ông Nam cho rằng Luật BVMT nhằm hướng tới tương lai, mà vẫn làm mọi thứ thủ công trong một tờ giấy phép, thật sự cần xem xét lại.
Cũng về vấn đề này, theo TS. Nguyễn Minh Thảo (Đại diện CIEM) trình bày nghiên cứu, cho thấy thủ tục còn tồn tại nhiều phức tạp, trùng lặp và khó tiên liệu cho các doanh nghiệp tuân thủ theo.
Cụ thể, bà cho rằng Hồ sơ cấp GPMT còn nhiều điểm trùng lặp với Hồ sơ Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM). Bên cạnh đó, chưa có quy định phân biệt rõ ràng cho từng nhóm dự án, rủi ro chính sách còn lớn khi dự án đang hoạt động cần xin lại GPMT như dự án mới.
Hơn nữa, sự thiếu minh bạch về thời gian và lộ trình sẽ khiến các doanh nghiệp khó tiên liệu. Bà đặc biệt nhấn mạnh, hiện tại quy định và thủ tục cấp GPMT chưa theo nguyên tắc quản lý hiện đại, vẫn còn nặng ở khâu tiền kiểm, chưa tập trung hậu kiểm, quy định về quy trình cấp giấy phép trực tuyến cũng chưa được đề cập đúng đắn.
Đại diện cho Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản - Canon Việt Nam cũng cho rằng Dự thảo cần đơn giản hoá thủ tục cấp lại GPMT, để giảm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp và cho cơ quan có thẩm quyền, tránh gây lãng phí cho xã hội. Theo đó, báo cáo đề xuất cấp lại GPMT không thể có nội dung tương đương như đề xuất cấp mới.
Bộ trưởng TN&MT đã chỉ đạo bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR
Tại hội thảo, đại diện VASEP cũng cho biết: “Chúng tôi không bao giờ phản đối trách nhiệm đóng góp theo Nghị định 54 của Luật BVMT. Thế nhưng chúng tôi phản đối việc Nghị định đã đưa thêm một điều mà Luật không có đó là việc thành lập Văn phòng EPR”.
"Hàng triệu doanh nghiệp trên khắp cả nước, thuộc 63 tỉnh thành, điều này khiến người ta có quyền nghi ngờ về việc nay mai sẽ có 63 Văn phòng EPR ở mỗi địa phương. Và Văn phòng này sẽ hoạt động từ chính số tiền mà doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ", ông Nguyễn Hoài Nam bày tỏ sự quan ngại.
Trước đó vào ngày 11/10/2021, trong văn bản kiến nghị của 12 Hiệp hội các ngành hàng Việt Nam gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các Bộ, Văn phòng cũng đã yêu cầu bãi bỏ Văn phòng EPR.
Bởi việc Dự thảo đưa vào là không đúng với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc thành lập mới Văn phòng EPR Việt Nam sẽ làm tăng thêm biên chế, đi ngược với chủ trương của Chính phủ về tinh giản bộ máy hành chính.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhận định, trước tiên, nếu đây là khoản đóng góp của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp vẫn có quyền chi phối và sử dụng nó, vậy nên quỹ này nếu được thành lập vẫn phải là quỹ của doanh nghiệp, không phải của Nhà nước. Với cách quản lý như vậy, thì chúng ta sẽ mất nhiều tiền mà vẫn không bảo vệ được môi trường.
Hơn nữa, tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội đều đồng tình cho rằng tiền doanh nghiệp đóng góp để tái chế sản phẩm, bao bì được dùng vào các mục đích khác như trả kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR là sai mục đích và trái luật BVMT. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường và nhiều loại thuế, phí khác để chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước, nên không thể đóng góp khoản khác với cùng mục đích cho cơ quan nhà nước.
Đại diện từ phía Hiệp hội Sữa Việt Nam - ông Trần Quang Trung bổ sung thêm: “Những ý kiến của các Hiệp hội chúng tôi đưa ra hoàn toàn dựa trên tinh thần xây dựng. Tuy nhiên, góp ý để nội dung cuối cùng trình lên Quốc hội phải mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhất có thể”.
Từ đó, các đại diện thống nhất ý kiến thay vì thành lập Văn phòng EPR, nên giao nhiệm vụ quản lý, giám sát việc thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cho một đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT. Việc đó sẽ giúp việc đảm bảo sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước đối với hoạt động tái chế ở Việt Nam.
Trong cuộc họp sáng ngày 18/10 của Bộ TN&MT cùng 15 Hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã chỉ ra EPR sẽ thông qua Hội đồng liên ngành có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia về môi trường, các Hiệp hội, doanh nghiệp. Giúp việc Hội đồng sẽ do một cơ quan chuyên môn của Bộ thực hiện. Kinh phí đóng góp vào Quỹ đã được quy định trong Luật; việc sử dụng kinh phí này sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.