Đủ tuổi kết hôn nhưng không thể ly hôn vì thiếu tuổi

Đủ tuổi kết hôn nhưng không thể ly hôn vì thiếu tuổi

Thứ 4, 17/04/2013 | 16:13
0
Quy định về độ tuổi kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với những quy định pháp luật khác như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật đất đai…

Quy định của pháp luật hôn nhân gia đình ghi nhận: nữ bước sang tuổi 18 thì được coi là kết hôn hợp pháp (về mặt độ tuổi). Tuy nhiên về năng lực chủ thể, một người bước sang tuổi 18 nhưng chưa đủ 18 tuổi thì chưa được coi là người thành niên và chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Do đó, đối với nữ dù đã được kết hôn nhưng lại không được tham gia vào tất cả các giao dịch dân sự.

Cụ thể, nhiều giao dịch (về bất động sản, tín dụng...) đòi hỏi chủ thể của giao dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Vợ chồng đã kết hôn thông thường phải tự thực hiện các giao dịch để đảm bảo cuộc sống, thế nhưng việc người vợ chưa đủ tuổi để tham gia một số giao dịch liên quan đến bất động sản, tín dụng là một bất cập của Luật hôn nhân và gia đình hiện hành.

Luật sư - Đủ tuổi kết hôn nhưng không thể ly hôn vì thiếu tuổi

Một đám cưới tảo hôn

Trong khi Điều 9 Luật HN-GĐ quy định độ tuổi kết hôn của nam là từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên thì trong thực tiễn, khi thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan, đặc biệt là Nghị định số 110/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, việc xác định hành vi vi phạm bạo lực gia đình, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vợ là khó khăn vì nếu vi phạm ngay sau khi kết hôn thì người vi phạm chưa đủ 18 tuổi (chưa thành niên). Cũng phải thẳng thắn thừa nhận không phải trong mọi trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình đều là đàn ông.

Điều đặc biệt với việc quy định như hiện nay thì việc một người đủ tuổi kết hôn nhưng lại không được ly hôn do thiếu tuổi. Bởi lẽ khoản 3 Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự quy định một cá nhân chỉ có thể tự mình tham gia quan hệ tố tụng khi đã đủ 18 tuổi trở lên, trong khi đó với việc cho phép nữ bước sang tuổi 18 được kết hôn, thì rất có thể người này sẽ không được phép ly hôn nếu như đến thời điểm có yêu cầu ly hôn họ chưa đủ 18 tuổi.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình thì việc xem xét lại quy định về độ tuổi là hết sức cần thiết. Pháp luật phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất thì việc áp dụng vào thực tiễn mới không vấp phải những vướng mắc, bất cập như hiện nay.

Điều 9. Điều kiện kết hôn (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000)

Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;

2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;

3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này.

Điều 57. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự (Bộ LTTDS năm 2004)

1. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.

3. Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

(...)

Giang Quyết

Sẽ không 'trẻ hóa' độ tuổi kết hôn

Thứ 5, 04/04/2013 | 22:14
Sau 12 năm đi vào cuộc sống với nhiều biến động của đời sống kinh tế - xã hội, Luật HNGĐ năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập.

Sẽ mạnh tay cấm kết hôn với người nước ngoài cùng giới

Thứ 4, 03/04/2013 | 11:44
Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Xử phạt ngoại tình tính theo lần quan hệ là bế tắc

Thứ 3, 16/04/2013 | 09:14
Trước những “bế tắc” trong việc xử phạt hành vi ngoại tình, đã có ý kiến đề xuất quan hệ thân xác ngoài luồng một lần thì xử phạt còn trên ba lần thì xử lý hình sự. Tuy nhiên nếu chỉ căn cứ vào định lượng để áp chế tài đối với hành vi ngoại tình sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “bế tắc” trở lại.