Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự hôm 24/2, mọi con mắt truyền thông quốc tế đều đổ dồn về Ukraine, theo dõi diễn biến của cuộc chiến. Rất nhiều các phóng viên, nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đến Ukraine để tác nghiệp, đưa tin về tình hình chiến sự nóng bỏng trên tiền tuyến cũng như cuộc sống của người dân trong cơn hoạn nạn.
Gần đây, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) - một cơ quan nghiên cứu độc lập, phi đảng phái ở Mỹ - đã thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với một số nhà báo kỳ cựu, những người đã có mặt từ rất sớm ở Ukraine và bám sát cuộc xung đột này trong gần 4 tháng qua.
Rõ ràng, việc đưa tin về một cuộc xung đột quân sự không bao giờ là điều dễ dàng đối với các nhà báo. Nhưng với tất cả tâm huyết và lòng yêu nghề, họ luôn cố gắng giúp công chúng hình dung sự ác liệt nơi tiền tuyến, cũng như kể câu chuyện về những thiệt hại và nỗi đau mà người dân phải gánh chịu.
Trải nghiệm ở Kiev
Anh Joshua Yaffa, phóng viên viết bài cho Tạp chí The New Yorker từ năm 2016, đã đến Ukraine từ hôm 8/2, 2 tuần trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở quốc gia Đông Âu hôm 24/2. Trong những ngày liền sau đó, anh đã ở Thủ đô Kiev (Kyiv), một trong những địa điểm đầu tiên ở Ukraine rung chuyển bởi những vụ nổ lớn.
Yaffa chia sẻ: “Tôi nhớ mình đã ở Kiev vào các ngày 25, 26, 27/2 và lúc đó tôi tự hỏi nếu Kiev không thất thủ hôm nay thì liệu thành phố có bị bao vây? Liệu các lực lượng Nga có thành công khép vòng vây Kiev? Đó thực sự là một rủi ro rất lớn vào thời điểm đó”.
“Và tất nhiên, điều đó đã không xảy ra”, Yaffa cho biết. “Các lực lượng Ukraine đã chiến đấu chống lại các lực lượng Nga, không chỉ từ Kiev mà còn từ các thành phố lớn khác — Kharkiv, Chernihiv và những nơi khác trên khắp Ukraine — và sau đó, như những gì chúng ta thấy là sự chuyển trọng tâm sang miền Đông (Donbass)”.
Trong suốt giai đoạn xung đột, Yaffa đã vài lần rời đi và quay lại Ukraine. Hôm 28/3, anh nhập cảnh vào Ukraine từ Ba Lan tại cùng một cửa khẩu biên giới, nơi anh đã rời khỏi đất nước 2 tuần trước đó.
Trong bài viết đăng trên The New Yorker hôm 1/4, anh cho biết bản thân đã chứng kiến dòng người tị nạn Ukraine chạy trốn khỏi cuộc giao tranh, gồm phụ nữ, trẻ em, người già, xếp hàng chờ đợi cơ hội vào Ba Lan.
Theo UNHCR, tính đến 13/6 - ngày thứ 110 của cuộc xung đột, hơn 7,3 triệu người đã rời bỏ Ukraine đi tị nạn ở các nước láng giềng, trong đó Ba Lan đã tiếp nhận gần 3,9 triệu người.
“Bên kia biên giới, ở Lviv, một thành phố mang đậm dấu ấn lịch sử Ba Lan và Áo với sự quyến rũ đầy lôi cuốn, tôi lên chuyến tàu đêm đến Kiev”, Yaffa cho biết.
Nhà báo này trở lại Kiev vào thời điểm khi Quân đội Nga đang dần rút lui khỏi các khu vực xung quanh Thủ đô Ukraine.
Yaffa chia sẻ rằng có chút gì đó đã thay đổi ở Kiev, có lẽ đó là do mùa xuân đã gõ cửa Thủ đô, cùng với sự tạm lắng tương đối của các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo kích vào trung tâm.
Đầu tháng 3 có lẽ là giai đoạn Kiev hứng chịu những đợt tấn công ác liệt nhất. Yaffa cho biết, lúc đó thành phố trở nên trống rỗng, mọi người cảm thấy căng thẳng và nguy cơ bị bao vây cận kề. Nhưng khi anh một lần nữa quay lại đây, sau khi Nga tuyên bố rút quân, thành phố có cảm giác như được tái sinh, mặc dù vẫn có đôi chút phập phồng lo sợ và “đầy sẹo” - nhưng hơn hết cả là tràn trề hy vọng.
“Một trong những tiệm bánh và quán cà phê yêu thích của tôi ở Podil, một khu phố lịch sử trên vùng ngập lũ sông Dnepr, đã mở cửa trở lại”, Yaffa cho biết khi nói về ngày đầu anh trở lại Kiev. “Ở đầu kia của thành phố, tôi ngồi ngoài trời, thưởng thức pizza với một người bạn, một nhà báo người Ukraine”.
“Khả năng phản kháng của người Ukraine trước người Nga rất đáng chú ý, vượt qua những gì nhiều chuyên gia mong đợi. Hòa bình, tuy nhiên, vẫn khó nắm bắt”, Yaffa nói, đồng thời kết luận: “Chủ nghĩa anh hùng của người Ukraine là không thể phủ nhận. Nỗi đau khổ của họ cũng vậy”.
Xung đột dai dẳng
Kể từ khi Nga rút quân khỏi các khu vực xung quanh Thủ đô Kiev và Kharkiv - thành phố lớn thứ 2 ở Ukraine, cuộc sống đang dần trở lại bình thường trên khắp đất nước, trừ khu vực Donbass ở miền Đông.
Donbass, khu vực bao gồm các tỉnh Donetsk và Lugansk, một lần nữa lại trở thành điểm nóng giao tranh.
Chị Vivian Salama, một nhà báo người Mỹ chuyên viết bài về các vấn đề an ninh quốc gia cho The Wall Street Journal, mới trở về từ Donbass hồi cuối đầu tháng 6.
Salama đã có mặt ở Mariupol, tỉnh Donetsk, khi thành phố cảng chiến lược này thất thủ, với việc những binh sĩ Ukraine cuối cùng rời nhà máy thép Azovstal.
Bình luận trên The Wall Street Journal hôm 22/5, Samala viết, “Bằng cách cầm cự trong nhiều tuần bên trong vòng vây ngày càng bị siết chặt, quân phòng thủ Ukraine đã giữ chân một số lượng lớn quân Nga, ngăn cản đối phương triển khai lực lượng tới những nơi khác ở Ukraine”.
“Vào thời điểm họ đầu hàng, cuộc kháng chiến tại nhà máy Azovstal mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn là chiến lược”.
Kiểm soát hoàn toàn Mariupol được cho là một chiến thắng được mong đợi từ lâu của người Nga khi họ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine.
Sau trận Mariupol, Nga đã rảnh tay để dồn lực tấn công những khu vực còn nằm dưới quyền kiểm soát của Ukraine ở Donbass.
Người Nga và người Ukraine đã trải qua nhiều tuần ở thế giằng co tại Donbass, nơi giao tranh gần đây đã biến thành cuộc đọ sức của pháo binh.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy từng nói với các nhà báo ở Kyiv rằng "chúng tôi đang cầm cự" ở thành phố trọng điểm là Severodonetsk thuộc tỉnh Lugansk, nhưng quân số của Nga đông hơn và hỏa lực mạnh hơn.
Phóng viên Nick Connolly của Đài DW (Đức) cho biết, Quân đội Ukraine đã phải hứng chịu những sự kéo lùi chủ yếu là do sự chậm trễ trong việc bàn giao vũ khí phương Tây mà Ukraine yêu cầu.
"Chúng tôi nhận được các báo cáo rằng các chỉ huy Ukraine đang phải suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng đạn pháo vì các hệ thống của họ không có tầm bắn đủ sâu như của người Nga", anh Connolly lưu ý.
Mặc dù viện trợ quân sự vẫn đang đổ vào Ukraine, nhưng các quan chức ở Kiev đã bày tỏ lo ngại rằng sự mệt mỏi vì chiến sự dai dẳng có thể làm xói mòn quyết tâm của phương Tây trong việc giúp Ukraine đẩy lùi sự gây hấn của Moscow.
Theo ông Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị của Trung tâm Penta, mỗi tháng cuộc chiến gây thiệt hại cho Ukraine 5 tỷ USD, và điều đó “khiến Kiev phụ thuộc vào lập trường đoàn kết của các nước phương Tây”.
Phép thử với sức mạnh ý chí
Ngoài ra, còn một yếu tố nữa đang khiến giới chức Ukraine đau đầu. Nhà báo Salama của The Wall Street Journal cho biết, khi cảm giác bình thường trở lại với cuộc sống ở Kiev và hầu khắp Ukraine, các quan chức Ukraine liên tục nói với chị rằng họ lo ngại về cảm giác tự mãn đối với sự ổn định mới đó.
“Các vị biết đấy, họ vẫn cần những những chàng trai trẻ ra tiền tuyến, họ cần mọi người giữ tinh thần chiến đấu”, Salama nói.
“Đó là lý do tại sao ngoài việc tập trung tìm cách có được nhiều vũ khí hơn, họ cũng chú trọng đến việc giữ cho lớp trẻ của mình có động lực chiến đấu và không quá tự mãn với hoàn cảnh”.
Anh Nick Schifrin, phóng viên đối ngoại và quốc phòng của chương trình tin tức truyền hình buổi tối PBS NewsHour (Mỹ), cho rằng cuộc xung đột được dự đoán sẽ kéo dài này còn là một phép thử đối với sức mạnh ý chí của người Ukraine.
Sự kiên cường của người Ukraine là rất đáng chú ý và đã được đưa tin dày đặc. Với ý chí kiên cường, Schifrin cho biết, rất nhiều người đàn ông Ukraine đã tiễn vợ con lên tàu hỏa đi sơ tán rồi nhanh chóng quay trở lại mặt trận.
Rất nhiều người Ukraine từ thành phố Lviv ở miền Tây và Thủ đô Kiev đã tình nguyện đến miền Đông, liều mình tiếp tế nước uống và thực phẩm cho những người dân vẫn còn đang mắc kẹt ở các vùng có giao tranh, bất chấp hỏa lực dữ dội từ các cuộc pháo kích của đối phương.
Là một trong những nhà báo đã có mặt gần chiến tuyến ở Kherson, miền Nam Ukraine, nơi đã rơi vào vòng kiềm tỏa của quân Nga chỉ vài tuần sau khi xung đột vũ trang giữa hai bên bùng phát, Schifrin cho biết, lãnh đạo Quân đội Ukraine lạc quan về khả năng đánh bật người Nga khỏi Kherson. Tuy nhiên, điều này bị một số người bên cạnh Tổng thống Zelenskyy hoài nghi.
“Tôi đã nói chuyện với một vài người trong số họ, những người nghi ngờ rằng Quân đội (Ukraine) có thể đánh bật người Nga khỏi Kherson, khỏi các phần của Zaporizhzhia mà họ kiểm soát”, Schifrin nói.
Theo nhận định của nhà báo này, về mặt chiến lược, nếu thực sự mất Kherson, người Ukraine sẽ gặp rắc rối lớn, cả về mặt quân sự hiện nay và cả về mặt ngoại giao trong tương lai.
“Những gì họ (Quân đội Ukraine) hy vọng và những gì các quan chức Ukraine đặt ra là khác nhau. Nhưng việc họ nhận được nhiều các hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) hơn từ phương Tây sẽ cho phép họ chống trả đối phương từ một khoảng cách xa hơn, với độ chính xác cao hơn, và thậm chí là đánh bật người Nga ra khỏi các khu vực ở miền Nam và Đông Nam đất nước. Tất nhiên, điều đó thực sự không dễ chút nào”, Schifrin giải thích.
Cho nên cuộc xung đột kéo dài này sẽ là một thử thách không chỉ đối với sức mạnh ý chí của người Ukraine, mà còn đối với sức mạnh của các loại vũ khí mà họ nhận được, nhà báo này kết luận.
Minh Đức