Đức nên giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày đối với những người đã được tiêm chủng mà bị mắc Covid-19. Đó là một trong những nội dung trong một đề xuất do 16 Bộ trưởng Y tế khu vực của nước này soạn thảo và công bố hôm 5/1, trang Politico đưa tin.
Đề xuất đã được chuyển đến Bộ trưởng Y tế Liên Bang Karl Lauterbach. Đây sẽ là cơ sở cho các quyết định được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 7/1 giữa Chính phủ Liên bang và các nhà lãnh đạo khu vực, Bộ trưởng Y tế bang Bavaria, Klaus Holetschek, cho biết.
Đức đang chuẩn bị cho một làn sóng các trường hợp nhiễm Omicron - biến thể coronavirus mới nhất vốn đã khiến các ca nhiễm bệnh tăng kỷ lục ở các nước châu Âu khác.
Vì Omicron dễ lây lan hơn các biến chủng trước đó của virus SARS-CoV-2, nhưng cũng được cho là ít gây chết người hơn, chính quyền các tiểu bang muốn rút ngắn thời gian cách ly đối với các ca bệnh và cả các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nhân viên tại các bệnh viện và tránh gián đoạn các dịch vụ thiết yếu khác.
Trong những ngày gần đây, Bỉ đã miễn kiểm dịch cho những người đã tiêm chủng mà có tiếp xúc gần ca bệnh, và Pháp cũng đã rút ngắn thời gian cách ly đối với người đã tiêm chủng đầy đủ mà dương tính với Covid-19.
Ở Đức, theo đề xuất của các lãnh đạo y tế khu vực, những trường hợp nhiễm Covid-19 mà đã tiêm vắc-xin trước đó có thể kết thúc cách ly sau 7 ngày nếu họ có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính, tờ Bild của Đức đưa tin.
Đối với những trường hợp nhiễm bệnh mà chưa được chủng ngừa trước đó, thời gian cách ly sẽ được cắt giảm xuống còn 10 ngày, với điều kiện họ có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Nếu người lao động nhiễm Covid-19 được chủ lao động chứng nhận là đang làm việc trong cơ sở quan trọng, thì thời gian cách ly có thể kết thúc chỉ sau 5 ngày, đi kèm với kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính.
Những trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh thì được kết thúc thời gian cách ly sau 7 ngày, với điều kiện là có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Những người đã chủng ngừa trong 3 tháng qua, hoặc đã được tiêm mũi tăng cường, mà có tiếp xúc gần với ca bệnh, sẽ không cần phải cách ly, theo đề xuất.
Minh Đức (Theo Politico, Local.de)