Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil mới đây đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng tăng trưởng kinh tế của nước này có thể sụt giảm xuống còn 1,4% -1,5% trong năm nay, từ mức 2,7% vào năm 2021.
Ông Heil nói “Chúng tôi sẽ vẫn tăng trưởng, nhưng nó phụ thuộc vào diễn biến xung đột không lan rộng hơn nữa và nguồn cung năng lượng được duy trì”. Chính phủ sẽ hỗ trợ và cấp thêm viện trợ cho những người lao động bị sa thải, nhằm bảo vệ họ nếu tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Đức, nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU), trong tuần này đang lên kế hoạch cung cấp khoản viện trợ trị giá hơn 100 tỷ Euro (108,8 tỷ USD) cho các công ty bị ảnh hưởng bởi tác động của xung đột tại Ukraine. Chính phủ gọi khoản viện trợ là "lá chắn bảo vệ" cho các công ty mà mối lo ngại lớn nhất của họ là khả năng thanh khoản trong ngắn hạn.
Theo kế hoạch, chính phủ sẽ cung cấp cho các công ty thuộc mọi quy mô khoản vay miễn phí lãi suất thấp thông qua ngân hàng phát triển nhà nước KfW (KFW.UL). Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ bảo lãnh cho các khoản vay để bảo vệ sự thanh khoản của các công ty trong giai đoạn giá năng lượng tăng đột biến.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu trong cuộc họp báo: “Chúng tôi đã trình bày một gói hỗ trợ kinh tế lớn, nhằm giúp đỡ các công ty đang phải chịu gánh nặng do chi phí tăng cao".
Theo cơ quan thống kê liên bang Destatis, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đức tháng 3/2022 đã tăng tới 7,3% so với một năm trước đó, tăng từ mức 5,1% của tháng 2. Đây là mức lạm phát hàng năm cao nhất tại Đức trong vòng hơn 40 năm.
Cơ quan thống kê cho biết: “Kể từ khi Nga xung đột quân sự tại Ukraine, giá khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ đã tăng mạnh. Điều này đã tác động đáng kể đến tỷ lệ lạm phát”. Lạm phát cao có thể sẽ gây thêm áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải nâng lãi suất để ứng phó với đà tăng giá cả.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết có kế hoạch đệ trình khoản ngân sách bổ sung lên quốc hội trong những tuần tới. Khoản ngân sách có thể trị giá lên tới ít nhất 24 tỷ Euro, cho thấy mối quan ngại của nước này về những tác động kinh tế từ cuộc xung đột.
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, DW)