Bản đồ đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga đến Đức (ảnh: Aljazeera)
Ông Habeck nhấn mạnh, Đức sẽ không cấp phép cho Nord Stream 2 hoạt động vì điều này chỉ khiến Berlin phụ thuộc vào năng lượng Nga nhiều hơn, Aljazeera hôm 29.7 đưa tin.
“Theo quan điểm của tôi, quyết định như vậy sẽ là sai lầm và không phải một lựa chọn đúng đắn”, ông Robert Habeck phát biểu trong một cuộc họp ở bang Thuringia (Đức).
Hoàn thành từ cuối năm 2021, Nord Stream 2 hiện chỉ còn chờ Đức cấp phép để đi vào hoạt động. Hôm 22.2, Đức đã tuyên bố đình chỉ cấp phép cho dự án này, khi Nga chuẩn bị mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nord Stream 2 được cho là có thể tăng gấp đôi công suất cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức. Nord Stream 1 – đường ống dẫn khí đốt đang hoạt động – đã giảm công suất xuống chỉ còn 20% hôm 27.7.
Phát biểu của Bộ trưởng Habeck được đưa ra trong bối cảnh một số ý kiến cho rằng Berlin nên thay đổi chính sách với khí đốt Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trước mắt.
Hôm 27.7, Thị trưởng của 7 thành phố ở Ruegen (hòn đảo lớn nhất nước Đức) cho rằng, chính sách hạn chế nhập khẩu khí đốt Nga của Berlin có thể khiến kinh tế rơi vào khủng hoảng và châm ngòi cho tình trạng bất ổn. Trong một bức thư gửi chính phủ liên bang, 7 quan chức này cũng yêu cầu lãnh đạo Đức cấp phép hoạt động cho đường ống Nord Stream 2.
Hôm 28.7, chính quyền thành phố Hanover của Đức đã đưa ra quy định cấm sử dụng nước nóng trong các tòa nhà công cộng nhằm tiết kiệm khí đốt.
“Mỗi kilowatt giờ tiết kiệm được sẽ giúp tăng thêm khí đốt trong kho dự trữ”, chính quyền thành phố Hanover kêu gọi.
Nga vẫn đang chờ Đức cấp phép để Nord Stream 2 hoạt động (ảnh: Aljazeera)
Hanover là thành phố đầu tiên ở Đức quy định cấm sử dụng nước nóng trong các tòa nhà công cộng. Quy định này dẫn đến việc không có nước nóng để người dân sử dụng trong các tòa nhà chính quyền, phòng tập thể dục, hồ bơi…
Hanover cũng quyết định sẽ giảm nhiệt của hệ thống sưởi, tắt đèn, tắt đài phun nước ở các tòa nhà công cộng trong thành phố.
“Mục tiêu là giảm mức tiêu thụ năng lượng của chúng ta xuống 15%. Tình trạng thiếu khí đốt là thách thức lớn đối với nhiều thành phố, đặc biệt là thành phố lớn như Hanover”, chính quyền thành phố Hanover cho hay.
Hôm 29.9, Đại diện Ngoại giao cấp cao của EU Josep Borrell cho biết, khối này sẽ thích nghi để dần loại bỏ khí đốt Nga.
“Đầu tiên là than đá, dầu mỏ và cuối cùng là khí đốt. Sẽ mất nhiều thời gian để loại bỏ khí đốt Nga. Chúng tôi phải dần thích nghi. Không để giảm nhu cầu tiêu thụ từ 40% xuống 0% trong một sớm một chiều", ông Borrell nói.
Theo ông Borrell, Moscow cũng nhận biết được việc EU sẽ dần “đoạn tuyệt” với khí đốt Nga.
“Nga muốn bán khí đốt của họ, nhưng không nhất thiết phải bán cho chúng tôi”, ông Borrell nói thêm.
Vương Nam – Aljazeera